10 năm ngồi tù, 2 lần tự sát, nhận biệt danh “Chấn kêu oan”

Ngày 21/09/2014 10:17 AM (GMT+7)

Trong suốt 10 năm, người nông dân vô tội Nguyễn Thanh Chấn đã sống, chia sẻ bao kỷ niệm trong nhà tù - xã hội thu nhỏ ấy với bao hỉ nộ ái ố.

Nhà tù là một xã hội thu nhỏ, với đầy đủ những cung bậc tình cảm hỉ, nộ, ái ố: Nơi đó có những trận đòn thù của đám đầu gấu “mạnh được, yếu chết” theo kiểu luật rừng, những đêm thức trắng viết đơn kêu oan, những cán bộ quản giáo kẻ nghiêm khắc - người đôn hậu, những thú vui nho nhỏ giúp quên đi thời gian sao mà đằng đẵng, và có cả những tình bạn xúc động nảy nở giữa những người tù. Trong suốt 10 năm, người nông dân vô tội Nguyễn Thanh Chấn đã sống, chia sẻ bao kỷ niệm trong cái xã hội thu nhỏ ấy…

Một buổi sáng mùa đông lạnh giá của tháng 12 năm 2004, chiếc xe tù đưa phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn từ trại Kế (trại tạm giam của Công an tỉnh Bắc Giang) sang trại giam Vĩnh Quang (thuộc Bộ Công an), nơi ông Chấn sẽ phải thụ án chung thân. Nhìn qua khung cửa sổ bằng thép của xe tù, ông rầu rĩ thấy những cánh đồng, rặng cây quen thuôc của quê hương Bắc Giang cứ lùi xa, lùi xa dần. Đến thời điểm này, ông đã ngồi tù được hơn một năm.

Làm kiếp thằng tù, có những điều rồi cũng dần quen. Như quen với việc phải gọi quản giáo là cán bộ. Như quen với 7 cữ điểm danh mỗi ngày: 5 giờ sáng ngủ dậy – điểm, 7 giờ bắt đầu đi làm – điểm, 12 giờ trưa về phòng, chia cơm – điểm, 1 giờ trưa trước  khi đi làm – điểm, 17 giờ 30 đi làm về, soát người – lại điểm, 18 giờ 30 – điểm lần cuối trước bữa cơm chiều. Nhưng cũng có những điều thì mãi mãi không quen được…  

Hai lần tự sát

Như chuyện đánh nhau ở trong tù. Anh nông dân hiền lành Nguyễn Thanh Chấn từ nhỏ có đánh ai bao giờ, cũng chẳng bị ai đánh (trừ cái hồi bị các điều tra viên của huyện Việt Yên ép nhận tội). Vậy mà vào trại lập tức lĩnh đủ. Nhất là hồi chưa thành án, ông liên tục bị bọn “đầu gấu” tẩn. Có đêm ông phải chuyển phòng giam tới 4 -5 lần, bị giam chung với 4 – 5 ông tướng to béo, xăm trổ đầy mình.

“Chẳng vì lý do gì nó cũng đánh mình” – ông Chấn kể. Mới đầu thì còn kêu cứu, sau biết kêu cũng chẳng ai giúp, chỉ biết co tròn người lại, hai tay che đầu, để chúng đánh đến lúc chán thì thôi. “Trong tù thằng khỏe dùng sức, thằng yếu dùng mẹo”. Cách mà những thằng yếu hay dùng nhất để trả thù là... giội nước sôi. Một tuần, hai tuần, có khi cả tháng sau khi bị đánh, lừa lừa lúc kẻ thù đang ngủ, giội cả phích nước sôi vào người, không chết cũng bỏng khắp người.

10 năm ngồi tù, 2 lần tự sát, nhận biệt danh “Chấn kêu oan” - 1

 Ông Nguyễn Thanh Chấn. (Ảnh: Xuân Lực)

Trong trại chúng nó cứ cà khịa linh tinh. Sống 9 lần vâng dạ, tử tế nhưng chỉ một lần mếch lòng là đã nhận đòn. Có lần nằm giường trên đánh rơi cái áo xuống đất cũng bị bạn tù còn kém tuổi thằng con út nhà ông đánh cho bầm giập. Trận đòn gần nhất, trước khi ông được trả tự do là bị một đám say rượu trong phòng xúm lại đánh tập thể. 

