Từ sau hôm đó, ngày nào chồng cũng mắng mỏ vợ, tôi mà mở miệng nói lại anh sẽ gào thét và đập phá. Ngày nào nước mắt tôi cũng rơi mà không biết nói với ai nữa.
Vợ chồng tôi lấy nhau đến nay đã 34 năm, nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ cuộc sống của gia đình vô cùng hạnh phúc nhưng thực ra đó chỉ là bề nổi, còn bên trong sóng gió luôn gào thét.
Theo mọi người nhận xét, chồng tôi là người đàn ông đẹp trai, hiền lành, tâm lý, giỏi kiếm tiền. Nếu ai từng tiếp xúc với chồng tôi đều có những nhận xét tốt đẹp về anh ấy. Chính bản thân tôi cũng phải công nhận là anh ấy rất tốt tính và nhiệt tình với cả thiên hạ, trừ vợ.
Mỗi khi nhà có cỗ bàn, có nhiều anh chị và các cháu để sai vặt nhưng anh không nhờ ai mà chỉ gọi mỗi vợ. Từ lúc lấy nhau đến giờ, tôi góp ý rất nhiều mà chồng không bao giờ thay đổi. Nhà mà có cỗ, ngồi ăn cơm tôi bị chồng xoay như chong chóng. Lúc gọi cho thêm nước mắt, khi bảo múc thêm miến, rượu hay cơm.
Nếu vợ chậm trễ thì sẽ bị chồng mắng mỏ ngay trước mặt anh em họ hàng. Có tay chân đầy đủ mà anh không chịu đứng lên lấy chỉ biết nhờ vợ.
Suốt 30 năm anh đi làm xa nhà, mỗi tháng về với vợ con được một vài ngày mà lần nào về tôi cũng bị ức chế, chỉ muốn anh đi làm sớm cho nhà cửa yên ổn. Bởi bất kỳ việc làm nào của vợ cũng làm chồng ngứa mắt khó chịu và lại càu nhàu.
Bữa cơm không có anh thì 3 mẹ con tôi cùng với bố mẹ chồng rất vui vẻ, khi có sự hiện diện của chồng thì cứ loạn cả lên. Anh chê tôi nấu ăn dở, quát vợ nói nhiều hãy tập trung vào ăn uống.
Chính bản thân tôi cũng phải công nhận là anh ấy rất tốt tính và nhiệt tình với cả thiên hạ, trừ vợ. (Ảnh minh họa)
4 năm nay, anh nghỉ hưu, cứ nghĩ vợ chồng được gần nhau thì tuổi già sẽ vui vẻ hơn. Nhưng ngày nào tôi cũng ăn cơm chan với nước mắt. Nguyên nhân bắt nguồn từ 2 đứa con của tôi.
Đứa con gái lớn không chịu lấy chồng, chỉ muốn ở vậy vì con từng bị bạn trai phản bội nên mắc chứng sợ đàn ông. Con gái không nghe lời, chồng chì chiết vợ không biết dạy con, chiều chuộng lắm sinh hư.
Tôi cãi lại:
“Con tính cách bướng bỉnh, mạnh mẽ còn hơn cả mẹ, em cố gắng dạy dỗ uốn nắn những điều tốt nhưng giờ con ra xã hội, tiếp thu những cái mới, muốn nói cũng chẳng được. Mỗi lần em khuyên, nó đều nói mẹ lạc hậu rồi tắt máy. Con lớn rồi, nó không muốn lấy chồng thì thôi, khi nào gặp người thích là yêu luôn đấy, anh lo làm gì cho đau đầu”.
1 tháng trước, cậu con trai tôi làm ăn thua lỗ và gọi điện về hỏi xin bố mẹ 100 triệu để tiếp tục đầu tư. Chồng tôi tức giận lắm mắng cả mẹ lẫn con:
“Tôi đi làm vất vả cả đời mới dư được chút tiền tiết kiệm phòng lúc ốm đau, vậy mà đứa con vô dụng suốt ngày bòn rút tiền. Không cho nữa, để con tự lực cánh sinh. Tôi không hiểu cô dạy dỗ con cái kiểu gì nữa, một lũ ăn hại, chẳng được tích sự gì”.
Từ sau hôm đó, ngày nào chồng cũng mắng mỏ vợ, tôi mà mở miệng nói lại anh sẽ gào thét và đập phá. Ngày nào nước mắt tôi cũng rơi mà không biết nói với ai nữa.
Ngày nào nước mắt tôi cũng rơi mà không biết nói với ai nữa. (Ảnh minh họa)
Cuối cùng tôi quyết định viết đơn ly hôn để anh ấy ký vào. Dường như chồng nghĩ tôi không dám làm thật nên đã ký ngay và còn nói một câu:
“Cô mà ly hôn tôi chỉ có nước ra đứng đường, đừng mơ chiếm nửa ngôi nhà này. Đời này cô không có tôi thì cũng bị vùi dập thôi”.
Lời chồng nói càng khiến tôi quyết tâm hơn. Hôm thứ 2 vừa rồi, tòa đã gọi chúng tôi ra làm thủ tục ly hôn. Đến lúc này thì chồng nói:
“Cô muốn được chia đôi ngôi nhà này nên đòi ly hôn để theo người đàn ông khác đúng không? Tôi đúng là “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà””.
Ngôi nhà là tiền chúng tôi bỏ ra xây dựng, bố mẹ chồng đã sang tên sổ đỏ cho vợ chồng tôi. Bây giờ ông bà đã già rồi, tôi sao dám đuổi 2 người già ra khỏi nhà để giành giật lấy tài sản. Tôi thà ra đi tay trắng để được tiếng thơm, còn hơn tranh giành tài sản hủy hoại nhân phẩm.
Hôm qua, tôi rời khỏi nhà chồng, tôi sẽ ra phố sống với con gái, tôi có lương hưu và sẽ tìm cuộc sống mới ở tuổi 60. Thương tôi, mẹ chồng bịn rịn lắm tay đưa tôi túi tiền và bảo:
“Đây là số tiền tiết kiệm cả đời của mẹ, con hãy giữ lấy mà dùng. Tuy các con ly hôn nhưng con mãi là con của mẹ. Mẹ mong tương lai con sẽ sống những ngày tràn ngập tiếng cười. Những năm qua nhìn con rơi nước mắt nhiều mà mẹ bất lực không biết nói sao với đứa con trai bất trị nữa”.
Tôi cảm ơn lời an ủi của mẹ chồng và từ chối nhận túi tiền của mẹ chồng cho.