Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát khi 19 ngày không có ca nhiễm mới, TP HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ngừng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, chỉ thực hiện Chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 23-4.
TP HCM đề xuất ngừng cách ly xã hội từ 0 giờ ngày 23-4
Chiều 22-4, tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến chiều cùng ngày, TP chỉ còn 2 ca Covid-19 đang điều trị.
TP HCM đã trả qua 22 ngày cách ly xã hội, trong đó 19 ngày liên tiếp không có ca Covid-19 mới. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới trên địa bàn.
Tuy đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch nhưng Chủ tịch UBND TP HCM cho biết TP cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng đối với vấn đề phát triển kinh tế.
Để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định trong điều kiện bình thường mới, TP HCM đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách vực dậy nền kinh tế khi tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố có dấu hiệu tốt hơn nhằm nới lỏng từng bước nhưng phải thận trọng, không chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Cụ thể, đối với công tác dự phòng, phải kiên định trong việc chống dịch với 5 phương châm tại chỗ; cảnh giác cao, không chủ quan lơ là; tiếp tục giám sát các điểm có nguy cơ cao.
Ngoài ra, TP HCM cũng tăng cường đầu tư cho ngành y tế, nhất là ngành y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh từ nhân sự đến trang thiết bị chuyên môn và chế độ, chính sách. Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng đây là mặt trận quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế hiện nay.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, ngoài bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây lan tại doanh nghiệp đã triển khai từ ngày 6-4, TP tiếp tục triển khai 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh, gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Cụ thể: bộ chỉ số an toàn trong trường học; ngành văn hoá - thể thao, giao thông vận tải, công thương, du lịch, an toàn thực phẩm và bộ chỉ số an toàn trong lĩnh vực công cộng.
Các bộ chỉ số này sẽ được ban hành trước ngày 30-4, trong đó quy định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và chủ doanh nghiệp.
Ngoài chính sách chung của chính phủ, TP HCM cũng đang xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù để tiếp thêm động lực cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng các cơ chế chính sách chậm ngày nào, người dân và doanh nghiệp càng khó khăn ngày ấy.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho TP thực hiện theo Chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 23-4. Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh thực tế, TP sẽ có điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, TP HCM còn kiến nghị sớm tổ chức hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp để tháo dỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Nói về cách phòng chống dịch trong tình hình mới, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết sẽ áp dụng thận trọng, nới lỏng từng bước, đặc biệt là tổ chức thí điểm, sau đó mới triển khai nhân rộng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch đề ra.
Tại cuộc họp sáng nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đề xuất chỉ còn Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm bệnh, tiếp tục thực hiện cách ly xã hội thêm một tuần. TP HCM, Bắc Ninh và Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ (hạ một bậc), thực hiện theo Chỉ thị 15; các tỉnh, thành còn lại nằm trong nhóm nguy cơ thấp.
Đề nghị mở lại các đường bay nội địa từ 23/4
Cục Hàng không vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phương án khai thác các đường bay nội địa sau 23/4. Ngoài đường bay Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, các hãng được khai thác trở lại các đường bay nội địa khác với tần suất hạn chế.
Theo đó, cơ quan này đã kiến nghị Bộ GTVT kế hoạch tăng khai thác các đường bay nội địa giai đoạn từ ngày 23/4 đến ngày 30/4. Theo đó, đường bay TP.HCM - Hà Nội sẽ tăng khai thác lên 20 chuyến mỗi ngày.
Lượng chuyến bay này được Cục Hàng không đề xuất phân bổ theo mức 6 chuyến/ngày cho Vietnam Airlines, 6 chuyến/ngày cho Vietjet Air, 4 chuyến/ngày cho Bamboo Airways và 4 chuyến/ngày cho Jetstar Pacific Airlines, đơn vị thành viên của Vietnam Airlines.
Ngoài đường bay Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, các hãng được khai thác trở lại các đường bay nội địa khác với tần suất hạn chế.
Với đường bay Hà Nội, TP.HCM đi Đà Nẵng và ngược lại, Vietnam Airlines và Vietjet Air được phân bổ mỗi hãng 3 chuyến/đường bay/ngày. Bamboo Airways và Jetstar Pacific được phân bổ khai thác 2 chuyến/đường bay/ngày.