Ông Chấn kể: “Chúng nó tài lắm, giấu được cán bộ trại giam, đem dây nhựa, nồi, rồi kiếm được đâu ra cả men rượu. Chúng nó đấu dây điện nấu, lấy nước sinh hoạt của anh em làm mát, tốn nước lắm. Uống rượu xong chúng nó lại cà khịa, túm mình ra đánh. Cũng phải chịu thôi”. Chuyện này, hôm được giải oan ở hội trường, ông cũng đã kể với cán bộ cấp cao của Viện kiểm sát. 

Kinh khủng nhất là một vài năm đầu vào trại. Kẻ gây ra tội đi tù đã không chịu nổi. Ông hoàn toàn chẳng có tội gì cũng bị tống vào tù, nỗi bức bối càng nặng nề gấp nhiều lần. Những đêm đầu nằm trong trại ông thường choàng tỉnh giấc, ngỡ mình đang trong cơn ác mộng. Rồi cứ nằm thao thức, chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Gần tết năm ấy, ở trại Kể, ông Chấn đã một lần nghĩ dại, muốn quyên sinh. Ý nghĩ đi tìm cái chết với ông Chấn cũng bình thường lắm: “Thấy ở buồng bên, có thằng chết dễ quá”. Đó là trường hợp thằng Thịnh “mắt ma” ở buồng số 5 phải nhận án tử vì cướp tiệm vàng có súng: “Cái giống tử hình ngày thì ngủ, đêm thì thức khua cả dãy dậy không ngủ được. Nó cứ cuộn tờ báo rồi hát hò vào ống nước, vang hết các phòng. Rồi nó bị phạt, bị cùm chân. Tầm 9 giờ sáng còn nghe nó chửi cán bộ trại giam vào dọn vệ sinh buồng. Thế mà lúc sau đã tự tử chết”.

Đêm đến, ông Chấn lần tháo dây chun quần đùi, buộc vào bàn chải từ từ xoắn quanh cổ họng. Cứ thế từ từ cái dây thít lại, chưa mạnh đến mức chết được ngay nhưng sẽ rút không khí từ từ. Rồi sẽ đi được – ông nghĩ thế.

Trong buồng giam đêm đó có 4 người, trong đó có Lai - Nguyễn Như Lai. Ông Chấn nhớ lại:  “Lai là dân giang hồ thứ thiệt, người Hải Phòng, sinh năm 1979 mà đã đi 5 – 6 tăng (án). Người đầy hình xăm và vết dao kiếm chém. Nó đi bận đấy vì đánh nhau băng nhóm, đối thủ bị tử vong sau khi vào viện. Nó cũng bị chém đầy lưng”.

Bình thường, nó ngang tàng, ngỗ ngược chẳng thèm để tâm đến loại người ru rú một góc như ông Chấn. Ấy thế mà chính  nó lại là người cứu ông.Tiếng khò khè phát ra từ cái cổ họng bị thít chẹt của ông đánh thức nó dậy. Nó lao đến, tháo dây, cứu ông rồi mắng cho một trận. Nó bảo sao ông già rồi mà ngu thế, phải sống chứ, ông không sống thì ai minh oan được cho ông(?!). Ông nỡ để con cái ông suốt đời mang tiếng là con thằng giết người à? Nghe nó mắng mà nước mắt ông lã chã! Cái thằng - đến mạng của nó nó còn không nghĩ đến – thế mà bây giờ bây giờ nó lại khuyên ông, mắng ông những điều như thế... Sau này, khi chuyển trại ông Chấn không còn biết số phận của Lai ra sao nữa.

Ông Chấn bảo: Ông ao ước một ngày gần đây được lên trại Vĩnh Quang để thăm ông Trâu Trắng, để mang quà cho ông ấy, trong đó dứt khoát phải có bánh thuốc lào...

Vẫn chưa hết quẫn trí, sang đến trại giam Vũ Quang (Vĩnh Phúc), ông Chấn lại một lần nữa tìm đến cái chết. Cách thức vẫn như cũ, lần này bàn chải được thay bằng cái thìa. Vẫn mấy thằng tù cứu ông khỏi tay Diêm vương. Số ông vẫn chưa tận, có lẽ ông bà ông vải nhà ông muốn thằng Chấn phải sống chờ đến ngày được minh oan. 

