Một vài chia sẻ giúp chị em giảm thiểu rủi ro khi mua sắm hàng hiệu.
Hàng giả (fake) xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường thời trang Việt Nam. Từ những món đồ chính như áo choàng, túi xách cho đến phụ kiện nhỏ như dây lưng, khăn quàng thuộc các thương hiệu lớn đều được làm nhái, làm giả về hình thức. Càng ngày sản phẩm fake càng tinh xảo, khiến nhiều chị em lúng túng và dễ mắc lừa khi mua hàng. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều chị em chia sẻ từng kinh qua vài năm, thậm chí cả chục năm dùng hàng hiệu mà đôi lúc vẫn mua "hớ".
Dạo quanh một vòng các shop thời trang nhỏ, cửa hiệu túi xách, giày dép... không khó để bắt gặp những sản phẩm gắn thương hiệu Chanel, Louboutin, L’Wren Scott, Dolce&Gabbana... nhưng giá chưa bằng phân nửa giá chính hãng đã công bố. Hàng giả kém chất lượng là thế, còn với hàng giả "cấp cao" thì mẫu mã sao chép giống đến độ nếu chưa từng dùng qua hàng thật có lẽ khó mà phân biệt được.
Dành đôi giờ đồng hồ lướt web chuyên kinh doanh hàng thời trang trực tuyến, thấy vô số sản phẩm được quảng cáo là "hàng thật, hàng đẹp" qua ảnh chụp, giá thành siêu rẻ (được ghi chú là do đang giảm giá mạnh). Sự thực có bao nhiêu chị em đã mở hầu bao chi tiền cho những món đồ như thế?
Thị trường thời trang, phụ kiện nở rộ những năm gần đây.
Hình thức bán hàng online kèm ảnh chụp "thực tế" phát triển mạnh.
Showbiz Việt thời gian qua cũng dậy sóng vì chuyện sao nữ - những người vốn quen dùng hàng hiệu bị báo chí "tố" mua nhầm hàng fake, như vậy chả trách chị em ít kinh nghiệm mua sắm trở thành "mồi ngon" cho cơ sở sản xuất hàng giả. Chi khoản tiền lớn để rồi nhận lại món đồ fake, chắc chắn tâm trạng người mua sẽ rối bời, thậm chí mất niềm tin với hàng hiệu.
Dưới đây là một số "gạch đầu dòng" nhỏ chị em có thể tham khảo trước khi quyết định sắm món đồ hiệu đắt tiền. Những mẹo này không loại bỏ hoàn toàn khả năng mua phải hàng giả nhưng ít nhiều giúp chị em giảm bớt rủi ro.
1. "Cẩn tắc vô áy náy"
Nguyên tắc số 1 khi mua sắm, đặc biệt là sắm hàng hiệu. Giữa thị trường hàng hóa nhiều luồng như hiện nay sự cẩn trọng không bao giờ là thừa, nó giúp chị em chi tiêu một cách hợp lý và giảm thiểu lãng phí.
Không nên đặt 100% niềm tin vào người bán hàng, những cửa hiệu kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ bởi có thể bản thân họ cũng không nắm được chính xác nguồn gốc của sản phẩm.
Cẩn trọng trước khi mua hàng hiệu giúp bạn giảm thiểu rủi ro mua phải hàng giả.
2. Khảo sát sản phẩm trên hệ thống chính hãng
Trước khi quyết định mua chiếc túi Chanel, đôi giày Louboutin hay bất cứ món hàng hiệu nào khác, bạn nên tìm đến hệ thống cửa hàng hoặc website thuộc quản lý của hãng. Tại đó, bạn có thể ngắm sản phẩm trực tiếp hoặc liên hệ với bộ phận khách hàng để được trao đổi và tư vấn.
Hiểu rõ sản phẩm mình định mua có chất liệu gì, khóa móc, mác, chỉ may như thế nào... sẽ giúp rủi ro mua nhầm hàng fake được giảm đi đáng kể.
Show room trưng bày sản phẩm của Chanel.
3. Nắm rõ quy trình bán hàng và khuyến mại
Trước lời mời bùi tai "Mua đi, em nhập được hàng đang đợt khuyến mại nên giá mềm", nhiều chị em xao lòng vì ngỡ được "hời". Sự thực lời chào mờ dạng này ẩn chứa nguy cơ vì hãng thời trang lớn ít giảm giá - khuyến mại nhiều đợt trong năm, cũng không dễ nhập, dễ mua như thế. Chị em nên cẩn trọng trước những lời quảng cáo sản phẩm như vậy.
Để hạn chế rủi ro, chị em nên tìm hiểu và nắm rõ quy trình bán hàng, cũng như các đợt giảm giá, khuyến mại trong năm của thương hiệu đó: giảm bao nhiêu, như thế nào, điều kiện mua ra sao?
Khi đã nắm vững thông tin, bạn hoàn toàn có thể chủ động trong việc đặt mua sản phẩm.
Các thương hiệu lớn rất ít khi kéo dài thời gian khuyến mại, giảm giá.
Miranda Kerr chuộng túi Michael Kors.
Liệu chiếc túi Michael Kors của Miranda Kerr và những mẫu túi được rao bán online như thế này có thực cùng nguồn gốc, xuất xứ?
4. Hỏi ý kiến người dùng có kinh nghiệm
Chị em có thể hỏi người quen, đồng nghiệp hoặc tham gia các diễn đàn chia sẻ, mạng xã hội để học hỏi kinh nghiệm mua hàng hiệu. Những mẹo nhỏ về dấu hiệu phân biệt hàng giả - hàng thật, cách đặt sản phẩm thuận tiện và nhanh chóng... sẽ cực kỳ hữu ích, giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro khi mua sắm.
Giày Louboutin.
5. Hạn chế đặt mua qua mạng
Ngoài việc đặt mua sản phẩm từ kênh/website thuộc chính hãng hàng hiệu đó, chị em nên hạn chế mua sắm bằng hình thức này.
Thực tế nhiều website lấy lại ảnh sản phẩm chính hãng đánh lừa thị giác của khách hàng. Sau đó khi hàng đã trao, tiền đã nhận, chị em sờ tận tay sản phẩm mới ngớ người vì hàng kém tinh xảo, không xịn và đẹp như hình quảng cáo.
Đầm đen L’Wren Scott.
Kính mắt là một trong những sản phẩm rất dễ bị làm giả, nhái.
Khi chọn mua kính, bạn nên chú ý các góc cạnh, các chi tiết nhỏ. Sản phẩm giả sẽ khó đạt đến độ tinh tế như hàng thật.
Trên đây là một số chia sẻ nhỏ, hi vọng giúp chị em hạn chế được rủi ro mua nhầm hàng fake. Chúc chị em có một mùa thu đông nhiều cảm xúc và có được món đồ hiệu ưng ý!