Cục Hàng không đề nghị các hãng được phép khai thác 1 chuyến/đường bay/ngày với các đường bay từ Hà Nội hoặc TP.HCM đi các địa phương khác. Riêng đường bay TP.HCM - Côn Đảo, mức này là 4 chuyến/ngày. Các đường bay giữa các địa phương khác được Cục đề xuất khai thác ở mức mỗi hãng 1 chuyến/ngày.
Cũng trong văn bản, Cục Hàng không cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục thực hiện các nội dung theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Các hãng hàng không phải duy trì triển khai và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch như kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay, yêu cầu khai báo sức khỏe trực tuyến trước chuyến bay, từ chối vận chuyển hành khách có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19, và bố trí chỗ ngồi giãn cách trên máy bay theo quy định.
Tổ bay gồm phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật... trên tất cả chuyến bay đều được trang bị đồ bảo hộ y tế.
Hành khách đi máy bay trong thời gian này được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay.
Đề xuất cho Hà Nội, TP.HCM mở các loại hình kinh doanh đường phố
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho biết thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ và kiến nghị mức độ áp dụng giãn cách xã hội tương ứng với từng nhóm.
Theo đó, đối với nhóm nguy cơ cao, chỉ còn Hà Nội, Ban chỉ đạo kiến nghị tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng thêm 1 tuần nữa đến hết 30/4.
Tuy nhiên, đề xuất Thủ tướng cho phép chủ tịch UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đề xuất cho Hà Nội, TP.HCM mở các loại hình kinh doanh đường phố.
Tương tự, đối với nhóm có nguy cơ gồm TP.HCM, Bắc Ninh và Bắc Giang, Ban chỉ đạo cũng đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh, thành quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp là các tỉnh thành còn lại, Ban chỉ đạo đề xuất cho các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định.
Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý. Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này.
UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ: công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung trong dự thảo Chỉ thị mà Thủ tướng sắp ban hành liên quan đến việc tập trung đông người và yêu cầu tiếp gần.
Theo đó, đối với nhóm nguy cơ cao vẫn giữ nguyên việc không tập trung quá 2 người, thực hiện giữ khoảng cách 2m và đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
Đối với nhóm có nguy cơ, hiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng dự kiến quy định về việc không tập trung quá 10 người, Ban chỉ đạo xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 20 người, khoảng cách tiếp xúc là 1m và khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.
Đối với nhóm nguy cơ thấp xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 30 người hoặc nhiều hơn, khoảng cách tiếp xúc là 1m khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang thay vì không tập trung quá 20 người như dự thảo trước đó.
Kiến nghị cho xe buýt, taxi từng bước hoạt động trở lại
Ngày 21/4, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội (HTA) đã gửi văn bản kiến nghị lên Thành ủy – Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan, kiến nghị giải tỏa từng bước việc cấm lưu thông các phương tiện vận tải.
Theo công văn số 07/2020/CV-HHVT của HTA, do ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch HTA cho biết, qua theo dõi kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cách ly xã hội, theo nguyện vọng của nhân dân, của các doanh nghiệp vận tải, nhằm chuẩn bị chiến lược phát triển sau khi dịch COVID-19 được khống chế và dập tắt, HTA kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép xe buýt nội đô hoạt động với tần suất hợp lý để phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên, người lao động.
Trong quá trình hoạt động bảo đảm tuân thủ các quy định về giãn cách chỗ ngồi, khử khuẩn, đo thân nhiệt…), cho phép các loại taxi có phù hiệu “Taxi Hà Nội” và xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động bình thường trong khu vực Hà Nội (không di chuyển sang địa phương khác và bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch); cho phép xe taxi tải và xe vận tải hàng hóa hoạt động bình thường (tránh địa bàn có ổ dịch đang phải cách ly).
Đối với xe khách tuyến cố định liên tỉnh, HTA đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội giao nhiệm vụ cho các bến xe nghiên cứu đề xuất số lượng phương tiện, tần suất và đăng ký theo khung giờ nhất định; bảm đảm việc vận chuyển hành khách đi lại giữa các địa phương sau khi khống chế dịch bệnh nhưng vẫn thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng dịch như khai báo y tế, đo thân nhiệt, giãn cách chỗ ngồi, khử khuẩn phương tiện...