Mỗi tháng, chị lại đi bốc thuốc nam cho Hậu uống. Điều này đồng nghĩa, chị bất lực nhìn con chờ ngày lìa trần. Chị xót xa, không ngăn nổi nước mắt mỗi khi con đau quằn quại.
Nhiều năm qua, trong những cuộc trò chuyện, người dân thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu vẫn thường nhắc về hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Trần Thị Ngôn (51 tuổi) ở ấp 4. Chúng tôi bất ngờ khi người dân chỉ vào gầm cầu Liên Doanh và bảo: “Đó là nhà của mẹ con chị Ngôn”.
Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là một vài mảnh tôn nhỏ, lá dừa làm tường, còn mái là nền bê tông của chiếc cầu. Bên trong, chẳng có thứ gì đáng giá trị… Chị Ngôn ngần ngại khi có người lạ đến hỏi thăm. Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình, người phụ nữ này không khỏi rơi nước mắt.
Em Hậu cùng mẹ rất lo lắng về căn bệnh u gan ác tính
Chị Ngôn kể, hai vợ chồng sinh hạ được sáu đứa con trai. Trước đây, để có tiền nuôi con, hai vợ chồng làm thuê, làm mướn ở ngôi chợ nhỏ cách đó không xa. Chị cắt đầu cá, đầu tôm… Chồng bốc vác. Dù quần quật suốt ngày, không nề hà công việc nặng nhọc nhưng anh chị vẫn không thể lo đủ ngày hai bữa cho đàn con nheo nhóc. Đối với gia đình chị, một ngày no bụng cũng là niềm vui.
Ba đứa con lớn của chị lần lượt lập gia đình. “Nói là cưới vợ nhưng tôi không lo được đám cưới của đứa nào hết. Gia đình quá khó khăn, tôi cũng không dám rước đứa con dâu nào về nhà. Thay vào đó, cả ba đứa đều đi ở rể. Nhiều khi nghĩ, tôi cũng buồn. Nhưng, với hoàn cảnh thế này, các cháu có vợ là mừng lắm rồi”, chị nói.
Vài năm trước, chồng chị bị bệnh, không có tiền chữa nên đã qua đời. Từ đó, một mình chị gánh gồng nuôi ba đứa con còn lại. Hai năm trước, đứa kế út lên tỉnh Đồng Nai làm công nhân.
Chị cứ ngỡ cuộc sống của mình đỡ vất vả, nhưng bỗng dưng, đứa con thứ tư là Lâm Phúc Hậu (23 tuổi) bị ốm, thường đau bụng dữ dội. Không có tiền, chị đưa con đến thầy thuốc khám rồi bốc thuốc nam miễn phí về uống. Tình trạng bệnh của Hậu ngày càng nặng, chị vay mượn đưa đến bệnh viện tỉnh khám.
Bác sĩ chẩn đoán, gan của Hậu có vấn đề và đề nghị lên TP HCM khám để có kết quả chính xác. Chị mang con về, lòng quặn thắt nhưng không biết phải làm sao. Chị tâm sự với hàng xóm. Mọi người thương tình, gom góp được vài trăm nghìn để Hậu lên TP HCM khám. Tại đây, bác sĩ cho biết, Hậu bị bệnh u gan ác tính giai đoạn 3.
“Hôm đó, bác sĩ bảo, đây là bệnh nguy hiểm, nếu không mổ thì sẽ chết. Chi phí cho ca mổ lên đến cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, gia đình tôi, cái ăn cũng không có thì nói gì chừng ấy tiền. Tôi lủi thủi, lau nước mắt đưa thằng bé về quê. Từ đó đến nay, nó chưa được khám lại lần nào”, chị rấm rứt khóc.
Mỗi tháng, chị lại đi bốc thuốc nam cho Hậu uống. Điều này đồng nghĩa, chị bất lực nhìn con chờ ngày lìa trần. Chị xót xa, không ngăn nổi nước mắt mỗi khi con đau quằn quại.
Từ khi Hậu đau, chị chuyển sang bán chuối chiên. Nếu ngày nào khách đông, chị kiếm được từ 40.000 đến 50.000 đồng. Chị dùng số tiền này để mua gạo và thức ăn. Hôm nào ế, cả nhà lại dùng số bánh ấy thay cơm.
Ngồi phía sau lưng mẹ, Hậu chậm rãi cho biết, em không được đi học. Trước đây, em đi làm thuê, làm mướn, kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi hai em. Từ khi bị đau đến nay, sức khỏe giảm sút, em không làm được gì.
Bây giờ, hôm nào đau, em lại nằm gắng gượng. Dù rất đau đớn nhưng em cũng không dám khóc vì sợ mẹ buồn. Hôm nào đỡ đau, em lại rửa chén bát, dọn dẹp, giúp mẹ chiên chuối bán.
Chị Hậu hy vọng có phép màu đến với con trai
Hậu bảo, tuổi em còn rất trẻ, sợ nhất là nước mắt của mẹ. Nhiều khi, nằm trên giường, vật vã với cơn đau, em nghĩ về cái chết. Em sợ phải từ bỏ cuộc đời nhưng lắm lúc cũng cho rằng: “Phải chi mình chết sớm thì sẽ không trở thành gánh nặng của mẹ, sẽ không còn khiến mẹ phải lo nghĩ, đau buồn”.
“Ngoài bệnh tình, em cũng rất lo cho đứa em út. Năm này, nó đến tuổi vào lớp 1. Tuy nhiên, với hoàn cảnh thế này, mẹ làm sao kham nổi việc học. Em sợ, không được học hành đến nơi đến chốn thì nó cũng sẽ khổ như cha mẹ và các anh”, Hậu lau vội dòng nước mắt.
Tạm biệt mẹ con Hậu ra về, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn về câu nói của chị Ngôn trước khi chia tay: “Tôi chỉ có một ước mơ duy nhất là Hậu được chữa khỏi bệnh. Nhưng, điều ước ấy xa xôi quá! Có lẽ, chỉ có phép màu mới làm được điều ấy”.
Đại diện ấp 4 (thị trấn Gành Hào) cho biết, gia đình của chị Ngôn là một trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của địa phương. Nhiều năm liền, gia đình chị sống ở dưới gầm cầu. Cách đây vài năm, chính quyền cấp cho chị một miếng đất, bà con hàng xóm gom góp cho chị cất một căn nhà. Tuy nhiên, đến nay, mọi sinh hoạt, kiếm sống, gia đình vẫn dựa vào gầm cầu. Riêng cháu Hậu bị bệnh nặng, không có tiền chữa trị và có thể nguy hiểm đến tính mạng. |