Trên toàn thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh hưởng đến gần 330 triệu người, giết chết hơn 3 triệu người, xếp hạng 4 trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Chỉ tính riêng tại Khoa Hô hấp của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), số bệnh nhân nội trú điều trị căn bệnh này chiếm 26%. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây tử vong rất cao, chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
Thuốc lá là thủ phạm chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 90% bệnh nhân là những người đã từng hoặc đang hút thuốc lá (chủ động và thụ động).10% còn lại do những nguyên nhân khác như ô nhiễm không khí, môi trường làm việc (hít phải SO2, N2, carbon, hydrocarbon, O3 sinh ra trong quá trình cháy), nghề nghiệp (thợ mỏ than, thợ xây dựng, thợ kim khí, thợ làm giấy, bông), nhiễm trùng hô hấp thường xuyên lúc nhỏ…
Bệnh tiến triển âm thầm, bệnh nhân không hay biết và không thể chữa lành. Đặc điểm của bệnh là khi thở ra, không khí thoát khỏi phổi rất khó khăn so với bình thường nên gọi là tắc nghẽn.
Tình trạng tắc nghẽn càng nặng nếu bệnh nhân tiếp tục hút thuốc, bởi lẽ: hệ hô hấp tiếp tục chịu tác động của những chất độc hại trong khói thuốc, phế quản bị viêm phù nề, tăng tiết đàm nhớt, vách phế quản hóa xơ, lòng phế quản bị chít hẹp lại. Vì thở ra khó nên khí ứ đọng trong phế nang, lâu ngày phế nang bị giãn nở và vỡ ra, gọi là khí phế thủng, phổi không còn làm được nhiệm vụ thu dưỡng khí (ôxy) vào và thải thán khí (CO2) ra khỏi máu. Hoạt động của hệ hô hấp ngày càng suy giảm và bệnh nhân sẽ tử vong trong những đợt suy hô hấp.
Một số triệu chứng sau giúp phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
- Ho vào buổi sáng là triệu chứng đầu tiên.
- Khạc đàm; hay ngứa cổ.
- Tình trạng khó thở ngày càng tăng, khả năng gắng sức ngày càng giảm. Có 5 mức độ khó thở, từ ít đến nhiều: Khi gắng sức nhiều; khi leo lên lầu hoặc khi đi nhanh trên đường bằng phẳng; khi đi bộ bình thường ở mặt bằng; khi đi chậm; khi ăn, nói, thay quần áo.
So với lao phổi và hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nguy hiểm hơn nhiều vì diễn tiến bệnh đưa đến suy hô hấp và tử vong là điều khó tránh khỏi. Cách ngăn chặn cơ bản là không để bệnh tiến triển, ngưng hút thuốc, ngưng tiếp xúc với khí độc hại kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, sinh hoạt điều độ, thường xuyên rèn luyện thân thể nhằm phục hồi dần chức năng hô hấp, sử dụng phần phổi lành mạnh còn lại một cách hiệu quả nhất.