Trên cung đường phượt gió rét, bụi mờ của chúng tôi, ngoài áo phao, ba lô, máy ảnh còn có khăn rằn phấp phới.
Mùa thu 2009 tôi đăng ký tham gia đoàn phượt Hà Giang bằng xe máy. Trước chuyến đi độ dăm ngày, một anh trong đoàn gọi điện rủ "Đi mua khăn phượt". Giật mình, tôi hỏi lại "Là khăn gì anh?" - "Cứ đi rồi biết".
Chẳng có nhu cầu mua khăn nhưng vì tò mò tôi vẫn theo anh đến cửa hàng chuyên vải, lụa trên phố hàng Đào. Đến nơi, bà chủ hàng đã gom sẵn "hàng" theo yêu cầu đặt trước. Tôi ú ớ: "Khăn rằn mà", lúc này anh bạn tôi mới cười xòa "khăn rằn giờ là khăn phượt, đặt cho cả đoàn mình đấy cô". Thế là trên cung đường gió rét, bụi mờ của chúng tôi, ngoài áo phao, ba lô, máy ảnh còn có khăn rằn phấp phới. Khăn họa tiết kẻ ô trẻ trung, được may bằng vải thô mỏng nên chẳng đủ sức làm dịu những cơn ho dai dẳng, bù lại "vật chứng đồng đội' khiến 9 con người vốn chẳng bằng hữu chúng tôi xích lại gần nhau, từ xa lạ trở thành bè bạn, anh em gắn bó.
Tình thân ấy vẫn được giữ lửa cho đến nay, dù bận điên cuồng với cuộc sống riêng, chúng tôi vẫn dành 1 ngày trong tháng để họp "Hội khăn rằn" (cái tên được đặt trong chuyến đi) cùng nhau ăn bữa cơm và "tám" đủ chuyện về phượt.
Khăn rằn giờ đây đẹp, đa dạng và cũng phổ biến hơn, thậm chí lướt báo mạng đọc tin về phượt, chẳng mấy khi bắt gặp bức hình vắng bóng khăn rằn trên vai, trên áo các bạn trẻ.
Nói khăn rằn là "khăn phượt" cho vui chứ cội nguồn của khăn, qua tình hiểu, lớp người sau chúng tôi trân trọng lắm, sao dám đổi thay.
Ở Việt Nam, khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer. Trải qua quá trình giao lưu văn hóa và chung sống giữa các dân tộc trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, khăn trở thành "phụ kiện" đặc trưng cho nhiều dân tộc. Khăn rằn truyền thống không sặc sỡ như bây giờ mà thường pha hai màu: hoặc đen-trắng, hoặc nâu-trắng. Hai màu đan chéo nhau tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn. Khăn có chiều dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40–50 cm, bình dị và đơn giản.
Khăn rằn xưa thường mang hai màu đen - trắng.
Ngày nay, khăn được biến tấu theo nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau.
Theo những gì tài liệu ghi lại thì trước khi du nhập trang phục phương Tây, khăn rằn là một phần không thể thiếu trong trang phục của bộ phận người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Từ người lao động nghèo tới những điền chủ, từ phụ nữ tới nam giới đều sử dụng khăn rằn.
Phụ nữ thường vắt gọn khăn trên đầu, còn đàn ông cột ngang trán, chừa hai đuôi khăn nhô lên đầu, nút khăn nằm ở phía trước. Khăn cũng được quàng trên cổ
Nam giới khi làm việc đồng thường lấy khăn buộc ngang trán, lật ngửa hai đầu khăn đưa lên trời để ngăn mồ hôi không chảy xuống mặt mà cản trở công việc. Các cô gái trong khi cày cấy, hay gánh mạ trên đồng cũng thường quấn khăn ở cổ, nếu đổ mồ hôi thì sẵn có khăn lau ngay.
Hơn cả một "phụ kiện", khăn rằn góp phần làm nên văn hóa, nét tinh tế trong trang phục của người dân nơi đây.
Những người lớn tuổi gắn bó với khăn rằn như một phần cuộc sống.
Khăn rằn theo chị đảm, em hiền ra đồng...
Cùng trải qua bao nỗi ngọt bùi, đắng cay trong đời người.
Ngày nay khăn rằn còn được xem như một "phụ kiện" trong các bộ ảnh thời trang, biểu diễn văn nghệ.
Theo dân "phượt" rong ruổi trên những nẻo đường...
Khăn rằn được bày bán nhiều ở các hiệu tạp phẩm, phụ kiện.
Khăn rằn cho tình đồng đội thêm ấm nồng?!
Những bóng khăn rằn đã, đang và vẫn sẽ là bạn đồng hành của dân phượt.