Mặc kệ chồng, tôi vẫn lén gửi tiền cho bố chồng. Sợ anh biết lại mắng, tôi dặn dò bố chồng không được nói chuyện này với chồng tôi. Ông đồng ý và khen tôi hiếu thảo.
Tôi mồ côi bố từ nhỏ, một mình mẹ nuôi hai chị em tôi khôn lớn, chính vì vậy tôi rất thèm hơi ấm của người bố. Mãi tới khi đi lấy chồng, tôi mới biết cảm giác có bố là như thế nào bởi nhà chồng tôi còn cả bố lẫn mẹ.
Bố mẹ chồng tôi khá dễ tính, hiền lành và thân thiện, rất quý mến con dâu. Lần nào về quê, trước khi về bố mẹ chồng đều gọi điện trước hỏi tôi muốn ăn gì để ông bà đi chợ. Dù bảo không phải chuẩn bị gì cầu kỳ, cứ ăn như hàng ngày là được nhưng lúc nào tôi về mâm cơm đầy ắp thức ăn.
Nhớ có lần tôi bảo nhỏ với chồng thèm ăn mít mật quá, vì bây giờ ở thành phố tìm “vàng mắt” chẳng ra. Không ngờ lúc đó bố chồng vô tình đi ngang qua và nghe được cuộc trò chuyện của chúng tôi. Vậy là bất chấp trời đang nắng chang chang lúc 1h chiều, ông đã xách xe máy ra đi tìm khắp nơi mang về cho tôi quả mít mật.
Thế nhưng về làm dâu chưa đầy một năm, mẹ chồng tôi mất vì tai nạn giao thông. Sự ra đi của mẹ là mất mát to lớn với bố chồng, trông ông tiều tụy, già đi trông thấy, thường xuyên hút thuốc và uống rượu giải sầu. Thấy bố cô đơn trong căn nhà 3 gian, tôi không đành lòng nên bàn với chồng việc đón bố lên thành phố sống cùng. Anh đồng ý nhưng bố chồng lại từ chối.
- Hơn nửa đời người bố gắn liền với mảnh đất này rồi, giờ lên thành phố ồn ào, bon chen bố không quen. Các con đi làm cả ngày từ sáng tới tối, bố ở nhà một mình không có bạn bè, hàng xóm nói chuyện cũng buồn, chi bằng ở đây trồng rau, chăm gà, thi thoảng đi chơi với mấy ông bạn già còn hơn. Với lại có nhà bỏ không cũng không được, bố ở đây để lo hương khói cho mẹ các con.
Nghe bố chồng nói có lý nên tôi không cố thuyết phục ông lên ở cùng nữa. (Ảnh minh họa)
Nghe bố nói có lý tôi không thuyết phục thêm nữa. Tuy nhiên giờ bố già rồi, không có lương hưu, ở nhà chỉ nuôi đàn gà với ao cá, thành ra không có thu nhập gì nhiều. Sợ bố ăn uống kham khổ, sống thiếu thốn, tôi bàn với chồng mỗi tháng gửi cho bố 5 triệu coi như tiền dưỡng già.
Vậy mà anh lại gạt phắt đi, thậm chí còn nổi cáu với tôi: “Anh cảnh cáo em, em tuyệt đối không được cho bố tiền dù chỉ là một đồng”. Tôi giải thích thế nào chồng cũng không nghe, nhưng tôi hỏi lý do tại sao anh làm vậy thì anh cũng không chịu nói. Tôi chưa bao giờ thấy chồng phản ứng dữ dằn như vậy, tôi thật không thể hiểu nổi anh lại cấm đoán, đó là bố ruột của anh cơ mà?
Mặc kệ chồng, tôi vẫn lén gửi tiền cho bố chồng. Sợ anh biết lại mắng, tôi dặn dò bố chồng không được nói chuyện này với chồng tôi. Ông đồng ý và khen tôi hiếu thảo.
Tuy nhiên một ngày 3 tháng sau đó, khi đang ở công ty thì tôi bỗng nhận được cuộc gọi từ người hàng xóm ở quê chồng. Người đó nói rằng bố chồng tôi đang nằm trong bệnh viện vì ông uống rượu say rồi lái xe máy và va chạm với người ta. Nghe xong mà tôi hoảng hồn, lòng nơm nớp lo sợ, vội cùng chồng bắt xe về quê ngay. Thật may ông chỉ bị rạn xương ở chân trái và xây xước nhẹ, không có vấn gì quá nghiêm trọng.
Tôi nghe hàng xóm nói mấy tháng này bố chồng hầu như ngày nào cũng say xỉn, khật khưỡng về nhà, rồi ông còn chơi lô đề khiến tôi choáng váng. Tôi chưa bao giờ thấy bố chồng như vậy trước đây cả.
Tôi hối hận khi đã gửi tiền về cho bố chồng. (Ảnh minh họa)
Khi hai vợ chồng về nhà lấy ít bộ quần áo và đồ dùng cá nhân để bố nhập viện, chồng phát hiện một xấp tiền mặt trong ngăn tủ của bố chồng. Anh bỗng cầm tiền, gằn giọng hỏi tôi:
- Có phải em vẫn lén anh gửi tiền về cho bố đúng không?
- Đúng vậy, nhưng anh có phải lớn tiếng với em như thế không? Nếu không gửi tiền, lần này bố vào viện sao có tiền đóng trước viện phí?
- Anh cấm em biếu tiền bố rồi mà? Em có biết em làm vậy là đang hại bố không? Vì em gửi tiền nên bố mới có tiền đi chơi lô đề, cờ bạc rồi uống rượu say mà xảy ra tai nạn đó. Ngày trước bố nghiện rượu, cứ rượu vào là lại lớn tiếng quát tháo mẹ con anh, đập phá đồ đạc trong nhà. Ngày 30 Tết bọn đòi nợ còn tới khoắng cả nhà cả cửa đi vì bố nợ nần cờ bạc.
Khó khăn lắm bố mới cai được, nhưng đó là do có mẹ ở bên siết chặt tài chính. Giờ mẹ đi rồi, có tiền là ông lại đốt tiền vào những thú vui tai hại đó. Mấy chuyện này chẳng hay ho gì, em lại mới về làm dâu nên anh không kể, sợ em coi thường nhà anh vì có một người bố như vậy.
Nghe chồng kể tôi vừa giận vừa thương anh vừa tự trách bản thân. Nếu bố chồng có mệnh hệ gì chắc tôi sẽ dằn vặt, áy náy cả đời mất. Nhưng nếu anh nói rõ với tôi ngay từ đầu thì đã không có chuyện như ngày hôm nay, đã là vợ chồng với nhau chẳng nhẽ lại không nói thẳng được?