Các nhà khoa học Đan Mạch tại ĐH Copenhagen đã phát minh cách thức xét nghiệm mới nhằm xác định ngay bệnh nhân có cần dùng kháng sinh hay không, tránh tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Cochrane Library, các nhà khoa học đã căn cứ vào xét nghiệm protein phản ứng-C vốn được xem là dấu chỉ sinh học của chứng viêm. Theo đó, chỉ trong 3 phút, nếu xét nghiệm cho thấy mức độ protein phản ứng-C thấp, thầy thuốc sẽ bác bỏ khả năng bị nhiễm khuẩn nặng và không kê thuốc kháng sinh cho bệnh nhân.
Kháng sinh được dùng để chữa bệnh do nhiễm vi khuẩn nhưng không thể đối phó với virus nên không cần sử dụng kháng sinh khi nhiễm virus. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thầy thuốc buộc phải chỉ định cho bệnh nhân dùng kháng sinh do thận trọng vì triệu chứng không thể cho thấy rõ bệnh nhân nhiễm vi khuẩn hay virus.
Lạm dụng kháng sinh có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc (Ảnh: THE HUFFINGTON POST)
Tình trạng sử dụng kháng sinh không cần thiết có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển kháng thuốc kháng sinh dẫn tới khả năng kháng sinh thông thường trở nên vô hiệu trong chữa trị bệnh nhiễm khuẩn nặng. Trong số 3.284 bệnh nhân được nhóm nghiên cứu khảo sát, có 1.685 người được xét nghiệm protein phản ứng-C và số cần dùng kháng sinh là 631 người.
Trong nhóm còn lại gồm 1.599 bệnh nhân không qua xét nghiệm, số dùng kháng sinh lên đến 785 người. Như vậy, dạng xét nghiệm mới đã giúp xác định thêm nhiều trường hợp không cần thiết dùng kháng sinh, kéo giảm mức độ sử dụng thấp hơn 22%.