TP.HCM: Nhiều trường hợp nguy kịch vì sốt xuất huyết, cảnh giác khi cơ thể có dấu hiệu này

Ngày 03/07/2019 14:37 PM (GMT+7)

Dù chưa vào cao điểm của dịch sốt xuất huyết nhưng từ đầu tháng đến nay số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng liên tục và nhiều ca bệnh nặng phải nằm thở máy, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong tháng 6/2019, bệnh viện đã tiếp nhận 798 ca sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái. Hiện tại, bệnh viện có 151 người bị sốt xuất huyết đang điều trị; trong đó có 25 trẻ, có trẻ chưa đầy một tuổi, 10 ca nặng bao gồm người lớn và trẻ em phải nằm phòng hồi sức tích cực, thở máy.

“Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 1-2 ca sốt xuất huyết biến chứng nặng. Từ đầu tháng 6, sốt xuất huyết bắt đầu có dấu hiệu gia tăng, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng, phải thở máy. Nhiều người bệnh rơi vào nguy kịch, có trường hợp gia đình xin về lo hậu sự”, đại diện khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn của bệnh viện cho biết.

Được chuyển viện từ bệnh viện tại Vũng Tàu lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 27/6 vừa qua với chẩn đoán sốt xuất huyết, bệnh nhân N.T.T.T. (54 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) đang được điều trị và theo dõi tích cực nhưng đến hiện tại bệnh nhân vẫn hôn mê, tiên lượng xấu. “Những ngày đầu mẹ tôi chỉ có dấu hiệu sốt thông thường nên gia đình mua thuốc ở tiệm thuốc tây về cho mẹ uống. Sau đó bà bắt đầu hạ sốt nhưng lại lên cơn co giật và hôn mê cho đến hiện tại”, chị T.N, con gái bệnh nhân T cho biết.

Ngồi trước cửa phòng hồi sức tích cực người lớn, anh M.V.T (52 tuổi, ngụ Long An) cho biết vợ anh bắt đầu xuất hiện dấu hiệu sốt, đau nhức người từ cách đây 5 ngày. Khi được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, các bác sĩ cho biết chị A - vợ anh M.V.T đã rơi vào tình trạng suy đa tạng nên phải lọc máu, tiên lượng xấu. “Mấy ngày nay trực chăm sóc cho vợ, tôi thấy nhiều người cũng bị sốt xuất huyết nhưng yếu quá nên đã xin bác sĩ về nhà lo hậu sự. Thật tình tôi cũng không ngờ vợ mình bị nặng như thế”, anh T cho biết.

TP.HCM: Nhiều trường hợp nguy kịch vì sốt xuất huyết, cảnh giác khi cơ thể có dấu hiệu này - 1

Một trường hợp bệnh nhân nguy kịch vì sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trung bình mỗi ngày bệnh viện này điều trị cho 60 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết đã có 3 trẻ em bị sốt xuất huyết gây sốc phải thở máy. Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 trung bình mỗi ngày tại đây cũng tiếp nhận khoảng 50 trẻ mắc sốt xuất huyết. Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, các ca trẻ em mắc sốt xuất huyết nhập viện cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 6 đến nay.

TP.HCM: Nhiều trường hợp nguy kịch vì sốt xuất huyết, cảnh giác khi cơ thể có dấu hiệu này - 2

Nhiều người do chủ quan nên rơi vào nguy kịch vì mắc sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi-rút Dengue cấp tính gây ra. Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khoảng 3 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành với 50-100 triệu người mắc bệnh và tỷ lệ tử vong lên tới 2,5% hàng năm. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh, bệnh sốt xuất huyết có thể gây thành dịch lớn, bệnh nặng có thể gây tử vong.

Nhận biết dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết ở trẻ và người lớn

Đối với trẻ em: Bệnh thường khởi phát sốt cao đột ngột kéo dài từ 2-7 ngày kèm theo dấu hiệu mặt đỏ, da xung huyết, đau nhức cơ khớp, đau đầu, có trường hợp kèm theo đau họng, viêm kết mạc, buồn nôn và nôn, tiếp đến là xuất huyết những chấm đỏ vùng cẳng tay, chân, nách, ngực, thắt lưng, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu, gan to. Một số trường hợp diễn biến sốc biểu hiện chân, tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên cần được nhập viện cấp cứu điều trị kịp thời.

Đối với người lớn: Khi nhiễm bệnh có hai dạng sốt xuất huyết thường gặp là sốt xuất huyết biểu hiện ra bên ngoài và xuất huyết nội tạng.

Dạng sốt xuất huyết có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng rầm rộ hơn trẻ em, thời gian sốt kéo dài 11-12 ngày. Sốt xuất huyết người lớn nguy hiểm nhất là tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…

Dạng sốt xuất huyết gây xuất huyết nội tạng (thường gặp xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não): Sốt xuất huyết gây xuất huyết đường tiêu hóa ở người lớn biểu hiện ban đầu rất bình thường chỉ sốt, không nổi ban. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân đi tiêu ra máu, phân màu đen hoặc máu tươi số lượng không nhiều, trên da xuất hiện các chấm xuất huyết, da xanh người mệt mỏi… Sốt xuất huyết gây xuất huyết não cũng rất khó nhận biết, vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, thông thường người bệnh bị sốt, đau đầu, bị liệt có thể liệt tay, chân hoặc liệt nửa người và sau đó bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong.

Nhận biết và xử trí bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Sốt 2-5 ngày; đau cơ, khớp, đầu; đau bụng vùng gan, buồn nôn, nôn; phát ban;chảy máu chân răng, chảy máu cam, phân đỏ hoặc đen… là những triệu chứng...
Huy Vân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sốt xuất huyết