Khi có cảm giác ngứa trong tai trái, người đàn ông đã xem các video clip hướng dẫn trên youtube trong đó có hướng dẫn “nhét tỏi vào tai để sát trùng”. Bệnh nhân đã làm theo và không lấy ra được.
Mới đây, đại diện Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp khá hy hữu, khi bệnh nhân nam 27 tuổi đến khám vì đau tai trái 2 ngày. Được biết, bệnh nhân có cảm giác ngứa trong tai trái, khi xem các video clip hướng dẫn trên youtube trong đó có hướng dẫn “nhét tỏi vào tai để sát trùng”. Bệnh nhân đã làm theo và không lấy ra được. Đến hôm sau có cảm giác đau tai thì đi khám bệnh.
Tiếp nhận bệnh nhân tại cấp cứu, các bác sĩ đã soi tai kiểm tra cho bệnh nhân, phát hiện có dị vật trong ống tai, sát màng nhĩ.
Hình ảnh dị vật tai qua nội soi
Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành lấy dị vật tại phòng cấp cứu cho bệnh nhân. Dị vật được lấy ra là một mảnh tỏi mỏng, có kích thước 1x2cm.
Sau khi lấy dị vật, tiến hành soi kiểm tra lại cho bệnh nhân. May mắn màng nhĩ của bệnh nhân không bị tổn thương, tuy nhiên da ống tai đã bị tỏi làm phồng rộp lên. Bệnh nhân đã được các bác sĩ cho thuốc uống và nhỏ, hẹn tái khám để kiểm tra lại sau 1 tuần.
Dị vật tai khi lấy ra là một mảnh tỏi 1x2cm.
Bệnh viện Tai Mũi Họng thường tiếp nhận các trường hợp dị vật tai tương tự như trên. Người bệnh khi có vấn đề ở tai (ngứa tai, đau tai, ù tai,…) lại không đi khám mà tự ở nhà tra cứu kiến thức trên google, youtube, sau đó làm theo. Một số bệnh nhân tin lời “bác sĩ google”, “bác sĩ youtube” mà nhỏ giấm, mật cá, nhét tỏi, thuốc lá,… vào tai. Điều này rất nguy hiểm vì nếu cho dị vật hoặc nhỏ thuốc lạ vào tai có nguy cơ làm tổn thương ống tai ngoài, thậm chí thủng mảng nhĩ, làm tổn thương tai giữa, ảnh hưởng đến chức năng nghe của bệnh nhân.
Do đó, khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào ở tai, bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có thể khám và điều trị đúng chuyên môn, tránh những biến chứng do xử trí không đúng.
Tai gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa, tai trong. Ống tai ngoài được cấu tạo bởi ống tai sụn ở ngoài và ống tai xương ở trong. Phần tiếp nối giữa ống tai ngoài và ống tai xương rất hẹp. Dị vật thường bị kẹt ở vị trí này, gây khó khăn cho việc lấy. Những hành động cố gắng lấy dị vật có thể đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc dễ gây tổn thương màng nhĩ. Cách tốt nhất hãy đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không cố gắng lấy ra bởi có thể khiến dị vật vào sâu hơn trong lỗ tai, ảnh hưởng tới thính giác của người bệnh. |