Khoảng 12 giờ ngày 17/12, nam sinh họ Trần, 20 tuổi, sinh viên Đại học Y Tây An đã tử vong trong bệnh viện Đường Đô ở Tây An, Trung Quốc. Chàng trai trẻ được chẩn đoán bị sốt xuất huyết trước khi chết.
Sự ra đi của một người vẫn còn rất trẻ khiến nhiều người đau đớn và tiếc nuối. Vậy cơn sốt xuất huyết “khủng khiếp” đã cướp đi mạng sống của nam sinh này là gì? Theo thông tin từ các bác sĩ, nam sinh họ Trần bị sốt xuất huyết do virus Hanta gây ra, nguồn lây nhiễm chính từ các động vật gặm nhấm điển hình nhất là chuột.
Căn bệnh này không có phương pháp điều trị đặc hiệu, hơn nữa dấu hiệu ban đầu chỉ giống như cảm cúm nên dễ bị chẩn đoán sai, dẫn tới việc không thể điều trị kịp thời.
Tuy nhiên điều khiến không ít người thắc mắc đó là nam sinh họ Trần đã nhiễm virus từ đâu. Sau khi xem bức ảnh chụp chiếc giường của cậu ở kí túc xá và cuộc trò chuyện cuối cùng với người bạn, tất cả đã được lý giải. Trên giường của cậu sinh viên có rất nhiều phân chuột.
Giường ngủ của nam sinh viên chứa đầy phân chuột.
Sau sự việc, trường đại học Y Tây Am đã tiến hành khử trùng, vệ sinh và kiểm tra những học sinh có tiếp xúc với nam sinh họ Trần.
Sốt xuất huyết do virus Hanta là gì?
Sốt xuất huyết do virus Hanta còn được gọi là sốt xuất huyết kèm theo suy thận, là một bệnh dịch tự nhiên cấp tính do virus Hanta gây nên, nguồn lây nhiễm chủ yếu ở chuột.
Hiện nay, sốt xuất huyết do virus Hanta chủ yếu lây truyền qua ba con đường: lây truyền từ chuột bị nhiễm virus, thông qua rệp với chuột làm vật chủ, lây truyền từ mẹ sang con. Có thể đánh giá sơ bộ rằng trường hợp của nam sinh họ Trần bị nhiễm sốt xuất huyết và bị lây nhiễm từ chuột mắc virus Hanta.
Triệu chứng của sốt xuất huyết do virus Hanta
Khi bị nhiễm virus Hanta từ chuột, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao 3–5 ngày, có khi sốt kéo dài 4–6 tuần. Từ khi nhiễm Hantavirus đến khi phát bệnh khoảng 9–35 ngày, nhưng đa số từ 9–24 ngày.
Bệnh có biểu hiện qua 4 thời kỳ: sốt, đau cơ lớn (các cơ vai, đùi, lưng), người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, có khi nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu chảy. Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể tử vong (tỷ lệ tử vong từ 6–10%) do suy hô hấp, suy tim, suy thận phải.
Phòng chống sốt xuất huyết do virus Hanta như thế nào?
Cần làm sạch nhà cửa, không đổ thức ăn bừa bãi để tạo cho chuột có điều kiện để chuột sinh sôi nhanh và bằng mọi cách không để bị chuột cắn. Rác thải và đồ ăn thức uống vứt bừa bãi đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho chuột sinh sôi.
Ngoài ra còn phải chủ động tiêm chủng phòng ngừa bệnh.