Những lời chị Hằng nói làm toàn thân tôi run rẩy, nước mắt cứ tràn ra từ lúc nào không hay nữa. Mẹ thà chịu đau chịu khổ 1 mình chứ không chịu làm phiền đến con nào.
Bố tôi mất sớm, mình mẹ nuôi 5 anh em tôi ăn học nên người. Hiện tại chúng tôi đều có công việc ổn định và gia đình khá giả. Anh chị em tôi mỗi người lập nghiệp 1 nơi, ở quê chỉ còn mình mẹ.
Trong 1 lần tôi về quê chơi, thấy mẹ dậy từ 4h sáng soi đèn pin leo trèo cây hái nhãn mang ra chợ bán. Tôi lo lắng bảo mẹ gần 70 tuổi, sức khỏe yếu, xương cốt không còn dẻo dai nữa, chẳng may ngã xuống thì tiền đi viện còn tốn gấp nhiều lần tiền bán quả nhãn.
Mẹ bảo nhãn sai quả, người ta trả rẻ quá mẹ tiếc nên hái ra chợ bán. Ngày nào không đi chợ mẹ thấy tay chân khó chịu, sống như người thừa của xã hội. Vì thế mẹ phải làm việc mới thấy vui vẻ và ý nghĩ. Bà mong chúng tôi đừng cản mẹ làm việc.
Dù mẹ nói thế nào đi nữa, tôi cũng không đồng ý bởi mẹ mà bị sao thì tôi sẽ hối hận cả đời. Tôi gọi người bán hết quả trên 4 cây nhãn, sau đó dỗ dành mẹ đến sống với gia đình tôi. Nhà tôi gần chợ, mẹ thích buôn bán thì ra chợ mua rau chợ sớm, đi bán chợ chiều.
Nghe kế hoạch tôi vạch ra, mẹ rất vui và đồng ý đi theo tôi. Ở nhà tôi chơi được 1 tuần, mẹ đòi về vì nhớ bà con hàng xóm, mẹ cũng không muốn ra chợ bán rau như dự định. Mẹ bảo người đông đúc, đi lại không cẩn thận lại tai nạn thì làm khổ các con.
Không muốn mẹ về quê sống 1 mình, tôi gọi điện cho các anh chị để xin ý kiến. Mọi người đồng tình đưa mẹ đến chơi nhà các con, khi nào chán con này thì chuyển qua con khác sống.
Ngày nào không đi chợ mẹ thấy tay chân buồn bằn, sống như người thừa của xã hội. (Ảnh minh họa)
Dù được con cháu rất quan tâm chăm sóc nhưng đến nhà ai mẹ cũng chỉ ở được 1 tuần rồi nói nhớ quê và đòi về. Khi đã qua sống lần lượt đủ 5 con, mẹ không chịu quay lại nhà nào nữa. Mẹ bảo những ngày đến sống nhà chúng tôi đã làm cuộc sống của con cháu bị đảo lộn và bà cũng rất ngại khi làm phiền đến dâu rể.
Khi chị tôi không cho mẹ về quê, bà nhịn ăn để biểu tình khiến anh chị đành phải đưa mẹ về quê. Từ ngày đó đến nay, mẹ sống 1 mình ở quê, anh chị em tôi thỉnh thoảng thay nhau về thăm mẹ vài hôm rồi đi.
Tôi mới bị mất việc từ tuần trước, sắp tới chưa biết làm chỗ nào. Tôi dự định sẽ nghỉ ngơi 1 tháng rồi nộp hồ sơ tìm việc. Chồng bảo:
“Lâu không về thăm ngoại, nhân dịp nghỉ dài ngày, em và con về 1 chuyến cho bà vui”.
Được sự động viên của chồng, tôi và con gái nhỏ đã về quê ngoại. Về đến nhà, nhìn thấy mẹ nằm trên giường, chân bó bột mà tôi hoảng. Không hiểu tại sao bà ra nông nỗi này, chuyện lớn thế mà không thấy báo cho các con.
Lâu không về thăm ngoại, chồng động viên tôi về một chuyến dài cho bà vui. (Ảnh minh họa)
Thấy nhà tôi mở cổng, chị hàng xóm tên Hằng vội vàng chạy qua. Vừa nhìn thấy tôi, chị mừng quýnh lên:
“May quá, cuối cùng cũng có 1 người con về thăm bà. Chị chưa thấy ai bướng bỉnh bảo thủ như mẹ em. Bà bị gãy chân do bị trượt ngã trong nhà tắm. Bà can đảm thật, không than đau đớn mà tự lê lết ra đường gọi taxi chở đi viện bó bột xong rồi về. Bà ăn mì tôm cả ngày, chị thấy không ổn nên mỗi ngày nấu thêm ít rau, ít cơm mang qua cho. Buổi tối, chị qua thay quần áo tắm rửa cho bà.
Không muốn làm phiền đến hàng xóm, mẹ em định trả công nhưng chị sao dám nhận. Bà không muốn gọi điện cho con nào vì sợ ảnh hưởng đến công việc của các em”.
Những lời chị Hằng nói làm toàn thân tôi run rẩy, nước mắt cứ tràn ra từ lúc nào không hay nữa. Mẹ thà chịu đau chịu khổ 1 mình chứ không chịu làm phiền đến con nào. Mẹ đã già lại đang bị gãy chân, tôi không thể để bà tiếp tục ở 1 mình. Tôi gọi điện cho các anh về họp bàn chuyện chăm sóc mẹ.
Thế nhưng mẹ ngăn cản không cho tôi gọi con nào hết. Mẹ không muốn con về phục vụ, cũng không đi đến nhà con nào sống, chỉ muốn được sống và chết tại ngôi nhà của mẹ.
Anh chị em tôi định góp tiền thuê người giúp việc chăm sóc mẹ nhưng bà phản đối. Mẹ bảo bản thân còn khỏe, còn làm được việc, không muốn con cháu phải tốn kém tiền bạc vì bà.
Chúng tôi rất thương mẹ, muốn phụng dưỡng mẹ lúc về già nhưng kiểu nào mẹ cũng không chịu. Anh chị em tôi không biết phải làm sao nữa?