Sau khi trúng độc đắc, những người này đã sử dụng tiền một cách đáng ngưỡng mộ: cảm ơn người bán vé số, giúp đỡ người nghèo...
Ai trên đời cũng mong được chạm tới vận may trúng độc đắc để hưởng giàu sang, phú quý. Và không ít người khi trở thành "tỷ phú" nhờ "lộc trời" đã lao vào các cuộc hưởng thụ theo đúng nghĩa đen: ăn chơi trác táng, vung tiền không tiếc tay... để rồi vài năm sau quay trở về cuộc sống nghèo khó.
Song cũng có người lĩnh hàng trăm/hàng tỷ đồng nhờ trúng độc đắc lại biết cách chi tiêu, đặc biệt giúp đỡ người nghèo hoặc tìm người bán vé số để hậu tạ, điển hình như 3 người sau đây:
Người đàn ông sau khi trúng số đã tìm gặp người bán vé số gửi tặng tiền
Đó là ông Trần Văn Xiêm (SN 1958, ngụ xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) - làm nghề thợ hồ. Ông may mắn được thần tài ban trúng 3 tờ vé độc đắc trị giá lên tới 3 tỷ đồng. Sau khi lĩnh thưởng, ông đã cùng con trai đến ngân hàng gửi hết tiết kiệm rồi người đầu tiên nhớ tới chính là chị bán vé số cho ông. Ông bảo người phụ nữ chừng 30 tuổi, tên Diên, thường “hành nghề” tại thị trấn Cai Lậy.
“Lúc mua vé số, tôi không nhìn rõ mặt người phụ nữ này. Khi ấy tôi đang nói chuyên với nhóm thợ hồ thì nghe giọng một người phụ nữ nói: “Còn mấy tờ vé số, bác mua giùm cháu đi”. Tôi kêu đưa bác coi rồi nó đưa cho tôi 4 tờ, trong đó có 3 tờ cùng số 021056, 1 tờ khác số. Tôi mua 3 tờ cùng số rồi trả tiền, chứ không để ý xem mặt mũi nó ra sao”, ông Xiêm nhớ lại.
Khi tìm thấy chị Diên, ông Xiêm hồ hởi và vui mừng khôn xiết vì đã có thể “đền ơn”. Song chuyện không thể ngờ đã xảy ra, người phụ nữ này kiên quyết không nhận tiền. “Tôi nói nếu cháu không lấy tiền thì bác sẽ xây cho cháu căn nhà khoảng 50 triệu đồng. Vậy mà nó cũng không đồng ý. Nó nói cũng chưa chắc gì cháu ở đó được nên không nhận. Sau đó nó gửi lời cảm ơn đến tôi và gia đình đã nhớ đến nó. Nó rất xúc động bởi bán vé số bao năm chưa từng được khách hàng quan tâm”, ông Xiêm tâm sự.
Ông Xiêm trúng độc đắc đã không quên ơn của chị bán vé số.
Dù chị Diên quyết không nhận tiền hậu tạ, ông Xiêm vẫn canh cánh trong lòng khi chưa thể đền ơn người mang lại vận may cho mình. Cuối cùng ông quyết định lập cho chị một sổ tiết kiệm ngân hàng 20 triệu đồng. Sau đó, ông mua đồ ăn mời cả xóm đến ăn mừng chia vui. Ông cũng mua hai cây vàng, chia cho người thân mỗi người một chỉ vàng để “lấy lộc”.
Với nhóm thợ hồ làm chung, người đàn ông Tiền Giang quyết định mua bảo hiểm tai nạn cho 15 người, mỗi suất bảo hiểm 220.000 đồng/năm. Việc làm của ông đã khiến bao người cảm phục và biết ơn bởi ở xứ miệt vượt này, chưa từng có ai cưu mang người nghèo khó như ông.
Dù trúng số bạc tỷ, ông Xiêm vẫn hàng ngày đi làm thợ hồ bình thường. Ông bộc bạch: “Người ta bảo tôi trúng số tiền tỷ rồi thì ở nhà hưởng thụ, rút tiền ngân hàng ra chi tiêu cho sướng thân chứ sống cực khổ làm chi? Tôi làm sao bỏ được công việc đã gắn bỏ gần cả cuộc đời”.
Trúng tiền tỷ, người phụ nữ ủng hộ người nghèo, tìm người bán vé số để tạ ơn
Chị Nguyễn Thị Vị (ngụ Xuân Lộc, Đồng Nai) vốn có cuộc sống ổn định bên chồng con. Chị thường dạy các con phải "đói cho sạch, rách cho thơm", tuyệt đối không được trộm cắp hay làm liều khi lâm vào cảnh cùng cực.
Chính phương pháp dạy dỗ con làm người như thế đã giúp cuộc đời chị bước sang một trang mới, trở thành tấm gương sáng cho bao người trong vùng noi theo. "Chị Vị là người phụ nữ mộc mạc và chân chất. Chị ấy sống rất... sạch, chưa bao giờ có điều tiếng gì với bất cứ ai.
Khi chị ấy trúng độc đắc 1.5 tỷ đồng, chúng tôi đều ngưỡng mộ rồi công nhận đó là ở hiền thì gặp lành, được trời thương. Đáng nói, chị có tiền vẫn giữ nguyên nếp sống thuở cơ hàn khiến bà con nể phục lắm", chị Hai Tư (40 tuổi) - một người hàng xóm của chị Vị cho hay.
