ít ai ngờ rằng đằng sau bỏ bọc thường xuyên đi làm từ thiện của các đại gia này lại là những hành vi vi phạm pháp luật.
Đại gia Trầm Bê
Ông Trầm Bê (SN 1959, quê Trà Vinh) sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh em. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh từ năm 1991.
Sau 10 năm làm trong ngành gỗ, năm 2001, ông Trầm Bê bắt đầu tiến quân vào ngành bất động sản bằng việc đầu tư vào Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị. Công ty này đã phất lên nhanh chóng do bất động sản thời điểm ấy nở rộ.
Vào kỳ khủng hoảng kinh tế (2009-2010), nhiều công ty bất động sản rơi vào bế tắc, phá sản, nhiều đại gia lâm cảnh khốn khó, nợ nần thì công ty của vị đại gia này vẫn tăng trưởng doanh thu 66% và lợi nhuận 36%.
Đại gia Trầm Bê.
Bên cạnh việc nổi tiếng trên thương trường, ông Trầm Bê còn biết đến nhờ việc làm từ thiện, xây trường học, chùa và những công trình lợi ích công cộng. Tuy vậy trong quá trình làm từ thiện, có vụ lùm xùm khiến dư luận chỉ trích. Đó là khi ông xây ngôi chùa nổi tiếng tại quê nhà Trà Vinh, nhưng cổng chùa lại mang tên ông và hình ảnh gia đình ông tràn ngập ngôi chùa này.
Dẫu vậy có lẽ "sóng gió" lớn nhất trong cuộc đời đại gia Trầm Bê đã đến vào ngày 1/8/2017 khi ông bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giữ vì liên quan đến “đại án” Phạm Công Danh – Ngân hàng TMCP Xây Dựng VN – VNCB và điều tra một số hành vi khác gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
Trong “đại án" này, ông Trầm Bê cùng với Phạm Công Danh, Phan Huy Khang bị cáo buộc đã thống nhất để Sacombank cho Phạm Công Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của Ngân hàng VNCB.
Việc vay tiền được ông Danh thực hiện thông qua việc để tên các công ty đứng tên vay, nhưng khi đến hạn hợp đồng tín dụng các công ty không trả được, Sacombank đã tự động thu 1.835,8 tỷ đồng (cả gốc và lãi) từ tiền gửi của Ngân hàng VNCB để thu hồi nợ. Do các công ty không có tài sản đảm bảo nên không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay cho các công ty, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 1.835 tỷ.
Ngày 6/8/2018, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Trầm Bê 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.Khi đang chấp hành bản án 4 năm tù trong “đại án” Phạm Công Danh, ông Trầm Bê tiếp tục bị truy tố do tiếp tay cho “siêu lừa” Dương Thanh Cường khiến Ngân hàng Phương Nam mất hơn 330 tỷ.
Ông Phan Văn Anh Vũ
Phan Văn Anh Vũ (SN 1975, thường gọi là Vũ "nhôm" là doanh nhân làm chủ nhiều công ty lớn về bất động sản. Từ nhiều năm, ông Vũ đã thực hiện hàng loạt dự án nhà đất lớn trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Nhưng trước khi bị khởi tố hành vi làm lộ bí mật nhà nước, số lần ông Vũ “nhôm” xuất hiện công khai rất ít.
Phần lớn những lần ông xuất hiện đều liên quan đến công tác tài trợ và từ thiện như đại diện cho công ty tặng 2 máy thở trị giá hơn 1,5 tỷ đồng cho Bệnh viện Đà Nẵng; đóng góp với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm cho các chương trình "Xuân yêu thương" của TP.Đà Nẵng; tài trợ 2 tỷ đồng để cứu trợ người dân tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 10 tháng 9/2017; trao tặng 54 xe mô tô phân khối lớn trị giá hơn 4 tỷ đồng cho công an TP.Đà Nẵng để tăng cường công tác tuần tra, phòng chống tội phạm....
Phan Văn Anh Vũ hiện đang thụ án.
Tấm vỏ bọc của Vũ "nhôm" sớm bị lột trần khi cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố những vụ án của vị "đại gia, nhà từ thiện". Vũ "nhôm" là bị can chính trong 3 vụ án đình đám gồm: Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạn tài sản.
3 lần liên tiếp và lần cuối cùng vào tháng 1/2020, Vũ "nhôm" đứng trước vành móng ngựa trong những phiên tòa xét xử mình. Vị đại gia một thời cúi đầu, thừa nhận những hành vi phạm pháp của mình. Tổng cộng 30 năm tù đã được Tòa tuyên phạt dành cho Phan Văn Anh Vũ.
Nữ doanh nhân Đường Dương
Đại gia Đường Dương tên thật là Nguyễn Thị Dương (SN 1980, quê Thái Bình) – Giám đốc Công ty bất động sản Đường Dương.. Trên thương trường, bà Dương là một người khá nổi tiếng với tài kinh doanh bất động sản, tài chính tín dụng…
Ngoài giỏi kinh doanh và sở hữu khối tài sản khủng, bà Dương còn được biết đến với những chuyến từ thiện lên đến hàng tỉ đồng. Tính đến nay, vợ chồng bà Dương đã giúp xây dựng 7 căn nhà tình nghĩa và bảo hộ chi phí sinh hoạt hàng tháng cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Vị đại gia này và chồng từng nổi tiếng với thói ăn chơi sa đoạ, "vung tiền" trong các buổi tiệc sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới.
Nữ đại gia Đường Dương.
Ngày 8/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Dương về hành vi Cố ý gây thương tích. Sau đó, chồng của nữ đại gia này cũng bị khởi tố, bắt giam về hành vi Cố ý gây thương tích cùng hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật khác.
Sau khi bị bắt, những tội ác, lùm xùm liên quan đến vợ chồng nữ đại gia Đường Dương đều được lôi ra, xới lại. Hình ảnh đẹp đẽ mà họ tạo ra trước nay đã biến mất, thay vào đó là những hình ảnh như một tên xã hội đen chính hiệu.
Nhìn nhận về vỏ bọc này của vợ chồng Đường Dương, Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an cho biết, tình trạng này đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay.
Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích, hầu hết các băng ổ nhóm tội phạm, trước khi bị triệt phá, đều rất nổi tiếng về các hoạt động từ thiện, nhân đạo, mạnh tay tài trợ cho các cuộc quyên góp ủng hộ vì cộng đồng.