Giải mã bí ẩn bắt mạch qua sợi tơ của thầy thuốc xưa, đến vua Càn Long cũng phải tin

Ngày 23/04/2020 09:30 AM (GMT+7)

Y học cổ xưa có lưu truyền một phương pháp khám bệnh được gọi là “huyền ti bắt mạch” có nghĩa là bắt mạch thông qua một sợi dây tơ. Điều này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, chỉ thông qua một sơi dây, làm sao có thể chẩn đoán được bệnh?

Truyền thuyết về bắt mạch qua sợi tơ

Bắt mạch qua sợi dây tơ hay sợi chỉ còn được gọi là "huyền ti bắt mạch", một đầu sợi dây được đặt trên cổ tay của nữ bệnh nhân và đầu dây còn lại sẽ do thầy y cầm để bắt mạch.

Hình thức khám bệnh này bắt nguồn từ trong hoàng cung. Dưới ảnh hưởng của hệ tự tưởng phong kiến là nam nữ thụ thụ bất thân, các thầy thuốc không được phép trực tiếp chạm vào bất cứ bộ phận nào của phụ nữ dù chỉ để khám bệnh.

Giải mã bí ẩn bắt mạch qua sợi tơ của thầy thuốc xưa, đến vua Càn Long cũng phải tin - 1

Để tuân thủ theo quan niệm "nam nữ thụ thụ bất thân" nên các thầy thuốc phải bắt mạch qua sợi tơ, sợi chỉ.

Điều này càng nghiêm ngặt hơn nữa với các phi tần của hoàng đế. Vì vậy, các thái giám thường lấy một sợi chỉ buộc lên cổ tay của phi tần hoặc công chúa còn đầu dây kia thì ngự y cầm để kiểm tra mạch. Thậm chí để tránh tiếp xúc, ngự y còn phải ngồi ở phòng khác hoặc nếu cùng phòng sẽ phải đặt tấm màn che để không thấy mặt.

Độ tin cậy của hình thức khám chữa bệnh này không chỉ nền y học hiện đại cảm thấy nghi ngờ mà chính những người trong thời đại trước cũng không khỏi thắc mắc.

Lịch sử y học Trung Quốc từng ghi lại câu chuyện về danh y Tôn Tư Mạc thời nhà Đường – người được mệnh danh là Vua y học của Trung Quốc khám bệnh cho hoàng hậu bằng phương thức “huyền ti bắt mạch”. Tương truyền rằng hoàng hậu mang thai mãi mà không sinh con, danh y Tôn Tư Mạc được mời vào xem bệnh. Vì ông không phải là ngự y trong hoàng cung nên vị thái giám khi ấy đã cố tình thử khả năng y thuật của ông bằng cách buộc sợi tơ vào chân vẹt.

Nhưng không ngờ rằng Tôn Tư Mạc đã lập tức biết được phía đầu kia của sợi tơ không phải mạch người. Vị thái giám khi ấy vô cùng kinh hãi, vội vã đem sợi tơ cột vào tay của hoàng hậu. Tôn Tư Mạc sau đó dễ dàng chẩn đoán ra bệnh và kê đơn thuốc kích hoạt máu, điều hòa khí công.

Chẳng bao lâu sau, hoàng hậu đã sinh nở suôn sẻ. Hoàng đế khi ấy vô cùng vui mừng đã trao thưởng 1 con ngựa tốt, 2000 lượng vàng, 100 tấm vải lụa đẹp cho Tôn Tử Mạc và còn tổ chức buổi yến tiệc chúc mừng hoàng hậu hạ sinh quý tử. Sau sự kiện này, không ít người đã vội hỏi Tôn Tư Mạc làm thế nào chẩn được bệnh nhưng ông chỉ mỉm cười và không nói gì.

Giải mã bí ẩn bắt mạch qua sợi tơ của thầy thuốc xưa, đến vua Càn Long cũng phải tin - 2

Sự tò mò về phương thức chẩn bệnh độc đáo này không chỉ những người trong ngành thắc mắc mà đến hoàng đế cũng cảm thấy khó tin. Vua Càn Long có một ngày truyền ngự ý tới bảo khám bệnh cho một phi tần. Vị phi tần này nằm phía sau một tấm rèm che kín nên ngự y không biết rõ là ai nhưng để lấy lòng vua, bèn hoan hỉ chúc mừng phi tần có thai.

