‘Mẹo’ kiểm soát viêm da tiết bã hiệu quả của bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân

Ngày 15/04/2024 14:00 PM (GMT+7)

Tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng viêm da tiết bã lại gây khó chịu, mất thẩm mỹ cho người mắc phải. Theo bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân, viêm da tiết bã có thể được kiểm soát hoàn toàn nếu điều trị đúng cách và kiên trì.

Bệnh viêm da tiết bã là gì?

Bác sĩ Xuân cho biết viêm da tiết bã hay còn gọi là viêm da dầu hoặc chàm da mỡ. Là một dạng rối loạn da sần vảy mãn tính được hình thành mất cân bằng tuyến bã nhờn hoặc do nấm malassezia gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn. 

Viêm da tiết bã thường xảy ra tại vùng da có nhiều tuyến bã nhờn hoạt động như: da đầu, mặt, tai, thân trên và nếp gấp. Đây cũng được xem là một bệnh lý dai dẳng, rất dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm với hình thù đặc trưng là hồng ban, vẩy bã. 

‘Mẹo’ kiểm soát viêm da tiết bã hiệu quả của bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân - 1

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh?

Bác sĩ Xuân cho biết tính đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm da tiết bã vẫn chưa được xác định rõ rệt. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu đã cho thấy viêm da tiết bã xuất hiện do tương tác của nhiều yếu tố như: hoạt động của tuyến bã, nấm malassezia và cơ địa của người bệnh (đáp ứng miễn dịch, hàng rào bảo vệ da, yếu tố thần kinh, gen, stress…). 

Theo bác sĩ Xuân viêm da tiết bã không chuyển biến đột ngột mà được hình thành từ từ, đa số các bệnh nhân sẽ chỉ cảm thấy ngứa ngáy nhẹ hoặc vừa, không gây ra cảm giác khó chịu. Cơn ngứa có thể gia tăng khi thời tiết nóng. Tổn thương do viêm da tiết bã thường có màu đỏ cam, bên trên chứa vảy xám trắng, khô hoặc hơi nhờn, một số ít xuất hiện sần vảy da có bờ rõ. Bệnh lý sẽ chuyển biến từ vảy khô (gàu) đến vảy vàng bã và hồng ban. 

‘Mẹo’ kiểm soát viêm da tiết bã hiệu quả của bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân - 2

Bệnh gây ảnh hưởng gì?

Bác sĩ Xuân cho biết tuy là căn bệnh không lây lan, không gây nguy hiểm đến sức khoẻ của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng lớn về mặt thẩm mỹ, phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. Nếu không tìm được phương pháp điều trị phù hợp sẽ rất khó khăn để dứt điểm, dễ khiến bệnh trở thành mãn tính. Khi xuất hiện bệnh vùng da sẽ trở nên ửng đỏ, bong tróc sau một thời gian... gây cảm giác tự ti cho người bệnh.

‘Mẹo’ kiểm soát viêm da tiết bã hiệu quả của bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân - 3

Nhiều người thường chủ quan, xem nhẹ bệnh này và tự mua thuốc điều trị này nhà, theo bác sĩ việc này có nên không? Bệnh này điều trị ra sao?

Bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân, tốt nghiệp ngành y đa khoa Trường  ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, và đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nội khoa. Bác sĩ Xuân còn được đào tạo các kỹ thuật trong thẩm mỹ da như: ứng dụng laser và ánh sáng trong điều trị, chăm sóc da,  kỹ thuật tiêm botulinum toxin… tại BV Da liễu TP.HCM. 

‘Mẹo’ kiểm soát viêm da tiết bã hiệu quả của bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân - 4

Nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị các vấn đề về da, bác sĩ Xuân cho biết viêm da tiết bã có thể được kiểm soát hoàn toàn nếu điều trị đúng cách và kiên trì. Vì thế khi thấy các dấu hiệu, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Đồng thời được hướng dẫn chăm sóc da tại nhà. Tuyệt đối tránh mua, tự chế hoặc sử dụng các bài thuốc truyền miệng. Những loại này có thể chứa thành phần corticoid gây nhiều biến chứng.

‘Mẹo’ kiểm soát viêm da tiết bã hiệu quả của bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân - 5

“Viêm da tiết bã có khuynh hướng mạn tính và tái phát nên mục đích của điều trị là kiểm soát bệnh. Bệnh chủ yếu điều trị tại chỗ và duy trì. Do bệnh liên quan đến tăng sinh nấm malassezia và tình trạng viêm nên điều trị phổ biến nhất là thuốc kháng nấm, chống viêm tại chỗ. Ngoài ra, còn điều trị bằng thuốc dưới dạng dầu gội đầu hoặc bôi thoa như: ketoconazole, selenium sulfide, zinc pyrithione, tacrolimus…”, bác sĩ Xuân cho biết.

Bác sĩ Xuân lưu ý thêm, trường hợp viêm da tiết bã nhẹ ở trẻ nhỏ không cần điều trị, chủ yếu sử dụng dầu thực vật (dầu dừa, dầu oliu) thoa lên vùng vảy 3 - 4 tiếng sau để loại bỏ vảy thừa và tắm lại bằng sữa tắm dịu nhẹ.

Cần làm gì để phòng ngừa bệnh này?

Bác sĩ Xuân cho biết nên sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ không hương liệu. Tập các liệu pháp thư giãn như yoga và ngủ đủ giấc để hạn chế tình trạng stress (căng thẳng). Đồng thời nên có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đường, rượu bia, ăn nhiều trái cây và hạt. Và cuối cùng là không nên tiếp xúc với các chất tẩy rửa mạnh như: nước rửa chén, nước lau sàn…

Nguồn: [Tên nguồn].