Nếu có thể phát hiện khối u khi còn nhỏ và có thể can thiệp sớm, thì khả năng sống của bệnh nhân ung thư phổi có thể tăng lên rất nhiều. Do đó, việc tầm soát rất quan trọng đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Ung thư là căn bệnh mãn tính và ác tính với tỷ lệ mắc cao trong những năm gần đây. Điều đáng lo ngại hơn nữa là ung thư giai đoạn đầu không có biểu hiện cụ thể, ngoại trừ một số ít ung thư giai đoạn đầu được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ, rất nhiều bệnh nhân ung thư khi có triệu chứng, ung thư đã bước vào giai đoạn giữa và cuối.
Trong số các khối u ác tính có tỷ lệ cao, ung thư phổi đứng đầu cả về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Cũng tương tự như các loại ung thư khác, gần 80% bệnh nhân khi đến gặp bác sĩ đều ở giai đoạn giữa hoặc giai đoạn cuối, thậm chí sau khi điều trị, tỷ lệ sống trong vòng 3 năm vẫn chưa đến 20%.
Ngược lại, nếu phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm, tỷ lệ sống của người bệnh trong vòng 5 năm có thể lên tới 50%. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, mọi người nên chú ý sức khỏe, tìm hiểu về các tín hiệu của ung thư phổi, và chủ động đến bệnh viện kiểm tra.
Trước khi bị ung thư phổi, cơ thể xuất hiện 4 tín hiệu cầu cứu
1. Ho kéo dài không khỏi
Trên lâm sàng, ho là cơ chế tự bảo vệ của con người, dù là bệnh hô hấp cấp tính hay mãn tính, chỉ cần dịch tiết ở đường hô hấp tăng lên, gây khó chịu là có thể gây ho. Sau khi ung thư phổi xuất hiện, người bệnh cũng có thể có các triệu chứng ho như ho khan, ho khó chịu,… Loại ho này tuy có thể thuyên giảm nhẹ bằng thuốc trong giai đoạn đầu nhưng không thể biến mất hoàn toàn, khi bệnh tiến triển thì triệu chứng ho sẽ ngày càng dữ dội hơn.
2. Khàn tiếng
Nhiều người sau khi xuất hiện triệu chứng khàn tiếng đều cho rằng là mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng mãn tính, viêm amidan. Tuy nhiên, ung thư phổi cũng có triệu chứng khàn tiếng, không phải do bản thân ung thư làm tổn thương dây thanh mà trong quá trình phát triển ung thư sẽ xâm lấn và chèn ép dây thần kinh thanh quản tái phát.
3. Đau không điển hình
Ung thư phổi có thể gây ra các cơn đau bức xạ ở vai và lưng của người bệnh, là do sau khi ung thư đến một giai đoạn nhất định, nó sẽ thâm nhiễm hoặc di căn đến các mô khác như cơ hoành ngực, phúc mạc, đồng thời ung thư phổi cũng có thể gây nổi hạch. Dù là hạch hay ung thư chèn ép trực tiếp vào dây thần kinh cánh tay sẽ gây ra các triệu chứng đau mỏi vai gáy. Ngoài ra, ung thư phổi giai đoạn cuối còn có thể bị di căn xương, sau đó di căn đến xương bả vai và cột sống thắt lưng, người bệnh cũng sẽ bị đau dữ dội.
4. Đau tức ngực
Trên thực tế, bản thân phổi không có các dây thần kinh ngoại biên nên dù ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư phổi, người bệnh sẽ không có triệu chứng đau tức ngực. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến một mức độ nhất định, bị ảnh hưởng bởi ho lâu ngày và sự xâm nhập của mô ung thư, người bệnh còn có thể bị đau tức ngực, đặc biệt sau khi xâm lấn thành ngực, màng phổi và các bộ phận khác thì ở giai đoạn đầu sẽ có những cơn đau âm ỉ, đau như kim châm. Ở giai đoạn muộn sẽ có hiện tượng ngứa ran ở ngực dai dẳng và tình trạng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hai nhóm người sau có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi
1. Người tiếp xúc với các chất độc hại
Những người thường xuyên tiếp xúc với khói bếp, uranium, amiăng, than đá và các chất khác tại nơi làm việc mà không có biện pháp bảo vệ, khí độc hại sẽ xâm nhập vào phổi theo đường hô hấp. Chúng tiếp tục tích tụ và gây tổn thương cho phổi, không chỉ gây ra các bệnh phổi mãn tính mà còn có thể phát triển thành ung thư, chẳng hạn như ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào nhỏ không biệt hóa.
2. Người hút thuốc lá
Thuốc lá là một loại chất gây ung thư, và bệnh ung thư liên quan nhất là ung thư phổi. Theo điều tra lâm sàng, những người hút thuốc lá trên 20 điếu/ngày và hút trong 20 năm có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 10 lần so với người không hút thuốc, do đó bỏ thuốc chính là đang giúp lá phổi khỏe mạnh.
Trên thực tế, dù bạn có thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư phổi hay không, cũng nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi có các triệu chứng trên đi khám càng sớm càng tốt. Hiện nay chụp CT được sử dụng phổ biến trong tầm soát lâm sàng ung thư phổi, đặc biệt là CT xoắn ốc liều thấp có thể tìm thấy các tổn thương phổi nhỏ và có ý nghĩa nhất định trong chẩn đoán ung thư phổi.