Thế nhưng vua Càn Long không tin chỉ với một sợi tơ làm sao biết được, ngự y vội vã thề thốt rằng chắc chắn không sai. Hóa ra, vua Càn Long không tin hình thức khám bệnh này nên đã buộc đầu kia của sợi tơ vào chân ghế đẩu.

Vị ngự y khi ấy có chút hoảng hốt nhưng với nhiều năm kinh nghiệm, ông bình tĩnh nhấc chiếc ghế và đề nghị bổ đôi phần chân ghế ra, ắt có điềm báo. Sau khi thái giám bổ chân chiếc ghế, phát hiện bên trong có mọt. Lúc này vị ngự y vội nói đó chính là điểm báo hỉ. Càn Long lúc ấy mới gật đầu thấy có lý, lệnh cho ngự y đi coi bệnh cho công chúa. Sự cố chiếc ghế tuy rằng đã êm xuôi, nhưng vị ngự y cũng có một phen sợ đến tái mặt.

Sự thật về việc chẩn đoán bệnh chỉ thông qua sợi tơ

Nếu chỉ dựa vào truyền thuyết, lời tương truyền từ trong dân gian để nói về phương pháp này thì thật sự khó xác thưc. Tuy nhiên, trong cuốn “Cổ đại y học tuyệt kỹ: Huyền ti bắt mạch” có viết rằng: “Huyền ti bắt mạch” chính là Chướng nhãn pháp, tức là thủ thuật che mắt người khác. Thực tế, các thầy thuốc không hề chẩn đoán được bệnh chỉ qua sợi tơ bắt mạch.

Để làm rõ vấn đề này, có người đã hỏi ông Shi Jinmo một trong bốn bác sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh xưa từng có thời gian gặp gỡ những vị ngự y trong cung. Việc sử dụng phương pháp bắt mạch qua sợi tơ chỉ là phương án dùng để chữa bệnh cho những người có thân phận tôn quý hay để đối phó với định kiến về “nam nữ thụ thụ bất thân” trong xã hội cổ đại. 

Giải mã bí ẩn bắt mạch qua sợi tơ của thầy thuốc xưa, đến vua Càn Long cũng phải tin - 3

Các vị phi tần, công chúa khi ấy đều rất gần gũi với các thái giám, cung nữ hầu hạ họ. Vì vậy, trước khi bắt mạch, các ngự y sẽ hỏi qua thể trạng của bệnh nhân thông qua những người thân cận như thái giám, cung nữ, người nhà cũng như quan sát các triệu chứng của người bệnh qua thần thái, khuôn mặt và cử chỉ để từ đó họ có thể kê đơn và bốc thuốc đúng bệnh. Để có được thông tin chi tiết hơn, các ngự y có thể tặng một số quà cho thái giám.

Sau khi biết được tất cả các thông tin cần thiết, các vị ngự y sẽ tiến hành bắt mạch qua sợi tơ, họ tỏ vẻ chăm chú, quan sát. Thực ra điều này chỉ là một nghi thức thể hiện sự tôn trọng với hoàng gia. Bên cạnh đó, họ cũng tranh thủ thời gian suy nghĩ thêm về đơn thuốc và cách chữa bệnh để tránh không bị sai sót.

Tương truyền rằng có một vị ngự y họ Trần từng chẩn đoán bệnh cho Từ Hi thái hậu cũng theo cách "huyền ti bắt mạch". Sau đó, ông kê 3 đơn thuốc để hỗ trợ tiêu hóa, củng cố dạ dày. Nhiều năm sau khi vị ngự y nghỉ hưu, ông tiết lộ năm ấy, ông đã mua chuộc cung nữ hầu hạ cạnh Từ Hi thái hậu với số tiền lớn và biết trước đó bà đã đã ăn thịt ốc, gây khó tiêu.

Bởi vậy, có thể thấy rằng, “huyền ti bắt mạch” hay bắt mạch qua sợi tơ là những điều thần kỳ mà con người không nhìn thấy được. Nó chỉ có tính chất tham khảo và mãi ở trong truyền thuyết, chưa được con người ngày nay áp dụng để khám và điều trị bệnh.

Kinh dị thuốc chữa bệnh cổ xưa: ngửi hơi thối để thoát đại dịch, hút thuốc ngừa ung thư!
Những phương thuốc chữa bệnh kinh dị từ thời xưa sẽ khiến bạn cảm thấy thật may mắn khi sinh ra vào thời kỳ khoa học công nghệ phát triển vượt bậc.
Minh Minh (Dịch từ Sohu)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh thường gặp