Lúc chưa mắc bệnh, chị Thảo vốn được dân làng khen gợi là “gái một con trông mòn con mắt”, với chiều cao lý tưởng, nặng 47 kg, làn da trắng hồng.
Về thôn 2, xã Hoà Sơn (Hoà Vang, TP. Đà Nẵng) hỏi thăm chị Lê Thảo (34 tuổi) ai cũng hay biết, thậm chí có thể kể vanh vách về hoàn cảnh bi thương. Một người dân tại thôn cho biết: “Cô Thảo lấy chồng về đây được chục năm rồi! Hai vợ chồng tính tình hiền lành, cư xử chừng mực với bà con trong làng. Cả hai đi làm thuê nhưng cuộc sống đủ đầy.
Vậy mà bệnh tật bỗng dưng ập đến, khiến cô Thảo từ người phụ nữ khoẻ mạnh, xinh đẹp trở thành yếu ớt và xấu xí. Tôi còn nghe nói 2 đứa em trai của cô ấy cũng mắc căn bệnh quái ác đó, không biết có gen di truyền hay không”.
Sau đó người này chỉ tay về phía nơi ở của gia đình chị Thảo. Căn nhà đã nhuốm màu thời gian, bên trong chẳng có thứ gì đáng giá ngoài những vật dụng dùng hàng ngày. Chị Thảo tâm sự: “Vợ chồng mình sống cùng bố mẹ chồng. Vì thế mấy năm qua được nương nhờ bố mẹ rất nhiều. Xưa mình khoẻ mạnh còn có thể cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa,… chứ giờ toàn mẹ chồng lo liệu hết. Mình nghĩ mà buồn quá, chẳng thể ngờ số phận bị an bài phải mắc bệnh quái ác này”.
“Chị mắc bệnh gì? Nghe nói hai em trai ruột của chị cũng mắc bệnh giống chị?”, khi được hỏi chị Thảo không ngần ngại chia sẻ: “Mình bị suy thận giai đoạn cuối, đến nay đã được 3 năm rồi. Gia đình mình có 4 anh chị em, duy nhất đứa em gái áp mình đến hiện tại không mắc căn bệnh này. Hai em trai đều bị như vậy, trong đó có một người em qua đời cách đây vài năm. Sau đó mình cũng được phát hiện bị suy thận, tiếp đó là em trai út năm nay 22 tuổi”.
Ít ai có thể ngờ rằng chị Thảo hồi khỏe mạnh xinh đẹp, có làn da trắng trẻo đến vậy.
Thời điểm chị Thảo mắc bệnh suy thận, rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi: “Vì sao mấy chị em đều mắc chung căn bệnh?, liệu có phải gen di truyền?”. Khi ấy chị lặng người không biết giải thích ra sao bởi cha mẹ đều khỏe mạnh, họ hàng hai bên không hề có ai bị như thế. Chị cũng chẳng thể biết do nguồn nước hay thói quen ăn uống hay không… Chị đành “đổ lỗi” cho số phận kém may mắn của ba chị em.
“Mình có nằm mơ cũng không thể ngờ có một ngày cả ba chị em đều mắc chung một căn bệnh hiểm nghèo này được. Bác sĩ nói rằng đây là bệnh nhà giàu, nếu có tiền để thay thận thì cứu được mạng, còn không cứ uống thuốc hoặc lọc máu đến khi nào cơ thể không đáp ứng được thì chết.
Hiện tại mình đã mắc bệnh ở giai đoạn cuối, một tuần phải lọc máu 3 lần. Cơ thể mình chẳng còn khoẻ khoắn như xưa, cảm thấy bị suy nhược lắm. Thậm chí nó đã biến chứng, khiến bị suy tim, suy hô hấp, huyết áp cao, giãn gan…”, chị Thảo cho hay.
Lúc chưa mắc bệnh, chị Thảo vốn được dân làng khen gợi là “gái một con trông mòn con mắt”, với chiều cao lý tưởng, nặng 47 kg, làn da trắng hồng. Song 3 năm bị cơn đau hành hạ, chị đã biến thành con người khác: gầy gò – 37kg, xấu xí, da nhăn nheo giống như người già… Đặc biệt cánh tay nổi đầy nốt u do tác dụng phụ của việc lọc máu.
“Nhìn lại hình ảnh 3 năm trước hẳn nhiều người không nghĩ đó là mình của bây giờ đâu nhỉ? Mình buồn lắm nhưng phải chấp nhận thôi, bệnh tật đâu có chừa một ai. Hồi đầu mình cũng buồn và khóc suốt, song lấy lại tinh thần, đối diện với nó một cách bình tâm nhất. Nhưng đến khi cơn đau bắt đầu hạnh hạ cơ thể, mình chẳng thể chịu nổi nữa”, chị Thảo tâm sự.
Nhắc đến chuyện có nghĩ đến chuyện ghép thận hay không, chị Thảo bảo chưa bao giờ có suy nghĩ đó vì không có đủ tiền. “Giờ cuộc sống của gia đình mình bấp bênh, ông xã đi làm thợ xây – nay có việc mai lại nghỉ. Còn mình xưa làm ở công ty đồ vest nhưng bệnh cái phải nghỉ rồi. Mọi gánh nặng cuộc sống, từ ăn uống, tiền học cho con hay tiền viện phí, thuốc thang của mình… đều đổ dồn lên đôi vai của chồng. Giờ mình chỉ có một mong ước duy nhất là khoẻ mạnh để có thể chứng kiến con gái lớn khôn”, người phụ nữ 34 tuổi bật khóc.
Chị Thảo vừa dứt lời, mẹ chồng ngồi kế bên cũng khóc theo. Bà bảo: “Cái Thảo là con dâu nhưng tôi thương như con gái ruột. Nó chăm ngoan, có hiếu với bố mẹ chồng lắm. Xưa nó quán xuyến gia đình, tôi chẳng phải lo lắng bất cứ điều gì cả. Từ lúc nó ngã bệnh, chúng tôi chẳng biết phải làm sao để cùng con vượt qua nỗi đau đớn, chỉ động viên hãy chuyên tâm điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ đưa ra. Giờ tôi có dám để nó làm việc gì trong nhà đâu, chỉ mong con khỏe mạnh thôi”.