Dường như ai đó đã lái máy bay MH370 cho tận đến khi máy bay kết thúc hành trình. Kẻ lái máy bay đã không muốn máy bay được tìm thấy.
Theo Express, máy bay MH370 được cho là đã bị không tặc và gây nên vụ mất tích năm 2014. “Hồ sơ tâm lý” của tên không tặc được một chuyên gia tiết lộ trong tài liệu mới đây.
Chuyến bay MH370 của hàng không Malaysia biến mất không để lại tung tích nào hôm 8/3/2014 trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh chở theo 239 người trên khoang. Cuộc điều tra chính thức khẳng định điểm đến cuối cùng của máy bay là đáy Ấn Độ dương. Điều này được tính toán dựa trên liên lạc giữa MH370 cùng dữ liệu vệ tinh của công ty truyền thông vệ tinh Inmarsat.
Người ta tin rằng máy bay có thể đã kết thúc hành trình bay khi máy bay hết nhiên liệu.
Theo chương trình “Chuyến bay MH370” của Channel5, dường như ai đó đã lái máy bay cho tận đến khi máy bay kết thúc hành trình.
Điều này có nghĩa rằng máy bay đã bị kẻ nào đó không tặc. Kẻ không tặc có thể là thành viên phi hành đoàn, hành khách hoặc thậm chí một kẻ lậu vé.
Lý do khiến máy bay MH370 mất tích vẫn còn là điều bí ẩn.
Bằng chứng từ vụ việc cũng cho thấy kẻ không tặc không muốn máy bay được tìm thấy.
Chuyên gia hàng không David Gleave từ đại học Loughborough đã phân tích hồ sơ tâm lý của một người như vậy.
“Nếu bạn nghiên cứu hồ sơ tâm lý của một ai đó muốn máy bay không được tìm thấy, thì người đó sẽ lái máy bay ra càng xa đất liền càng tốt", chia sẻ với Channel 5, chuyên gia cho biết.
"Chúng ta đã tìm kiếm khu vực đó. Nếu bạn rẽ trái về hướng Australia, bạn sẽ bay gần khu vực tìm kiếm hơn và các máy bay cứu hộ sẽ được điều đi. Tuy nhiên, nếu bạn đã lên kế hoạch trước và không muốn người ta tìm thấy máy bay thì bạn có thể rẽ phải để đi xa hơn về phía tây và cách xa Australia", ông Gleave nói.
Vào ngày hôm đó, sóng biển cao 4-5 mét, có nghĩa là với những người có kinh nghiệm thì họ có thể hạ cánh trên mặt nước.
Ông Greave đã tham khảo một số sự cố máy bay hạ cánh trên nước như chuyến bay 1549 của US Airways hạ cánh thành công trên sông Hudson, Manhattan vào năm 2009 với 155 người trên máy bay được giải cứu.
"Vì vậy, có thể kẻ không tặc đã muốn đâm máy bay theo cách mà nó sẽ không bị nổi lên mặt nước, bởi nếu như vậy nó sẽ bị tìm thấy. Bằng cách đó, kẻ không tặc sẽ chỉ lướt máy bay trên mặt nước rồi sau đó hạ cánh ở đâu đó để máy bay không bị nổi trên mặt nước", ông Greave suy đoán.
Các chuyên gia tin rằng tên không tặc đã lướt máy bay trên mặt biển một đoạn, bởi một chiếc máy bay nếu rơi xuống biển từ độ cao 10.000 mét sẽ vỡ tan tành và để lại mảnh vỡ trôi nổi.
Tuy nhiên, vì không tìm được mảnh vỡ nào trôi nổi nên người ta cho rằng kịch bản này khó xảy ra.
Trong bộ phim tài liệu “Chuyến bay MH370”, nhà tư vấn quản lý rủi ro, tiến sĩ Sally Leivesley cũng cho rằng MH370 có thể là nạn nhân của khủng bố mạng.
Theo giả thuyết này, hệ thống máy tính chủ của máy bay có thể đã bị truy cập và xâm nhập thông qua một chiếc điện thoại di động hoặc USB trong hệ thống giải trí trên máy bay.
“Cốt lõi của giả thuyết này là máy bay đã bị máy móc điều khiển chứ không phải con người. Những con chip trong hệ thống điện tử có thể đã điều khiển buồng lái và những con chip đó có thể có phần mềm độc hại. Các điều khiển trông có vẻ đúng, nhưng bên dưới có một hệ thống khác thực sự điều khiển máy bay”, tiến sĩ Leivesley phỏng đoán.
Theo cách này, phi công MH370 có thể bị ru ngủ trong một cảm giác an toàn sai lầm khi nghĩ rằng họ đang điều khiển máy bay theo một hướng, nhưng thực tế họ đã bay theo hướng khác.
Chuyên gia an ninh hàng không Jim Termini nói trong bộ phim tài liệu rằng một cuộc tấn công mạng, mặc dù ít khả năng, nhưng không phải là không thể.