Họ, những người mẹ, người chị, người vợ đã vĩnh viễn mất đi người thân ngay trong chính ngày dành cho mình, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, còn đau đớn nào bằng!
Ngày 20/10, TP.Đông Hà (Quảng Trị) gió ào ào thổi, trời mưa nặng hạt mỗi lúc một mau hơn và dày hơn. Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày mà những người phụ nữ Việt được hưởng trọn vẹn sự biết ơn và tình yêu thương bên cạnh người thân. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn có được ngày 20/10 trọn vẹn như thế…
1h sáng 18/10, quả núi tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bất ngờ sạt lở, 5 người được cứu ra ngoài, 22 người bị vùi lấp, trong đó có 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ.
Sau hơn 30 giờ nỗ lực tìm kiếm, thi thể các chiến sỹ bị nạn lần lượt được đưa về trong sự bàng hoàng của gia đình, người dân Quảng Trị. Những tiếng gọi xé lòng, những tiếng nấc đan xen, đôi mắt trũng sâu đỏ hoe ầng ậc nước…. Chỉ trong một đêm, họ bỗng chốc mất đi người thân.
Đối với những người mẹ, người chị, người vợ, năm nay, là ngày Phụ nữ Việt Nam đau thương…
Chiều 19/10, từng chiếc xe cứu thương lần lượt đưa tất cả thi thể chiến sỹ bị nạn đến Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị.
Phía bên trong lán trại dựng lên để thân nhân các chiến sĩ tạm trú, không khí ảm đạm bao quanh bởi những tiếng khóc nghẹn, đau buồn. Chỉ sau một đêm, người thân của các chị đã ra đi mãi.
Ngồi bệt bên góc đường chờ tin con, hai dòng lệ bà Lương Thị Lý (tỉnh Quảng Trị), mẹ chiến sĩ Lê Thế Linh (SN 1995) chảy dài. Nấc nghẹn, bà Lý kể, anh Linh là con thứ 3 trong gia đình bốn anh em. Khoảng 21h tối 17/10 cách vài tiếng xảy ra sự việc, ở Quảng Trị mưa lớn, Linh gọi điện thoại về nói chuyện với bà hơn 1h.“Cu Linh nó nói chuyện với tui xong nhờ chuyển máy gặp hết những người còn lại trong nhà dặn dò đủ thứ. Nói chuyện với mọi người xong con bảo tôi cho con đi ngủ, sợ con lạnh tôi nhắc con mặc áo vào. Lúc chuẩn bị tắt máy, nó còn nói mẹ ơi, mưa gió đừng cho em gái ra đường. Trời ơi tôi không ngờ đó là lần cuối thằng Linh nó gọi về với tôi...”, bà Lý òa khóc.
Đau đớn chịu cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, bà Phan Thị Quý, mẹ trung úy Lê Cao Cường khóc lớn: “Trời ơi! Con tôi đâu rồi. Cháu tôi còn nhỏ mà, nó cứ hỏi ba đâu, ba đâu? Ba của nó đâu rồi? Trả lại cho tôi”.
Chị Nguyễn Thị Giao Linh, vợ thiếu tá Phạm Ngọc Quyết xiết chặt con gái vào lòng thủ thỉ chữ được chữ mất.
Ngón tay run rẩy lục lại dòng tin nhắn mà người chồng gửi trước khi gặp nạn. Chị Linh bảo, ngày nào anh cũng gọi điện, nhắn tin hỏi thăm vợ con, chị cũng thường dặn anh giữ gìn sức khỏe và yên tâm công tác tốt, ở nhà hai mẹ con vẫn ổn. "Trước giờ gặp nạn, anh ấy vẫn còn nhắn tin cho tôi nói là trên này đang mưa to lắm. Anh ấy dặn dò mẹ con tôi ở nhà đề phòng nước lũ vô, nếu có chuyện gì phải điện báo anh ngay... Vậy mà, giờ anh đã bỏ mẹ con tôi đi rồi!", chị Linh nghẹn giọng.
Chị Trần Thị Nhung, vợ thượng úy Trần Quốc Dũng (quê Hà Tĩnh). Họ cưới nhau được 8 năm và hiện đã có 2 người con 7 tuổi và 3 tuổi. Chị Nhung đang là giáo viên tại một trường tiểu học ở Hà Tĩnh, còn anh Dũng vào công tác tại Sư đoàn 337 từ năm 2011 đến nay. Chị Nhung cho biết, ngày mai là 20/10, cũng là sinh nhật của mình. Cách đây 3 ngày, anh Dũng hứa là sẽ về thăm nhà và chụp tấm ảnh chung cùng gia đình vì kể từ ngày cưới, nhà chị chưa có tấm ảnh nào. Anh còn hứa, Tết năm nay sẽ mời các anh em trong đơn vị về nhà chơi. Ấy thế mà, hôm nay anh lại cùng đồng đội trở về trên những chiếc xe cứu thương chở những nỗi đau tột cùng.
Họ, những người mẹ, người chị, người vợ đã vĩnh viễn mất đi người thân ngay trong chính ngày dành cho mình, ngày Phụ nữ Việt Nam, còn đau đớn nào bằng!