Chấn “kêu oan”

Sang đến trại Vĩnh Quang (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) thì cảm thấy dễ thở hơn. Trại rộng (200 hécta), nằm trong một thung lũng xanh tốt, tựa lưng vào những dãy núi xa tít mù tắp. Phía ngoài buồng giam, nhãn, vải um tùm. Lên đây, thấy ông già rồi, lại hiền lành, nên đám tù cũng ít đánh hơn.

10 năm ngồi tù, 2 lần tự sát, nhận biệt danh “Chấn kêu oan” - 2

 Trại giam Kế, nơi ông Chấn từng bị giam 1 năm 3 tháng. (Ảnh: Đàm Duy)

Mỗi buồng giam chiều rộng chừng 5 – 6 mét, dài khoảng 10- 12  mét, là nơi giam giữ từ 70 – 75 phạm nhân. Cuối buồng là khu vệ sinh chung, có 5 cái xí xổm. Một cái bể nước dùng chung. Hai bệ nằm lát gạch 30x30cm trải dài suốt chiều dọc buồng giam, ở giữa là lối đi.

“Giang sơn” của mỗi người tù lúc nào rộng được 1 viên rưỡi (khoảng 45 cm), lúc hẹp còn viên hai. Mùa đông nằm ken nhau thì ấm, nhưng mùa hè nóng không ngủ nổi. 

10 năm ngồi tù, 2 lần tự sát, nhận biệt danh “Chấn kêu oan” - 3

 Dãy buồng tử tù trong trại giam Kế. (Ảnh: Đàm Duy)

Hàng ngày tù phải đi làm. Lúc thì sản xuất vàng mã, lúc may túi xuất khẩu. Ông Chấn mắt kém nên thường chỉ được phân làm những khâu phụ như cắt chỉ, vuốt giấy. Làm vàng mã mỗi ngày một người tù phải làm hết 5kg giấy, nhưng thường thì ông Chấn có làm thiếu một tí quản giáo cũng bỏ qua cho. 

Trong tù người nào vi phạm kỷ luật (bỏ trực, đánh nhau, uống rượu, bài bạc, cãi quản giáo…) thì bị phạt. Hình phạt là còng chân. Còn làm không đủ năng suất thì người ta không khiến làm nữa, nhưng bắt ngồi ngoài sân, không được ăn cơm. Ông Chấn cũng đã có những lần như vậy. Định kỳ ban quản lý trại tiến hành xếp loại tù nhân, như xếp loại học sinh vậy. 

Thường thì “sổ học bạ” của “học sinh” Chấn chỉ ghi loại trung bình, hoặc kém. Nguyên nhân một phần do ông làm kém, nhưng phần lớn là do cái tội hay viết đơn kêu oan, hay nói theo ngôn ngữ của các cán bộ quản giáo là “thiếu an tâm cải tạo”. Ông tranh thủ mọi nơi, mọi lúc có thể để viết đơn. Giấy, bút do gia đình gửi vào. Rồi xin cán bộ, quản giáo. Đặc biệt, có một người bạn tù tên là Thái (trước vốn là đại úy công an, vì tội gì đó phải đi tù, được phân công đánh kẻng cho trại giam) thường xuyên cho giấy ông Chấn. Còn khi không có giấy ông viết đơn lên bất kỳ mảnh giấy nào nhặt được.

Không thể nhớ trong ngần nấy năm, ông Chấn đã viết bao nhiêu lá đơn? Hàng trăm? Hàng nghìn? Đơn ông gửi khắp nơi: Gửi Văn phòng Chính phủ, gửi Chủ tịch nước, gửi Tòa án, Viện Kiểm sát… Gửi đơn qua ban lãnh đạo trại, qua gia đình, qua những người bạn tù được thả, qua những đợt thăm nuôi. Cứ có đoàn khách nào đến thăm trại, kể cả nhà báo đến lấy tư liệu viết bài, ông cũng gửi đơn... Đến nỗi mà ở Vĩnh Quang, ai cũng gọi ông là “Chấn kêu oan”.

