TPO - Sau 3 ngày rà soát người ho, sốt trong cộng đồng, Hà Nội đã phát hiện 43 ca dương tính SARS-CoV-2. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Vừa qua Hà Nội tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp sốt, ho tại cộng đồng là biện pháp khoa học, hợp lý để phát hiện ra các cá bệnh. Qua đây, tìm được F0, ổ dịch từ đó thực hiện phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Vừa qua Hà Nội tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp sốt, ho tại cộng đồng là biện pháp khoa học, hợp lý để phát hiện ra các cá bệnh. Qua đây, tìm được F0, ổ dịch từ đó thực hiện phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch”.
"Hà Nội sẽ còn những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Đây là điều không thể không tránh khỏi. Thời gian qua TP Hà Nội giống như “vùng trũng” về dịch, rất nhiều người từ Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, từ các nơi đổ về. Ngay từ đầu chúng tôi đã nhận định, nguy cơ dịch ở Hà Nội rất cao. Vì thế, dù số ca phát hiện chưa quá nhiều song Hà Nội đã quyết định thực hiện Công điện 15 và thêm nhiều biện pháp chặt hơn", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Theo ông, vấn đề ở đây là phải thực hiện nghiêm Công điện 15, nếu không nghiêm sẽ khó khăn trong khống chế dịch vì đã có ca cộng đồng. Ông cho rằng, dịch bệnh tại Hà Nội hiện trong tầm kiểm soát, truy vết và xét nghiệm được hết các trường hợp F1, thậm chí lấy mẫu diện rộng xung quanh ổ dịch. Tuy nhiên ngoài truy vết, phong tỏa diện hẹp, thực hiện giãn cách thì việc quan trọng là tiếp tục phát hiện ổ dịch mới.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 666 trường hợp mắc, riêng từ ngày 5/7 đến trưa 23/7 là 387 trường hợp. Những ngày gần đây số mắc COVID-19 của Hà Nội liên tục gia tăng, có ngày lên đến hơn 60 ca. Đáng chú ý, Hà Nội cũng phát hiện hơn 20 ca dương tính thông qua lấy mẫu các trường hợp sốt, ho tại cộng đồng.
Ông Phu cho biết các trường hợp sốt, ho tại cộng đồng được phát hiện là các ca chỉ điểm, từ đó xét nghiệm rộng hơn ở cộng đồng để đánh giá về tình hình dịch của thành phố nhằm có đáp ứng kịp thời. “Mỗi phát hiện là một thông số quan trọng giúp Hà Nội sớm đưa ra được phương án ứng phó phù hợp”, ông Phu nói.
Những biểu hiện ho, sốt, khó thở... là những triệu chứng phổ biến của những người mắc bệnh COVID-19, đã được đưa vào trong các tiêu chuẩn chẩn đoán, phát hiện người nhiễm SARS-COV-2 của Bộ Y tế. Vì thế, những người có những biểu hiện ho, sốt, khó thở... thì cần khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm sàng lọc để xác định có bị nhiễm SARS-COV-2 hay không.
Những việc người dân nên làm khi ho, sốt
Bộ Y tế xây dựng khuyến cáo cộng đồng về những việc cần làm khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở. Việc này giúp người dân có hướng dẫn cụ thể về những việc cần làm khi có những biểu hiện (sốt, ho, đau họng, khó thở) trong tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay; từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm khi chưa có kết quả xác định; cần thông báo, phối hợp với nhân viên y tế để được tư vấn và theo dõi.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, người dân cần thực hiện các việc sau:
Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét
Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế; Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy;
Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;
Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;
Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…;
Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;
Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.