Cập nhật COVID-19 ngày 23/3: Xét nghiệm COVID-19 qua phân có thể cho kết quả chính xác hơn

Ngày 23/03/2020 00:08 AM (GMT+7)

Các chuyên gia tại Đại học Trung văn Hồng Kông đã công bố kết luận này trong nghiên cứu liên quan đến các phương pháp xét nghiệm COVID-19.

Xét nghiệm COVID-19 qua phân có thể cho kết quả chính xác hơn

Các chuyên gia tại Đại học Trung văn Hồng Kông đã công bố kết luận này trong nghiên cứu liên quan đến các phương pháp xét nghiệm COVID-19.

Tờ SCMP đưa tin, nhóm nghiên cứu cho biết xét nghiệm phân có thể là biện pháp thay thế cho xét nghiệm dịch lấy từ sâu trong cổ họng, thậm chí còn cho kết quả chính xác hơn khi tìm virus corona chủng mới.

Cập nhật COVID-19 ngày 23/3: Xét nghiệm COVID-19 qua phân có thể cho kết quả chính xác hơn - 1

Nhân viên y tế lấy mẫu thử từ nhân viên tại tòa nhà có tổng đài công ty bảo hiểm ở Seoul, nơi phát hiện 46 ca nhiễm hôm 9/3. Ảnh: AFP

Khoa Dược tại Đại học Trung văn Hồng Kông đã xét nghiệm 339 mẫu bệnh phẩm từ 14 bệnh nhân, trong đó gồm mẫu phân, đờm, dịch mũi, dịch cổ họng, máu và nước tiểu.

Xét nghiệm mẫu phân cho thấy 14 bệnh nhân đều nhiễm COVID-19 dù bệnh nặng hay nhẹ. Tuy nhiên, có 3 bệnh nhân có mẫu đờm, dịch mũi và dịch cổ họng xét nghiệm âm tính.

Trong khi đó, không mẫu nước tiểu nào chứa SARS-CoV-2 nhưng các mẫu máu của 4 bệnh nhân lại chứa virus này.

Nghiên cứu cho thấy tải lượng virus là 3,2 triệu/ml ở đờm, 12.000/ml ở phân và 10.000/ml ở dịch cổ họng.

Theo giáo sư Paul Chan Kay-sheung tại Đại học Trung văn Hồng Kông thì không phải bệnh nhân COVID-19 nào cũng có đờm. Nếu bệnh nhân không có đờm có thể xét nghiệm dịch sâu trong cổ họng, nhưng nhiều người có thể không biết cách khạc đúng nên việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm này có 42% nguy cơ cho kết quả âm tính sai.

Giáo sư Chan khuyến cáo những người xét nghiệm dịch cổ họng âm tính với SARS-CoV-2 vẫn nên giữ vệ sinh và đeo khẩu trang vì có nguy cơ cao về việc cho kết quả sai.

Dấu hiệu nhận biết trẻ em nhiễm virus corona chủng mới 

Bác sĩ Eugene Komarovsky nói rằng cơ thể trẻ em, thông thường dễ dàng mang virus hơn và trẻ có các triệu chứng tương tự giống như SARS. 

“Trẻ em thường bị nôn mửa, tiêu chảy và quá trình bài tiết virus corona chủng mới ra khỏi cơ thể thường lâu hơn. Trẻ em trong vùng ổ dịch cần được kiểm tra xem có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, thay đổi tần số hoặc nhịp thở, bất kỳ vấn đề nào với chất thải. Tất cả những điều này có thể là biểu hiện của việc trẻ mắc COVID-19”, bác sĩ Eugene Komarovsky chia sẻ hôm 20/3.

Cập nhật COVID-19 ngày 23/3: Xét nghiệm COVID-19 qua phân có thể cho kết quả chính xác hơn - 2

Bác sĩ Nhi khoa Eugene Komarovsky của Ukraine 

Ông cũng cho biết hầu hết các trường hợp trẻ em tử vong vì COVID-19 đều liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng không liên quan đến virus corona.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo: “Đây là căn bệnh nguy hiểm. Dù chúng tôi nắm chứng cứ cho thấy những người trên 60 đối mặt nguy cơ cao nhất thì người trẻ tuổi, bao gồm trẻ em, vẫn thiệt mạng vì COVID-19".

Italy nhận thấy các ca bệnh viêm phổi lạ trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc

Một trong những chuyên gia y tế hàng đầu của châu Âu cho biết một "bệnh viêm phổi lạ" đã xuất hiện ở miền bắc Italy từ tháng 11 năm ngoái, nhiều tuần trước khi các bác sĩ nhận thức được bệnh COVID-19 tại Trung Quốc.

Giireppe Remuzzi, giám đốc của Viện nghiên cứu dược lý Mario Negri ở Milan chia sẻ điều này trong một cuộc phỏng vấn với National Public Radio của Hoa Kỳ.

Ông Remuzzi cho biết ông có nghe thông tin từ các bác sĩ gia đình về một căn bệnh hô hấp lạ xuất hiện từ trước đó rất lâu ở miền Bắc Italy.

"Họ nhớ là thấy những trường hợp viêm phổi rất kỳ lạ, rất nặng, đặc biệt là ở những người lớn tuổi từ tháng 12 hoặc thậm chí là tháng 11", ông Remuzzi cho biết. "Điều này có nghĩa là virus đã tồn tại, ít nhất là tại vùng Lombardy từ trước khi chúng tôi biết về sự bùng phát của bệnh dịch tại Trung Quốc".

Cập nhật COVID-19 ngày 23/3: Xét nghiệm COVID-19 qua phân có thể cho kết quả chính xác hơn - 3

Các bác sĩ người Ý đã biết về một bệnh viêm phổi kỳ lạ ở vùng Lombardy vào tháng 11. Ảnh: AFP

Ý kiến ​​của Remuzzi được đưa ra khi các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm nguồn gốc của virus corona chủng mới. Chuyên gia bệnh hô hấp Trung Quốc Zhong Nanshan trước đó cũng nói rằng mặc dù Trung Quốc là nơi đầu tiên báo cáo sự xuất hiện mầm bệnh, nhưng vẫn chưa chắc chắn nơi nó bắt nguồn.

Italy đã có thêm 6.557 ca nhiễm mới trong ngày 21/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 53.578 ca kể từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên ở miền Bắc ngày 21/2. Cũng trong ngày 21/3, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết đã ghi nhận thêm 793 ca tử vong mới, mức cao kỷ lục trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở nước này tăng vọt lên 4.825 người, tương đương 38,3% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới và cao hơn tại Trung Quốc.

Dân đổ xô mua thuốc trị sốt rét ngừa COVID-19, chuyên gia cảnh báo tác dụng phụ nguy hiểm
Việc dùng Hydroxychloroquine không theo chỉ định của bác sĩ sẽ để lại những tác dụng phụ rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Hoàng Dương (Dịch từ SCMP)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19