Nhiều người còn bảo ông điên rồi, kêu gì mà kêu mãi, “oan thì đã chằng đến mức hai lần tòa xử vẫn chung thân”, “thằng tù nào vào đây mà chẳng kêu oan”… Nhưng cũng nhiều người bán tín bán nghi. Đến mức mà có lần, ông Hùng - giám thị trại giam Vĩnh Quang – gọi ông Chấn lên hỏi chuyện cả tiếng. Nghe câu chuyện của ông Chấn xong, ông Hùng thở dài, bảo: “Chuyện của ông đúng là lạ thật. Nhưng thôi, tôi chỉ là một người thủ kho, giao gì thì tôi nhận. Ông cứ yên tâm cải tạo cho tốt thôi…” 

Người bạn tù tri kỷ và bài thơ tiễn biệt

 Ông phải sống hơn mười năm với cái thế giới người ta ví một ngày tù bằng thiên thu tại ngoại. Mừng cho ông thay đổi số phận, giờ phút này tôi thấy mừng cho gia đình ông.Tôi gọi thời khắc này là khoảnh khắc không tưởng. Có thể về sau không còn thì thầm to nhỏ với nhau nữa nhưng ký ức về ông vẫn bên tôi” - Thơ của bạn tù Đỗ Văn Toản tặng ông Chấn

Thật may là trong những năm tháng tù đầy, ông Chấn vẫn có bạn, thậm chí tìm được tri kỷ để chia sẻ, tâm sự và cũng là động lực để vượt qua sực bức bối của bản thân, để không đánh mất niềm tin vào công lý.

Người bạn mà ông nhớ nhất là Đỗ Văn Toản – bóc lịch cũng vì án giết người. Nhưng cái tội giết người của Toản, theo cách kể của ông Chấn là “tội giết người của ông ý buồn cười lắm”. Trong làng mâu thuẫn thế nào đó, ông đem mìn ra ốp vào mộ người đã khuất rồi cho nổ, bị kêu án 23 năm. Trong phòng giam, có người giấu được cái đài nhỏ bằng bao thuốc lá, nghe kể chuyện pháp luật đêm khuya cũng từng nhắc đến vụ việc mà  ông Toản tham gia.

10 năm ngồi tù, 2 lần tự sát, nhận biệt danh “Chấn kêu oan” - 4

Ông Chấn ngồi đọc lại bức thư với bài thơ “Khoảnh khắc không tưởng” của người bạn tù Đỗ Văn Toản - tức Trâu Trắng. (Ảnh: Đàm Duy)

Ông Toản người tầm thước cũng như ông Chấn, cũng tuổi Sửu (1961), bằng ông Chấn. “Người ta bảo tuổi trâu thì vất vả, mình lại là Trâu Trắng nữa, nên càng mạt…” – ông Toản thường đùa như vậy. Từ ngày quen biết nhau, gần như đi đâu cặp đôi Chấn – Toản cũng dính lấy nhau. Trừ lúc làm việc theo sự phân công của cán bộ trại giam, còn lại lúc nghỉ giải lao, lúc ăn, lúc trò chuyện, lúc ngủ ông Chấn đều tìm đến Toản và ngược lại.

Ông Chấn kể chuyện oan khuất của mình, bạn ông chỉ thở dài rồi bảo giờ than vãn cũng chẳng làm được gì. Ông Toản thường khuyên bạn kiên trì, tiếp tục làm đơn kêu oan gửi đến các cơ quan chức năng. Rồi hai ông nhiều đêm không ngủ để hình thành những lá đơn kêu cứu khẩn cấp. Ông Toàn học không cao nhưng văn vẻ rất được. Rất nhiều lá đơn ông Chấn gửi ra ngoài là do ông Toản hướng dẫn viết. Một năm, hai năm chưa thấy phản hồi ông Toản lại tiếp tục động viên bạn đừng nản.

Toản nhận với ông vào tù đúng tội, chả có oan khuất gì ở đây cả. Nhưng cảnh tù tội đã khiến ông Toản phải trả giá rất nhiều. Ông Chấn bảo: “Mình vào tù, vợ con mình ở ngoài khổ sở, vất vả đi kêu oan nhưng vẫn còn giữ được gia đình. Còn nó, vợ bệnh rồi mất, để lại bốn đứa con gái. Thụ án còn hơn chục năm nữa, mà chẳng biết có về được không. Vừa rồi nghe tin nó phải vào viện vì phát hiện ung thư”.

