Trước khi bố chồng mất, ông để lại một bản di chúc gây tranh cãi. Ông để lại hết 3 xào đất cho tôi sở hữu và có trách nhiệm chăm sóc mẹ chồng lúc cuối đời.
Khi các con đang học tiểu học thì chồng tôi mất trong lúc đang làm việc. Từ đó tôi trở thành góa phụ và các con tôi mồ côi cha. Bố mẹ chồng tôi là những người đạo đức, hiểu chuyện.
Thương con dâu một thân một mình nuôi 2 con nhỏ nên ông bà chăm chút cẩn thận các cháu cho tôi yên tâm đi làm. Khi con tôi lớn một chút, có vài người đàn ông đến hỏi tôi làm vợ, mẹ chồng khuyên tôi:
“Con nên đi bước nữa để về già có chỗ nương tựa, còn bọn nhỏ để bố mẹ chăm sóc nuôi dưỡng. Nếu con có điều kiện thì gửi tiền về nuôi cháu, còn không có, bố mẹ sẽ tự lo được, con cứ yên tâm chăm chút cho gia đình mới”.
Dù mẹ chồng thuyết phục thế nào đi nữa nhưng tôi vẫn từ chối và nói không muốn lấy chồng, ở vậy nuôi con khôn lớn và chăm sóc bố mẹ chồng lúc về già. Lời tôi nói làm mẹ chồng cảm động đến bật khóc.
Nhờ có sự quan tâm của bố mẹ chồng mà cuộc sống của mẹ con tôi ngày càng yên ổn và hạnh phúc hơn. Ngày con tôi đi học đại học, bố chồng biết lương tôi mỗi tháng được 7 triệu, không thể lo cho con học tiếp nên tháng nào ông cũng đưa tôi 5 triệu gửi cho con.
Dù mẹ chồng thuyết phục thế nào đi nữa nhưng tôi vẫn từ chối và nói không muốn lấy chồng. (Ảnh minh họa)
Nếu không có sự giúp đỡ của ông bà nội thì các con tôi không thể học đến nơi đến chốn. Bây giờ các con đã có công ăn việc làm và gia đình ổn định, tôi cũng đã lên chức bà, ông bà nội lên chức cụ.
Ngày con dâu chuẩn bị quay lại làm việc sau sinh, vợ chồng con trai muốn tôi đi chăm sóc cháu. Con trai nói bố mẹ chồng tôi còn có 1 trai và 2 gái nữa, mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc ông bà, không thể đẩy hết trách nhiệm cho tôi được. Tôi nhẹ nhàng giải thích cho con trai hiểu:
“Ngày các con còn nhỏ, nếu không có sự chăm sóc của ông bà, mẹ chẳng thể yên tâm kiếm tiền và mẹ con mình không có cuộc sống yên ổn đâu. Nếu không có số tiền ông nội chu cấp mỗi tháng cho các con đi học, chắc giờ này các con đang làm những công việc tay chân rất vất vả mà tiền kiếm được chẳng được là bao.
Ông bà hết lòng vì mẹ con mình, bây giờ 2 người cần giúp đỡ, sao mẹ đành lòng bỏ đi đẩy cho người cô chú con chăm sóc được”.
Nghe những lời phân tích của tôi, con trai cũng dần hiểu ra vấn đề và ủng hộ việc tôi ở nhà chăm sóc ông bà. Vậy là suốt 12 năm qua, tôi luôn ở bên phụng dưỡng bố mẹ chồng.
Lúc ông bà ốm đau bệnh tật cũng chỉ có mình tôi chăm sóc. Các em bận rộn công việc và mọi người cho rằng tôi được ông bà bù trừ cho nhiều nên phải có trách nhiệm với ông bà.
Lúc ông bà ốm đau bệnh tật cũng chỉ có mình tôi chăm sóc. (Ảnh minh họa)
Trước khi bố chồng mất, ông để lại một bản di chúc gây tranh cãi. Ông để lại hết 3 xào đất cho tôi sở hữu và có trách nhiệm chăm sóc mẹ chồng lúc cuối đời.
Các em chồng không đồng ý với bản di chúc của bố nên đã tự chia lại đất. Em trai chồng tôi nói:
“Mảnh đất của bố mẹ đang có giá, nếu bán đi cũng được 4 tỷ. Vì thế bọn em sẽ chia đất làm 4 phần. Ngôi nhà mà chị đang ở sẽ thuộc về chị và phải có trách nhiệm nuôi mẹ, bởi mảnh đất đó lớn hơn, 3 phần đất còn lại sẽ chia cho em và 2 em gái”.
Tôi bảo:
“Chị là dâu, chồng đã mất rồi cũng chẳng muốn giữ đất nhiều làm gì. Chị chỉ có mong muốn là chia đất sau khi mẹ đã mất, còn hiện tại cứ để mẹ và chị sống như thế này”.
Thấy tôi không có ý tranh giành đất, các em không có ý kiến gì nữa. Còn con trai tôi rất bức xúc và bảo cứ y di chúc của ông nội mà thực hiện. Tôi lắc đầu nói là:
“Con càng tham lam thì càng cô độc và gia đình bất hòa. Chỉ có tài sản bản thân mình làm ra mới có giá trị. Còn tài sản của ông bà để lại nên chia đều là hợp lý nhất. Mẹ muốn để lại phúc cho con cháu. Hãy ghi nhớ lời mẹ nói”.
Vậy là gia đình tôi yên ổn từ sau hôm đó.