Ở tuổi vị thành niên, nếu không được quan tâm, chăm sóc kịp thời, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần và thể chất, đặc biệt là sức khỏe sinh sản.
Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thay đổi tâm lý ở trẻ vị thành niên cực kỳ nhạy cảm, cần lưu ý đặc biệt
Trong các giai đoạn phát triển của con người, lứa tuổi vị thành niên được đánh giá là có nhiều sự thay đổi về thể chất, tâm lý nhất. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang giai đoạn trưởng thành nên nếu không được quan tâm, chăm sóc hợp lý thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người lớn, ở trong khoảng độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi.
Trong độ tuổi trên, WHO xếp trẻ vị thành niên làm 3 nhóm là: Trẻ vị thành niên sớm (từ 10 đến 14 tuổi); trẻ vị thành niên giữa (từ 14 đến 16 tuổi); trẻ vị thành niên muộn (từ 16 đến 19 tuổi).
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương)
“Ở mỗi giai đoạn trẻ vị thành niên có sự thay đổi khác nhau. Tuy nhiên có 3 vấn đề trẻ thường hay gặp nhất đó là sự thay đổi về tâm sinh lý; sự phát triển về thể chất, ngoại hình; sự phát triển về chức năng sinh sản. Vì thế, các vấn đề gặp phải cũng đều liên quan đến vấn đề này. Trong đó, sự thay đổi tâm sinh lý và sức khỏe sinh sản các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý”, tiến sĩ Loan cho hay.
Theo phân tích của tiến sĩ Loan, ở tuổi vị thành niên, sự thay đổi về ngoại hình với trẻ nam chủ yếu là xuất hiện râu, dương vật và lông mu phát triển, cùng với đó là phát triển về chiều cao, cân nặng, giọng nói… Còn đối với trẻ nữ, vòng một (ngực) phát triển rõ rệt nhất, ngoài ra còn có sự xuất hiện của trứng cá, lông mu và xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt.
Về tâm lý, qua thăm khám tiến sĩ Minh Loan gặp rất nhiều trẻ có vấn đề về rối nhiễm tâm lý, thậm chí là gặp cả vấn đề được xếp vào nhóm sức khỏe tâm thần ví dụ như việc từ chối không đi học, lo âu, trầm cảm… Trường hợp nặng hơn còn có biểu hiện rối loạn không kiểm soát được hành vi.
“Đây là giai đoạn thay đổi rất lớn về cảm xúc, tâm lý nếu không được quan tâm kịp thời sẽ dẫn đến trẻ bị trầm cảm. Đây là vấn đề mang tính chất cấp cứu về mặt tâm thần, có nguy cơ tự sát cao. Qua thực tế thăm khám thì đây cũng là mặt bệnh hay gặp khi trẻ được đưa đến khám tại bệnh viện”, tiến sĩ Minh Loan cảnh báo.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đến nay chưa thể đưa ra một nguyên nhân cụ thể, qua nghiên cứu cho thấy thường có nhiều nguyên nhân kết hợp lại với nhau. Ví dụ như tính cách yếu, không được rèn luyện, gia đình không giáo dục đầy đủ, kỹ năng sống không tốt. Hoặc có những điều xảy ra trong cuộc sống như bị bạo hành, gia đình tan vỡ, thay đổi môi trường sống… Những điều đó ảnh hưởng và tác động đến tâm lý của các trẻ.
“Lối sống của trẻ vị thành niên cũng là vấn đề quan trọng, bởi có những trẻ ăn ngủ sinh hoạt điều độ, lành mạnh thì không sao. Nhưng ở tuổi này nhiều trẻ thức quá khuya để xem điện thoại, máy tính, chơi game… tất cả tác động vào làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của các em, dễ dẫn đến lo âu, trầm cảm hoặc có hành vi lệch lạc”, tiến sĩ Loan nói.
Lỗ hổng trong vấn đề sức khỏe sinh sản ở tuổi vị thành niên
Thống kê chính thức của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế năm 2017 cho thấy, tỷ lệ có thai ở tuổi vị thành niên là 2,4%; trong đó tỷ lệ phá thai ở độ tuổi này là 1,5%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là sự giáo dục, truyền thông về sức khỏe sinh sản ở nhà trường chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, ngay chính các bậc phụ huynh cũng ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề này với con khi ở tuổi vị thành niên.
Tiến sĩ Đỗ Minh Loan cho rằng, tình dục an toàn là rất quan trọng. Tuy nhiên, trước khi đến giai đoạn tình dục là giai đoạn hẹn hò, đây chính là giai đoạn trẻ tò mò về sự khác biệt cơ thể, giới tính nên rất cần có sự tư vấn, chia sẻ của gia đình, nhà trường, thậm chí là cả chuyên gia về tâm lý…
“Cá nhân tôi cho rằng, tình dục nếu càng cấm đoán thì càng dẫn đến việc quan hệ vụng trộm, dấu giếm…điều này sẽ để lại hậu quả rất nguy hiểm. Vì thế, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần kiểm soát và hướng dẫn làm sao cho an toàn, không để lại hậu quả đáng tiếc”, tiến sĩ Loan chia sẻ.
Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho rằng, nhóm người ở tuổi vị thành niên và thanh niên cần được quan quan tâm đặc biệt về sức khỏe sinh sản, bởi nhóm này phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan tới sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
“Không chỉ tỷ lệ phá thai cao, nhiều bạn trẻ còn hiểu sai nên uống thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc mua thuốc phá thai để uống sau khi quan hệ tình dục. Có bạn còn sử dụng các loại thuốc trên với tuần suất 1 lần/tháng. Việc uống thuốc phá thai, tránh thai khẩn cấp, hoặc phá thai quá nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, gây ra vô sinh thứ phát”, ông Dương cảnh báo.
Tin liên quan
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Tin bài cùng chủ đề TS.Bs.Đỗ Minh Loan
Với trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, việc khám phá cơ thể, thậm chí là “đi quá giới hạn” rất dễ xảy ra. Vì thế để không gây nên hậu quả ngoài ý muốn, chính phụ huynh sẽ phải làm bạn, hướng dẫn...