Ngày đón tin ông Chấn được tự do, được về nhà, ông Toản mừng cho bạn nhưng buồn ra mặt: “Ông về, tôi chán”. Người sắp được tự do Nguyễn Thanh Chấn hỏi lại: “Thế ông muốn tôi ở đây nữa hả?”. Bạn ông chỉ thở dài.

Rồi, nghĩ thế nào, hai ông già đã đến tuổi ông ngoại, ông nội lại thách đố nhau như những “trẻ trâu” đang tuổi ăn, tuổi lớn. Toản thách bạn lên xà đơn được ba lần thì thích gì cho nấy. Thích gì nhỉ, ông Chấn nghĩ, ở trong trại thì thích nhất thuốc lào với mì tôm. Thuốc lào nhiều lúc hai thằng có một sợi cũng chia đôi. Còn mì tôm, ở trong trại như một vật ngang giá chung, có mì tôm có thể đổi được nhiều thứ khác.

“Nhưng giờ sắp về nhà, thiếu gì mì tôm với thuốc lào, lấy gì của bạn bây giờ?” - ông Chấn đắn đo. Nhưng muốn lấy được gì đó, phải thực hiện được lời thách đố đã. Với lên xà đơn, ông Chấn mắm môi mắm lợi, gân người hết sức và lên được... một lần rưỡi! Vậy là thua cuộc, ông Chấn kết luận sau cuộc thách đố: “Người yếu thế chứ”.

Đêm hôm ấy, Toản ngồi viết bài thơ “Khoảnh khắc không tưởng”. Ông Chấn gọi đấy là bài thơ, nhưng thật ra là vừa thơ, vừa văn xuôi kết hợp: “Ông phải sống hơn mười năm với cái thế giới người ta ví một ngày tù bằng thiên thu tại ngoại. Mừng cho ông thay đổi số phận, giờ phút này tôi thấy mừng cho gia đình ông. Tôi gọi thời khắc này là khoảnh khắc không tưởng. Có thể về sau không còn thì thầm to nhỏ với nhau nữa nhưng ký ức về ông vẫn ở bên tôi” - bạn ông viết. Đọc xong, ông Chấn bảo bạn: “Thôi, tôi chả cần gì nữa, chỉ cần như thế này là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ cần ngồi hồi tưởng lại những lần viết đơn kêu cứu khẩn cấp, nhớ “Khoảnh khắc không tưởng” là tốt lắm rồi”.

Bây giờ gần như khách nào đến chơi nhà, ông Chấn cũng đem bài thơ viết trên một mảnh giấy học sinh nhàu nát ra khoe, rồi tự mình đọc to cho khách thưởng thức. Với ông Chấn, đó cũng là món quà quý nhất ông nhận được trong trại tù trước khi trở về nhà, trở lại với cuộc đời tự do.

10 năm ngồi tù, 2 lần tự sát, nhận biệt danh “Chấn kêu oan” - 5

10 năm ngồi tù, 2 lần tự sát, nhận biệt danh “Chấn kêu oan” - 6

 2 tấm thẻ (bùa) được ông Chấn mang bên mình không rời suốt những tháng năm trong tù. (Ảnh: Đàm Duy)

Hai lá bùa "bất ly thân"

Kỷ vật của người tù chẳng nhiều nhặn gì, nhưng có một vật mà ông Chấn đặc biệt quý. Đó là hai lá bùa mà ông Hoạt xin một bà đồng ở Bắc Giang giấu mang lên trại cho ông. Ông rút trong ví ra cho chúng tôi xem hai lá bùa, bé bằng bao diêm, nhàu nát nhiều qua thời gian dù đã được ép plastic. Một lá mặt trước đề 3 chữ Nôm loằng ngoằng, mặt sau đề chữ “Chấn 43”. Lá thứ hai màu vàng, đề 3 chữ Hồ Chí Minh. Ông Chấn bảo 2 lá bùa này đã ở bên ông suốt hơn 10 năm, không lúc nào rời, chúng phù hộ cho ông vượt qua những lúc ốm đau, giúp ông giữ mình đừng tha hóa thành kẻ xấu, và đừng đánh mất niềm tin vào một ngày sẽ được minh oan...

Theo Lưu Quang Định - Vinh Hải - Lương Kết (Dòng đời)
Nguồn:

Tin liên quan