Một nghiên cứu mới được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy thu nhập cao hơn có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, trong khi cắt giảm lương làm tăng 17% nguy cơ mắc bệnh.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Brigham and Women và Trường Y Harvard đã theo dõi 9.000 người tham gia trong độ tuổi từ 45 đến 64 tuổi trong khoảng thời gian 17 năm.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có mức lương tăng 50% trong 6 năm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm gần 15% trong khi những người có mức lương giảm 50% có nguy cơ mắc bệnh tăng 17%.
Những người có mức lương tăng 50% trong 6 năm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm gần 15%. (Ảnh minh họa)
Stephen Wang - thạc sĩ về y tế công cộng của Harvard và là người đứng đầu nghiên cứu cho hay điều này chủ yếu là do tiền lương tăng làm cho mọi người ít có khả năng bị suy tim.
Stephen Wang giải thích rằng mức lương thấp hơn có thể dẫn đến những thay đổi trong thói quen ăn uống và những người bị căng thẳng về tài chính có nhiều khả năng ăn những thực phẩm rẻ tiền, có hàm lượng calo cao.
Do mức lương thấp hơn, mọi người có thể không có đủ tiền để đến phòng tập thể dục, có thể cảm thấy lo lắng hơn hoặc có thể chọn ăn nhiều đồ ăn vặt. Tất cả những điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rượu bia và thuốc lá cũng có liên quan, căng thẳng và trầm cảm gia tăng cũng có thể gây nguy cơ tim mạch.
Những người có thu nhập thấp hoặc bị giảm thường ăn uống không đảm bảo, ít tập thể dục nên dễ mắc bệnh tim. (Ảnh minh họa)
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết nghiên cứu đã cho phép các bác sĩ chú ý hơn đến sức khỏe tài chính của bệnh nhân trong các xét nghiệm tim. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của nghiên cứu là những người tham gia có vấn đề về sức khỏe có nhiều khả năng bị cắt giảm lương.
Stephen Wang nói rằng ông muốn các bác sĩ và mọi người biết rằng tình hình tài chính tồi tệ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.