Dù mới sinh nhưng Hoa không ngó ngàng đến con, thậm chí không ăn uống, kết quả cân nặng bị giảm nghiêm trọng.
Phụ nữ sau sinh gặp vấn đề tâm lý và sức khỏe là chuyện không hiếm gặp. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như thay đổi môi trường quá đột ngột, bị ảnh hưởng tâm lý, mất ngủ… Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân khác mà ít ai ngờ tới đó là việc nghiện điện thoại sau sinh dẫn đến trầm cảm, sụt cân.
PGS.TS.BS Tô Thanh Phương - Nguyên Phó giám đốc, trưởng khoa Cấp tính nữ (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) cho biết, trong xã hội hiện đại, vấn đề nghiện điện thoại ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ngày càng nhiều và đáng cảnh báo. Tình trạng này không chỉ gặp ở trẻ nhỏ, những người độc thân, mà đang ảnh hưởng đến mọi đối tượng, trong đó có cả phụ nữ sau sinh.
Theo bác sĩ Phương, rất nhiều người thắc mắc rằng sau sinh đẻ, chị em thường chỉ chú tâm đến con nhỏ, thời gian đâu để xem điện thoại. Điều này là đúng với đại đa số nhưng có một số ít, nhất là những cô gái làm mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ, điện thoại với họ có khi quan trọng hơn cả con cái, không thể tách rời.
BS Tô Thanh Phương cho biết nhiều chị em phụ nữ bị trầm cảm vì quá lệ thuộc vào điện thoại, dẫn tới nghiện.
Bác sĩ Tô Thanh Phương từng tiếp nhận một người mẹ trẻ (26 tuổi, ở Hà Nội), bị trầm cảm rất nặng do nghiện điện thoại. Không chỉ tinh thần bị ảnh hưởng mà thể chất cũng bị tác động nghiêm trọng khi cô giảm 23kg sau sinh.
Sau khi sinh con chưa đầy một tháng, người mẹ này thay vì chăm sóc con, suốt ngày chỉ xem và chơi điện thoại, thậm chí còn quên ăn, không ngủ, không tiếp xúc với ai. Gia đình cho biết, tình trạng này xảy ra từ khi bệnh nhân mang thai, nhưng ngày càng trầm trọng sau khi sinh con xong, nhất là khi về nhà bố mẹ đẻ.
“Sau sinh một thời gian, con gái về nhà bố mẹ đẻ thì tự nhốt mình trong nhà, quên cả cho con bú, việc chăm sóc con phó thác cho ông bà ngoại. Thậm chí, khi gia đình thử cắt mạng internet thì cô gái chống đối quyết liệt”, người thân chia sẻ với bác sĩ.
Do thấy sản phụ có những bất thường về tâm sinh lý, lại giảm từ 60kg còn 37kg sau sinh một tháng, gia đình đã đưa con gái tới viện khám. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm thể nặng, phải nhập viện điều trị. “Tại bệnh viện, bệnh nhân không ăn uống và phải cho nằm ăn xông, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào người nhà và nhân viên y tế”, PGS Phương chia sẻ.
Không ít chị em chống đối kịch liệt khi bị yêu cầu tách rời điện thoại. (Ảnh minh họa)
Sau khi được PGS Tô Thanh Phương điều trị 2 tuần, nữ bệnh nhân có dấu hiệu khởi sắc hơn khi da mặt hồng hào, không cần ăn xông, bắt đầu tăng cân… Tuy nhiên, sau đó người mẹ trẻ phải điều trị hơn 6 tháng mới tạm ổn cả về thể chất, lẫn tinh thần.
Trước tình trạng nhiều người trẻ nói chung và phụ nữ sau sinh nói riêng nghiện điện thoại hơn con, TS Phương cho biết, việc dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại, nhất là vào mạng xã hội, sẽ làm mất khả năng xử lý mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, làm gia tăng tâm trạng bất an, lo lắng, mất ngủ. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người phụ nữ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, thiếu kiềm chế, có hành động chống đối, nhất là thời điểm sau sinh luôn nghe tiếng con khóc, liên tục chăm sóc cho con.
Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung cho biết thêm, trước đây phụ nữ sau sinh kiêng cữ rất nhiều, điều này cũng có những điểm tốt cho sức khỏe, giúp người mẹ có thời gian hồi phục sức khỏe, toàn tâm toàn ý cho con… Còn hiện nay, nhiều chị em vừa sinh con xong về phòng sau sinh câu đầu tiên hỏi là “điện thoại đâu”. Điều này là không nên.
Theo bác sĩ Dung, phụ nữ trải qua cuộc vượt cạn mất rất nhiều sức, cơ thể lỏng lẻo nên cần phục hồi, việc xem điện thoại ảnh hưởng đến tâm trí, khớp xương, thị lực… tốt nhất không nên sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, đây là giai đoạn nhạy cảm, việc tiếp cận mạng xã hội nếu không chọn lọc dễ bị ảnh hưởng tâm lý, từ đó dẫn tới suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm…
“Tóm lại, không ai cấm chị em sau sinh dùng điện thoại, thế nhưng lạm dụng thành nghiện, rồi lệ thuộc điện thoại, trầm cảm… sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe khỏe của cả mẹ và con”, bác sĩ Dung khuyến cáo.