Cứ mỗi lần dư ra được chút đỉnh tiền anh lại đi “lùng” mua những chiếc xe đạp cũ về tân trang thành những chiếc xe đạp như mới dành tặng cho học trò nghèo.
Dấn thân vì học trò nghèo
Anh là Lê Văn Thái (40 tuổi, ngụ số 276 Hồng Lạc, P. 11, Q. Tân Bình, TP.HCM) đã có 25 năm gắn bó với nghề sửa xe. Anh cũng có ngót nghét 10 năm làm công việc từ thiện là dành tặng những chiếc xe đạp do mình tự tay sửa chữa, tân trang cho người nghèo.
Những chiếc xe đạp dù giá trị vật chất không lớn nhưng nó như tiếp thêm nghị lực cho nhiều em học sinh nghèo trên hành trình tìm con chữ (Anh Thái tặng xe cho học sinh nghèo tại trường THCS Âu Lạc, Q. Tân Bình)
Căn nhà thuê nhỏ của anh nhỏ đến mức không có chỗ để những chiếc xe đạp cũ anh mua về. Vậy là toàn bộ những chiếc xe đạp đó được anh gửi lại tại một gian phòng của một tổ chức từ thiện ngay bên cạnh nhà mình. Ngày ngày, vào những lúc không có khách sửa xe máy, anh đi khắp nơi tìm mua những chiếc xe đạp cũ ấy gom về.
Dưới bàn tay của một người thợ sửa xe lành nghề, những chiếc xe đạp cũ được anh “biến” thành những chiếc xe như mới, chắc chắn, xinh xắn. “Mình chỉ mua lại những chiếc xe cũ để lấy phần khung sườn xe thôi, khung sườn xe tốt thì mình cạo sơn rồi phun lớp sơn mới. Còn phụ tùng thì mình tìm mua ở các chợ rồi về lắp ráp vào xe”- Anh Thái kể.
Bằng chất giọng Quảng Ngãi, anh Thái tâm sự rằng thuở nhỏ gia đình quá nghèo nên đối với anh việc có một chiếc xe đạp đến trường chỉ là mơ ước. Nhìn chúng bạn tung tăng trên những chiếc xe đạp sáng choang mà anh chạnh lòng. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, trường ở quá xa nên việc học của anh bị đứt gánh giữa đường. Anh khăn gói vào miền Nam lập nghiệp và đến với nghề sửa chữa xe máy.
Khi đã tạo dựng cho mình một sự nghiệp, có của ăn của để anh nhớ lại ước mơ năm xưa của mình. “Giờ mình không còn phải lo ăn, lo mặc nữa nên việc chia sẻ với các em nhỏ để các em không bị đứt gánh việc học giữa chừng là việc mình nên làm lắm chứ, cho các em rút ngắn quãng đường đến trường.”
Anh kể, dạo mới đầu mua xe cũ anh bị “hớ” không ít lần vì nhiều người bán ve chai thấy mặt anh “khờ khờ” nên cứ “hét” giá trên trời mà anh không hề hay biết. Rồi khi đã quen mặt anh mấy chị ve chai lại thấy “thương thương” anh thợ sửa xe khi nghe biết là anh mua xe không phải cho mình mà để cho nhiều người nghèo. Vậy là các chị ve chai như muốn “chuộc lỗi” vừa bán vừa cho anh.
Rồi anh góp nhặt từng chiếc phụ tùng từ yên xe, ghi đông, bàn đạp, dây xích đến từng cây bu lông ốc vít... ráp thành những chiếc xe hoàn chỉnh.
Hơn 10 năm sửa xe đạp tặng cho người nghèo anh không nhớ mình đã tặng bao nhiêu chiếc xe. Chỉ biết rằng, cuốn album ảnh mà mỗi lần anh trao tặng cứ dày thêm bởi những bức ảnh lưu niệm ngày một nhiều.
Tấm lòng của anh được duy trì bền bỉ suốt 10 năm nay không thể không kể đến sự ủng hộ rât lớn từ người vợ hiền hậu. Kể về chồng, chị Phan Thị Tơ rưng rưng: “Suốt 25 năm làm nghề sửa xe ngày khách đông, ngày vắng khách nhưng chưa thấy khi nào ảnh nghỉ ngơi. Cứ vắng khách là anh lại đi tìm mua xe cũ. Có đêm anh chong đèn đến khuya lắp ráp xe để mai còn kịp tặng cho học trò kịp vào năm học mới”.
Đối với anh khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong suốt 10 năm lắp xe đạp tặng người nghèo đó là những lúc trao xe đạp. Nhìn những ánh mắt háo hức, nụ cười hạnh phúc khi được nhận xe từ chính tay anh trao tặng cũng là lúc anh hòa chung niềm vui với những em học sinh nghèo.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ủy viên BCH chi hội từ thiện bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông cho biết: “Một người giàu làm từ thiện sẽ luôn dễ dàng hơn so với những người nghèo. Vậy mà anh Thái suốt 10 năm trời dù phải ở nhà trọ, sống tiện tặn qua ngày mà lại có một tấm lòng chia sẻ cùng người nghèo thật đáng trân trọng”.