Tính đến ngày 11/11, bão số 12 và mưa lũ đã làm 104 người chết, 19 người mất tích. Tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vẫn đang bị ngập.
Theo báo cáo, đến hết ngày 10/11, bão 12 và mưa lũ đã làm 104 người người chết, tăng 04 người so với báo cáo nhanh ngày 09/11 ( trong đó Quảng Trị 1 người; T.T.Huế 11 người; Quảng Nam19 người; Quảng Ngãi 6 người; Bình Định 17 người; Phú Yên 1 người; Khánh Hòa 44 người; Lâm Đồng 3 người; Kon Tum 1 người; Đắk Lắk 1 người) và 19 người mất tích.
Ngoài ra có 3.483 nhà sập đổ; 137.836 nhà tốc mái, hư hỏng; hàng chục nghìn hec ta rau màu, lúa bị ngập…
Ảnh minh họa
Hiện nay, tại Quảng Trị nước cơ bản đã rút hết, chỉ còn 04 hộ dân bị ngập từ 0,2-0,3m (xóm Càng, thôn Trung Đơn, xã Hải Thành) và một số tuyến đường giao thông ở vùng thấp trũng ở Hải Lăng vẫn còn bị ngập nhẹ do nước vẫn chưa thoát được.
Thừa Thiên Huế: Tại các vùng thấp trũng nước lũ vẫn chưa rút, toàn tỉnh còn khoảng 7.200 nhà vẫn đang bị ngập từ 0,1-0,3m.
Ngày 10/11, mực nước các sông ở Quảng Nam tiếp tục dao động theo điều tiết của hồ thủy điện; các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục xuống. Mực nước trên các sông ở mức BĐ1 đến BĐ2.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum một số nơi hiện vẫn đang bị ngập, sạt lở sẽ khôi phục cấp điện hoàn toàn khi lũ rút.
Tại Km 1226+780 – Km 1226+825 tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh xảy ra sự cố chưa thông tuyến, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương khắc phục sự cố. đảm bảo thông tuyến vào ngày 15/11/2017.
Về điện, hôm nay sẽ dốc toàn lực khắc phục sự cố điện ở Phú Yên; Khánh Hòa đã khắc phục được 91%, nhiều nơi chưa khắc phục được do đang bị ngập.
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai- Trần Quang Hoài cho biết, vừa qua cơn bão số 10, 12 đã gây ra thiệt hại rất nặng nề nên khả năng ứng phó với bão 13 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông đề nghị Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cần nhận định sớm diễn biến của bão, thường xuyên cung cấp bản tin cho cơ quan phòng chống thiên tai Trung ương, địa phương, bộ ngành để có biện pháp đối phó phù hợp.
“Sáng nay chúng tôi cũng đang băn khoăn, tàu thuyền đang xuống phía Nam cơn bão để tránh bão nhưng các đài dự báo lại có áp thấp mới nên phải làm sao để có dự báo dài hạn hơn để đảm bảo an toàn. Hơn nữa các hồ chứa đã đầy nước, dự báo sẽ quyết định vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện như thế nào”, ông Hoài nói.
Đề nghị các lực lượng khẩn trương kêu gọi 96 tàu thuyền, còn những tàu thuyền nhỏ trên khu vực ven biển cần thông báo ngay cho ngư dân, tránh tình trạng chủ quan. Mặc dù diễn biến cơn bão có đỡ sức ép hơn nhưng cần tránh tổn thất tại khu neo đậu tàu thuyền như cơn bão số 12 vừa qua.
Ông Hoài cũng cho biết, hiện nay các hồ chứa đã đầy, xuất hiện một số hồ xung yếu nên lượng mưa 100- 200mm cũng có thể gây ra tình huống nguy hiểm. Đặc biệt vùng thấp trũng hiện nay vẫn đang ngập lụt, vùng núi có thể sạt trượt.
Ông đề nghị các đơn vị cần triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp, khẩn trương khắc phục sự cố các hồ chứa.
Bộ Công Thương, EVN có chương trình đảm bảo an toàn công trình điện, tránh tình trạng mất điện, khó khăn cho việc ứng phó.
Bên cạnh đó không để tư thương lợi dụng đầu cơ trục lợi với khó khăn của người dân, nhất là các mặt hàng thực phẩm, vật liệu xây dựng.
Đối với công tác trục vớt 8 tàu chìm ở Bình Định, tránh để xảy ra ô nhiễm môi trường, tràn dầu.