Cập nhật COVID-19 ngày 31/3: WHO cảnh báo châu Á về COVID-19 “lây nhiễm lớn trong cộng đồng”

Ngày 31/03/2020 16:39 PM (GMT+7)

Ngay cả khi một số quốc gia châu Á có dấu hiệu làm chậm hoặc kiểm soát được dịch, không một quốc gia nào có thể lơ là cảnh giác, quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.

WHO cảnh báo châu Á về đại dịch COVID-19 “lây nhiễm lớn trong cộng đồng”

Dân Việt đưa tin, Takeshi Kasai, Giám đốc WHO ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nói với các phóng viên hôm 31.3 rằng: “Hãy để tôi làm rõ. Đại dịch này chưa hề lắng dịu ở châu Á và Thái Bình Dương”.

“Đây là cuộc chiến dài hơi và chúng ta không thể lơ là cảnh giác. Các quốc gia châu Á cần sẵn sàng cho lây nhiễm lớn trong cộng đồng”, ông Kansai nói.

Cập nhật COVID-19 ngày 31/3: WHO cảnh báo châu Á về COVID-19 “lây nhiễm lớn trong cộng đồng” - 1

Binh sĩ Hàn Quốc mặc đồ bảo hộ, di chuyển trên đường phố Daegu ngày 15.3.

Trong khi các tin tốt liên tục xuất hiện ở Trung Quốc và Hàn Quốc, các quốc gia trong khu vực không được lơ là cảnh giác, từ đó chậm phản ứng với dịch bệnh.

Matthew Griffith, cố vấn của WHO, nói dấu hiệu trên không có nghĩa là virus bỏ qua bất cứ khu vực nào. “Dù là những quốc gia hay khu vực ở châu Á đã kiểm soát mức độ lây lan của virus, dịch bệnh luôn luôn có thể xuất hiện ở những điểm nóng mới và vấn đề virus du nhập từ nơi khác là mối lo ngại”, Griffith nói.

Tổng số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt qua 785.000, với Mỹ, Italia, Tây Ban Nha là các quốc gia có số ca nhiễm vượt Trung Quốc.

Có 8 biến thể của virus corona chủng mới đang lây lan trên toàn cầu

Kết luận này được các nhà khoa học đưa ra sau khi phân tích hơn 2.000 trình tự gen của virus gửi từ mọi châu lục gửi, trừ châu Nam Cực tới cơ sở dữ liệu mở NextStain. Dữ liệu cho thấy chủng virus này biến đổi trung bình sau 15 ngày.

"Tin tốt là những đột biến này không gây chết người nhiều hơn", ông Trevor Bedford, đồng sáng lập Nextstrain chuyên theo dõi bộ gen của virus từ các mẫu được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới.

Cập nhật COVID-19 ngày 31/3: WHO cảnh báo châu Á về COVID-19 “lây nhiễm lớn trong cộng đồng” - 2

Các nhà khoa học cho biết có 8 biến thể của virus corona chủng mới lây lan khắp thế giới. Ảnh: NextStain.org

"Tỷ lệ đột biến hiện ghi nhận được, khoảng hai biến thể mỗi tháng, là hoàn toàn bình thường đối với virus”, Bedford viết trên Twitter. “Cúm và cảm lạnh thông thường có tỷ lệ đột biến tương tự. Thậm chí cúm còn đột biến nhanh hơn”.

Các nhà nghiên cứu đang mổ xẻ bộ gen của virus corona chủng mới và phát hiện ra các chủng đã xuất hiện kể từ khi virus này lần đầu tiên nhảy từ động vật sang người ở chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Các kết quả trên “cho thấy cách thức virus lây lan và phân chia thành các chủng khác tương tự”, USA Today giải thích.

Theo ông Bedford, các chủng virus khác nhau cho phép các nhà nghiên cứu tính toán sự lây truyền cộng đồng có lan rộng ra khắp một khu vực hay không. Điều này sẽ giúp xác định các biện pháp phong tỏa có hiệu quả hay không.

Virus corona chủng mới mới xuất hiện từ 3 năm trước

Dân Việt đưa tin, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Tự nhiên của tác giả Yi Guan từ Đại học Hong Kong và tác giả Yan-Ling Hu từ Đại học Y Quảng Tây, Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, chủng virus corona có liên quan đến bệnh COVID-19 xuất hiện ở loài tê tê Malaya, từng bị bắt giữ trong các hoạt động chống buôn lậu ở miền nam Trung Quốc cách đây 3 năm.

Nghiên cứu mới nói trên phát hiện, một chủng virus corona giống SARS-CoV-2 đã được tìm thấy trong 5 trên tổng số 18 con tê tê Malaysia bị bắt giữ từ các hoạt động chống buôn lậu ở miền nam Trung Quốc từ tháng 8/2017 đến tháng 1/2018.

Cập nhật COVID-19 ngày 31/3: WHO cảnh báo châu Á về COVID-19 “lây nhiễm lớn trong cộng đồng” - 3

Các chủng virus corona liên quan đến bệnh COVID-19 đã được phát hiện ở tê tê từ cách đây 3 năm trước.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện các chủng virus corona tương tự ở 3 trong số 12 con tê tê khác bị bắt ở một tỉnh khác của Trung Quốc vào năm 2018. Các chủng virus corona trên có bộ gen giống từ 85 đến 92% so với SARS-CoV-2, tên khoa học của chủng virus corona gây bệnh COVID-19 ở người.

"Việc phát hiện nhiều chủng virus corona có liên quan đến SARS-CoV-2 cho thấy tê tê nên được coi là vật chủ có khả năng dẫn đến sự xuất hiện của SARS-CoV-2 và nên bị cấm bán tự do ở các chợ động vật hoang dã", nghiên cứu kết luận.

Việc nghiên cứu mới trên phát hiện ra chủng virus corona giống với SARS-CoV-2 có từ năm 2017, làm tăng khả năng căn bệnh COVID-19 đã xuất hiện từ sớm hơn đáng kể so với niềm tin trước đây.

Những câu hỏi-đáp về COVID-19: Dịch COVID-19 là gì và bao giờ sẽ kết thúc?
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Để giải đáp những câu hỏi xung quanh dịch bệnh,...
Hoàng Dương (Dịch từ NYD)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19