Tự trị bệnh bằng kháng sinh: tưởng khôn hóa dại

Ngày 29/06/2018 10:00 AM (GMT+7)

Trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn, con người đang dần tỏ ra yếu thế trước sự tiến hóa ngày càng tinh vi của các siêu vi khuẩn. Góp phần không nhỏ cho diễn biến tiêu cực đó, tiếc thay, lại chính là thói quen tự trị bệnh bằng kháng sinh của không ít người Việt.

“Tự làm bác sĩ” – thói quen tai hại thổi bùng vấn nạn kháng kháng sinh

Năm 1928, sự kiện tìm ra penicillin đã mở đầu kỷ nguyên sử dụng thuốc kháng sinh trên toàn thế giới. Từ đó, thuốc kháng sinh đã dựng lên một “hàng rào phòng ngự” vững chắc bảo vệ sức khỏe của người dân toàn cầu. Tuy thế, chính Alexander Fleming - cha đẻ của penicillin không ít lần cảnh báo về việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây nên “đại thảm họa” do vi khuẩn kháng penicillin.

Tự trị bệnh bằng kháng sinh: tưởng khôn hóa dại - 1

Thói quen tự chữa bệnh bằng kháng sinh góp phần làm vấn đề KKS trở nên trầm trọng

Một thực tế đáng nói, nguyên nhân gia tăng kháng kháng sinh (KKS) lại bắt đầu từ ý thức sử dụng thuốc của người dân. Tự mua thuốc và tự ý uống thuốc khi có bệnh là thói quen đã “ăn vào máu” của nhiều người Việt. Để tiết kiệm thời gian và chi phí khám bệnh, nhiều người chỉ hỏi qua “bác sĩ Google” hoặc nghe lời mách bảo của người thân để tự mua thuốc. Từ năm 2009 đến nay, số kháng sinh được bán tại Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, trong đó thuốc không được kê đơn bán ra ở thành thị chiếm 88% và nông thôn là 91%, theo số liệu về tình hình bán kháng sinh tại các nhà thuốc Việt Nam được đăng tải trên PubMed – Cổng thông tin ngành Y của Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ. Cũng theo nghiên cứu này, triệu chứng thường gặp nhất ở người đến mua kháng sinh tại thành phố chỉ đơn giản là ho (32%) và ở nông thôn là sốt (22%). Tỉ lệ người mua thường yêu cầu kháng sinh mà không cần toa thuốc là 50% ở thành phố và 28% ở nông thôn.

Tất cả số liệu đều phản ánh kiến thức về kháng sinh cũng như tình trạng KKS ở người mua và cả người bán đều thấp. Vì lẽ đó, sử dụng kháng sinh bừa bãi cũng góp phần đẩy Việt Nam vào “vùng trũng” của thảm họa KKS. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong danh sách những nước có tỉ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

Bố mẹ lạm dụng kháng sinh, trẻ em “lãnh đủ”

Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất trước tình trạng KKS. Trẻ em có sức đề kháng yếu nhưng thích chạy nhảy vui chơi, rất dễ tiếp xúc với vi khuẩn và nhiễm bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, nhiều phụ huynh đã tự ý mua thuốc, làm thay vai trò bác sĩ để tự điều trị cho con. Có trường hợp con vừa mới chớm sốt hay húng hắng ho, cha mẹ đã liền cho con uống kháng sinh để mau dứt bệnh. Nằm trong nghiên cứu kể trên, có một thực tế là 88% trẻ em được cha mẹ tự kê đơn kháng sinh trước khi đến bệnh viện.

Tự trị bệnh bằng kháng sinh: tưởng khôn hóa dại - 2

Trẻ em là đối tượng ảnh hưởng nặng nề nhất từ thói quen dùng kháng sinh sai lầm của người lớn

Sự chữa bệnh trên cơ sở chưa vững vàng kiến thức, nhất là tâm lý ỷ lại vào kháng sinh của cha mẹ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Không những cho thấy sự hời hợt về kiến thức, chủ quan về sức khỏe, thói quen tai hại này còn trực tiếp ảnh hưởng đến con trẻ, vô tình đặt con vào hoàn cảnh bị động không mong muốn, đồng thời làm xấu đi thực trạng KKS vốn đã vô cùng báo động.

Chung tay chặn đứng nạn KKS trong cộng đồng

Để chống lại sự tấn công của siêu vi khuẩn và đẩy lùi vấn nạn KKS, đòi hỏi phải có một cuộc thay đổi lớn lao trong nhận thức của cả cộng đồng, trong đó không thể thiếu được “cái bắt tay” giữa trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền với ý thức của người dân.

Trước hiểm họa KKS ngày càng trầm trọng, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Lifebuoy đã đồng hành trong chương trình hợp tác truyền thông “Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”, đặt mục tiêu đem đến các chương trình tích hợp với nhiều kiến thức bổ ích về phòng ngừa nhiễm khuẩn, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, từ đó hạn chế tình trạng KKS trong cộng đồng.

Đối với mỗi cá nhân, ngoài việc ý thức để sử dụng kháng sinh đúng cách, cần nêu cao tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh” thông qua các thói quen đơn giản như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn; duy trì thể dục điều độ; giữ gìn vệ sinh chăn ga gối đệm; không khạc nhổ, hắt xì chỗ đông người… Mỗi thói quen dù nhỏ nhưng đều có tác động thiết thực, giữ gìn cơ thể trước các vi khuẩn nguy hại, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình…

Nguồn: [Tên nguồn].