Sau đó người phụ nữ từ từ kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình chị Vị "lên đời" nhờ trúng số. Hôm đó, chị đang ngồi ngoài bến xe có việc thì một ông cụ bán vé số lại gần mời mua. Ban đầu chị từ chối bởi chưa từng chơi trò đỏ đen này. Sau chị thấy ông cụ tội quá nên ủng hộ 2 tờ rồi về nhà đưa cho ông xã cầm chứ không hề bận tâm đến.
"Tối đó, anh Trương - chồng tôi có lịch trực ở cơ quan, tiện mang hai tấm vé ra dò xem sao? Anh ngỡ ngàng khi thấy một trong hai dãy số trùng với giải độc đắc liền gọi điện về thông báo. Lúc này tôi đang ngái ngủ, không tin là thật liền quở trách anh: "Trúng gì mà trúng, có mà trúng gió ấy". Tôi cúp máy và tiếp tục đi ngủ.
Chị Vị cũng đi tìm người bán vé số.
Chồng biết tôi không tin nên gọi điện lần nữa thông báo đó là sự thật, không phải chuyện đùa. Tôi tỉnh cả ngủ và cứ thao thức mãi không biết có sự nhầm lẫn ở đó hay không?", chị Vị từng tâm sự.
Anh Trương về đến nhà, chị Vị bắt anh dò đi dò lại, soi từng con số một. Khi chắc chắn trúng 100%, chị vỡ òa hạnh phúc, thầm cảm tạ ông lão đã giúp gia đình "đổi đời".
Lĩnh số tiền 1.5 tỷ đồng, vợ chồng chị Vị liền ủng hộ quỹ vì người nghèo các cấp, các hội phụ nữ, nông dân tập thể, hội chữ thập đỏ... Với bà con trong xóm, chị mua tặng mỗi gia đình 10kg gạo, một bịch bột ngọt kèm theo tiền mặt. Còn gia đình, chị biếu tặng cha mẹ, anh em một số tiền khá lớn...
Về phía ông lão bán vé số, vợ chồng chị nhiều lần ra bến xe tìm để gửi lời cảm ơn và biếu chút tiền nhưng đều không gặp. "Có người bảo tôi hồ đồ khi "tán lộc" nhiều như thế? Tôi lại nghĩ khác, mình có được may mắn thì cũng không nên giữ tất cả. Sau khi ủng hộ và giúp đỡ người khó khăn, biếu tặng gia đình, số tiền còn lại vẫn đủ để mua mảnh đất cho hai con sau này và gửi tiết kiệm. Tôi mừng vì mình được trời thương ban cho số tiền lớn đến thế", chị Vị trải lòng.
Người đàn ông trúng số đưa hết tiền cho vợ giữ và làm từ thiện
Ông Long (SN 1957) - làm nghề quét rác ở chợ Thủ Đức B (TP. Thủ Đức, TP.HCM) từng kể rất ít khi mua vé số bởi không mấy tin vào trò may rủi này. Vậy mà một buổi chiều tháng 8/2016, ông thấy người phụ nữ hay bán vé số ở chợ cầm tập vé dày cộm trên tay than bán không được. Ông đã thương tình mua giúp 23 tờ nhưng chỉ còn 100.000 đồng trong túi nên xin khất nợ 130.000 đồng.
Ông Long trúng số vẫn tiếp tục công việc ở chợ.
“Mua về, tôi để nguyên trong túi vì nghĩ làm sao có chuyện trúng số được. Bỗng chiều hôm sau, con bé chạy tới nói trúng 2.3 tỷ đồng. Tôi ngã ngửa không tin nhưng trong lòng sung sướng lắm. Chỉ đến khi so kết quả thấy trùng nhau, tôi mới an tâm rằng mình đã được đổi đời. Lúc ấy cả chợ vỗ tay chúc mừng”, ông Lông tâm sự.
Khi lĩnh tiền thưởng, người đàn ông chân chất dành hơn 30 triệu đồng để trả nợ và đưa toàn bộ cho vợ cất giữ. Sau đó gia đình ông trích một phần đi làm từ thiện ở một số chùa, trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Một phần giúp đỡ những người khác có hoàn cảnh khó khăn trong chợ. Đáng nói dù “đổi đời” nhờ trúng số nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ như mọi ngày.
“Tôi làm việc ở chợ Thủ Đức B hàng chục năm trời. Hằng ngày, từ 12 giờ khuya, tôi đến chợ quét rác và làm vệ sinh đến gần sáng. Sau đó tôi tiếp tục phụ chủ quầy trong chợ dọn hàng, đi lấy hàng và một số việc linh tinh đến 13 giờ 30 mới về nhà nghỉ ngơi để khuya lại tiếp tục công việc. Mỗi tháng, tiền lương được chủ trả khoảng 5 triệu đồng”, ông Long tâm sự.
Nhắc đến chuyện “chia tiền” cho nhiều người, ông Long cho biết: “Trúng số là lộc của trời cho nên mình trúng thì vô cùng biết ơn. Tôi đã trích 200.000 – 500.000 đồng giúp đỡ mỗi người lao động gặp khó khăn ở chợ và làm nhiều việc thiện khác. Như thế số tiền trời cho mới có ý nghĩa và tồn tại.
Còn sử dụng tiền không đúng mục đích, nó cũng tự hết, thành thử mình luôn biết ơn và trân trọng. Tôi chỉ mong ông trời cho mình có sức khỏe để tiếp tục gắn bó công việc, đến khi nào không đủ sức mới thôi”.