Bệnh nhiễm khuẩn cấp tính viêm não mô cầu xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ nó có thể lan rộng, thậm chí bùng phát thành dịch.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết trong năm 2015 và đầu năm 2016, nhiều ca bệnh viêm não mô cầu đã được phát hiện tại TP HCM, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Hải Dương...
Rất ít ca “bỗng dưng” phát bệnh
Bệnh nhân mới nhất được ghi nhận là một nữ sinh lớp 12 ở tỉnh Hải Dương. Nữ sinh này đã tử vong sau 2 ngày có biểu hiện bệnh. Khoảng 50 trường hợp khác từng tiếp xúc với nạn nhân đã được cách ly.
Theo gia đình nữ sinh này, sáng 20-2, em có biểu hiện sốt, đau đầu. Tối cùng ngày, gia đình đưa em đến khám, điều trị tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hải Dương. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến BV 108 (Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ do não mô cầu. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong.
Một ca điều trị bệnh viêm não mô cầu
Trước đó, năm 2015, một thai phụ 22 tuổi ở TP HCM cũng tử vong do mắc bệnh viêm não mô cầu. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết trong năm 2015, BV này ghi nhận một số ca mắc bệnh viêm não mô cầu, trong đó có những bệnh nhân rất trẻ.
“Dù tỉ lệ dân số mang vi khuẩn gây viêm não mô cầu khá cao nhưng chỉ rất ít ca “bỗng dưng” phát bệnh. Tuy nhiên, khi đã phát bệnh, vi khuẩn có độc lực mạnh sẽ lây sang người khác qua đường hô hấp” - bác sĩ Cấp giải thích.
Dễ lây qua tiếp xúc gần
Theo bác sĩ Cấp, khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập cơ thể sẽ gây viêm họng. Với những người có cơ địa yếu, vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Viêm não mô cầu có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém. Vì có ban hoại tử trên da nên viêm não mô cầu dễ nhầm với bệnh liên cầu khuẩn. Thể bệnh này sẽ đặc biệt nguy hiểm vì bệnh nhân có thể sốc đa phủ tạng ngay lập tức, thậm chí bác sĩ cũng “bó tay”. Bệnh khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu như viêm họng thông thường, thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày.
“Khi phát bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc sốc nhiễm khuẩn... Đáng nói, bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch” - bác sĩ Cấp lo ngại.
PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ 10%-20%. Tỉ lệ tử vong có thể từ 10%-15%. Đáng lo ngại là trong cộng đồng, tỉ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (còn gọi là người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5%-25%.
“Đây là bệnh lý nguy hiểm, dễ lây lan do vi khuẩn não mô cầu nằm ở dịch mũi họng. Chỉ cần dính chút dịch mũi họng của người phát bệnh là có thể nhiễm theo. Do vậy, khi có trường hợp mắc bệnh não mô cầu cần nhanh chóng cách ly người bệnh. Khi tiếp xúc, hai bên phải đeo khẩu trang, không dùng chung các dụng cụ sinh hoạt, kể cả những vật dụng mà người bệnh đã cầm nắm” - PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Chủ động ngừa bệnh bằng vắc-xin PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết viêm não mô cầu có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. Vắc-xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, chỉ với 1 liều. Khi có các biểu hiện như sốt, đau họng, cổ cứng, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), nôn, đau đầu dữ dội…, người dân cần đến ngay cơ sở y tế. |