Vi rút Zika muỗi truyền – mối đe dọa cho cộng đồng

Ngày 23/04/2016 10:00 AM (GMT+7)

Tình hình dịch bệnh vi rút Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới, số quốc gia có bệnh nhân mắc bệnh ngày càng tăng lên, trong đó Việt Nam với 2 trường hợp mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhất là các tỉnh phía nam, được đánh giá là có môi trường rất thuận lợi cho việc phát sinh và lây lan dịch bệnh này.

Theo  Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số ca ghi nhận mắc bệnh vi rút Zika đã tăng từ 30 nước lên đến hơn 60 nước, đặc biệt trong đó có nhiều nước thuộc khu vực quanh Việt Nam. Việc giao lưu đi lại quốc tế ngày càng nhiều và nhanh chóng sẽ là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam dễ dàng hơn.

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes (muỗi vằn) phát triển quanh năm, dễ dàng gây lây lan dịch bệnh truyền qua muỗi như sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Đó là chưa kể đến thói quen trữ nước sinh hoạt của người dân khu vực phía Nam càng làm gia tăng nguy cơ có ổ lăng quăng sinh muỗi vằn.

Vi rút Zika muỗi truyền – mối đe dọa cho cộng đồng - 1

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của Ẽl Nino năm 2016 như hạn hán làm người dân tích trữ nước nhiều hơn, gia tăng nhiệt độ khiến cho chu kỳ sinh sản và phát triển của muỗi rút ngắn lại, càng làm gia tăng quần thể muỗi truyền bệnh.

Thống kê của Viện Pasteur TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2016 cho thấy, tại khu vực phía nam, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, trong mùa mưa tới, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika là rất lớn nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả.

Đánh giá về sự nguy hiểm của vi rút Zika, PSG.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng vi rút Zika càng lúc càng nhiều là bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa nhiễm loại vi rút này và dị tật đầu nhỏ trên thai nhi cũng như nhiều dị tật bẩm sinh khác trên hệ thần kinh. Với người lớn, cũng có nghiên cứu cho thấy vi rút Zika gây tổn thương hệ thần kinh như hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (Guilain Barre).

“Nếu càng nhiều người trong cộng đồng bị nhiễm bệnh, thì nguy cơ phụ nữ mang thai nhiễm bệnh trong cộng đồng sẽ càng cao, đồng nghĩa với việc nguy cơ ảnh hưởng đến thế hệ sau, đến giống nòi càng lớn”, ông Lân cảnh báo.

Theo ông Lân, bệnh Zika lây lan và bùng phát thành dịch phụ thuộc vào 3 yếu tố: người mắc bệnh, trung gian truyền bệnh (muỗi vằn) và các biện pháp phòng chống. Phần lớn các trường hợp nhiễm vi rút Zika thường sốt nhẹ, phát ban, đau cơ, đau khớp. Do đó khi có những triệu chứng trên, bệnh nhân phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị thích hợp.

“Cộng đồng và người dân mỗi tuần nên dành 10 phút để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà. Người dân tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi và bình xịt muỗi cầm tay”, ông Lân khuyến cáo.

Bên cạnh đó, ông Lân mong muốn người dân phải hợp tác với chính quyền, y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi và tích cực tham gia diệt lăng quăng trong các chiến dịch ở địa phương để phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue và  bệnh do vi rút Zika. Cả cộng đồng cần hành động để bảo vệ cho phụ nữ mang thai và thế hệ sau.

Vi rút Zika muỗi truyền – mối đe dọa cho cộng đồng - 2

Nguồn: [Tên nguồn].