Bé gái 9 tuổi phát hiện mắc ung thư sớm từ việc làm của mẹ lúc tắm cho con

DIỆU THUẦN - Ngày 24/09/2024 13:45 PM (GMT+7)

Khi tắm cho con gái, chị Minh thấy vùng trước cổ của bé Huyền bị sưng, chạm vào hơi cứng nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện khám.

Bé Huyền (9 tuổi) là con gái của vợ chồng chị Trần Minh (34 tuổi), hiện đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở TP.HCM. Chị Minh cho biết, trong gia đình chị từ trước đến nay không ai mắc ung thư, nhất là ung thư tuyến giáp.

Đầu tháng 6 vừa qua, trong một lần tắm cho con gái, chị Minh thấy vùng trước cổ của bé Huyền bị sưng cỡ hạt đậu, chạm vào thấy cứng. Lo sợ con mắc căn bệnh nguy hiểm, chị đưa đến nhiều bệnh viện khám, siêu âm thì nhận kết quả bình thường. Bác sĩ khuyên chị về nhà nên theo dõi con thêm.

Tuy nhiên, khối u ở cổ bé Huyền kéo dài suốt 3 tháng không xẹp khiến vợ chồng chị Minh không yên tâm, đưa đến Đơn vị Đầu Mặt Cổ một bệnh viện tư khám lần nữa. BS.CKII Đoàn Minh Trông là người trực tiếp khám cho bé Huyền cho biết từ các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ Trông chẩn đoán bé gái mắc ung thư tuyến giáp thể nhú, di căn hạch. 

Chị Minh phát hiện bất thường ở vùng cổ của con gái khi tắm, chải tóc cho con - Ảnh minh họa.

Chị Minh phát hiện bất thường ở vùng cổ của con gái khi tắm, chải tóc cho con - Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Trông, ung thư tuyến giáp là tình trạng tế bào nhu mô tuyến giáp phát triển bất thường, tạo thành khối u ác tính. Bệnh ít gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. 

Trẻ mắc ung thư tuyến giáp nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì cơ hội chữa khỏi cao. Trường hợp của bé Huyền phát hiện bệnh khi vừa di căn hạch cổ, điều trị ngay, tiên lượng khỏi bệnh đến 99%.

Ngay sau khi trải qua bước gây mê ổn định, bé Huyền được các bác sĩ phẫu thuật cắt trọn tuyến giáp, lấy khối u ra ngoài, tiếp tục nạo hạch cổ bên phải để tránh biến chứng sau này cho bé như khàn giọng, tê tay chân… Các bác sĩ cũng khéo léo may kỹ vết mổ để tránh để lại sẹo xấu ảnh hưởng tâm lý khi bé đến tuổi dậy thì. 

Sau ca mổ, sức khỏe bé Huyền nhanh hồi phục, không bị khàn giọng, không gặp các biến chứng tê tay chân và được xuất viện sớm. “Tôi đã chỉ định bé uống i-ốt phóng xạ ngăn ung thư tái phát, không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này”, bác sĩ Trông chia sẻ.

Chị Minh cho biết, hiện sức khỏe bé Huyền ổn định, đã đi học và có thể tham gia các hoạt động nhẹ nhàng. 

Ung thư tuyến giáp ít gặp ở trẻ nhưng phát triển nhanh

Bác sĩ Trông khuyến cáo, dù ít gặp nhưng ung thư tuyến giáp ở trẻ phát triển nhanh hơn người lớn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ di căn hạch, phổi, xương não… gây khó khăn cho việc điều trị cũng ảnh hưởng thời gian sống của người bệnh.

Bác sĩ Trông đang khám bệnh cho bé Huyền - Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Trông đang khám bệnh cho bé Huyền - Ảnh: BVCC.

Về nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp ở trẻ, bác sĩ Trông cho rằng hiện chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh cho trẻ thường là do tiếp xúc bức xạ, bướu giáp và viêm giáp tự miễn, di truyền, gia đình có nhiều người mắc bệnh…

Bác sĩ Trông khuyến cáo, cha mẹ, người lớn trong gia đình nên quan sát trẻ. Khi thấy trẻ có các triệu chứng như khối u vùng cổ, nổi hạch, khàn giọng, khó thở… nên khám ở chuyên khoa Đầu Mặt Cổ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Với trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy, ngoài các triệu chứng trên, trẻ có thể bị phì đại tại môi, lưỡi, mí mắt, mắt khô, táo bón… Đồng thời, cha mẹ nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bất thường (nếu có) và điều trị kịp thời.

* Tên người bệnh đã thay đổi.

Bé trai 9 tuổi u não sống lay lắt trong bệnh viện và điều ước nhói lòng sau khi bố mẹ ly hôn
Ngày con trai được chẩn đoán mắc ung thư não giai đoạn 4 cũng là lúc chị Nga và chồng cũ nhận quyết định ly hôn của tòa án. Phải cùng lúc trải qua 2...

Ung thư não

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh thường gặp