Nhắc đến chuyện vì sao đã nghèo lại sinh nhiều như thế, chị H thành thật cho biết vì bản thân thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản nên liên tục có thai.
Ở miền Tây sông nước có một cặp vợ chồng rất đặc biệt - đông con đến độ láng giềng phải thốt lên "đẻ gì mà lắm dữ". Hơn cả chính việc đông con đã khiến cuộc sống trở nên nghèo đói, con cái không được đến trường như bao đứa trẻ khác.
"Họ nghèo đến mức không có nổi cái nhà vững chãi để ở, phải sống trong túp lều rộng chừng chục mét vuông. Đáng nói túp lều không phải dựng trên nền đất phẳng, mà là ở mé sông, tức là ngồi trong lều nhìn xuống khe chính là nước chảy. Tôi thấy rất nguy hiểm cho đám trẻ con trong nhà vì ngày nào đi qua cũng thấy 5-6 đứa đang ngồi trong đó chơi", chị Hương - một người dân sống ở sát cạnh cho hay.
Trong khi đó, một người đàn ông làm nghề chạy xe ôm trong ấp tiết lộ rằng gia đình sinh được 9 người con, trong đó có cậu con trai chết từ lúc 7 tuổi do mặc bệnh hiểm nghèo, không có thuốc chữa. Khi được hỏi tên người phụ nữ này, anh lại lắc đầu không rõ tên thật là gì, chỉ biết người dân xung quanh gọi là H (44 tuổi).
Sau đó anh dẫn đến túp lều của gia đình H. Quả thật nó nhỏ xíu, xập xệ giống như lời kể của chị Hương hàng xóm. Ai muốn đi vào phải bước xuống cây cầu gỗ tự chế, sau đó vòng ra phía trước để vào cửa chính.
CHị H và mấy đứa con nheo nhóc.
Lúc này chị H đang cho đứa con út ti sữa, xung quanh là 6 đứa trẻ đang nằm vạ nằm vật. Chị thấy người lạ liền vội bế con út lên rồi từ tốn giới thiệu: "Chắc mọi người gọi đây là túp lều đúng không ạ? Nhà này nhỏ, được dựng lên bằng vài tấm tôn đã mục gỉ. Vợ chồng tôi đông con, nghèo đói nên làm mãi chẳng thể khấm khá nổi. Vì thế cả nhà cứ sống quẩn quanh ở đây thôi.
Ai sống không quen sẽ thấy sợ hãi, lo lắng đang ngủ bỗng rơi tỏm xuống sông. Song vợ chồng tôi cùng lũ trẻ ở miết quen rồi".
Chị H cho biết hai vợ chồng sinh được 9 người con: 3 trai, 6 gái; trong đó có một bé đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo. "Hiện tại bé lớn 14 tuổi, đang ở dưới ngoại chăm sóc mẹ tôi bị bệnh. Còn 7 đứa này quanh quẩn ở nhà phụ tôi trông bé bé út vài tháng. Mấy đứa nhỏ nhưng hiểu chuyện lắm, thường xuyên bảo ban nhau làm việc này việc kia đỡ đần ba mẹ", chị H tự hào.
Kể về công việc của hai vợ chồng, chị H cho biết ông xã đi làm mướn cho người ta nhưng việc thất thường, sau đó rảnh thì đánh bắt cá tôm kiếm cái ăn cho lũ trẻ. Bản thân chị bán vé số, mỗi ngày chừng 100 tờ. "Xưa có vốn, tôi lấy nhiều vé để bán với thu nhập gần 200 nghìn/ngày. Sau đó dịch COVID-19 bùng phát tôi nghỉ suốt thời gian dài rồi lần lượt sinh đứa thứ 8 thứ 9.
Lúc này kinh tế bắt đầu kiệt quệ, tiền tiết kiệm cũng phải lấy ra để chi tiêu cho đám trẻ. Hiện trong nhà chỉ còn 900 nghìn đồng, đại lý vé số lại không cho mua chịu, vì thế tôi chỉ lấy được 100 tờ đi bán thôi", người phụ nữ cho hay.
Với mức thu nhập bèo bọt, vợ chồng chị H đương nhiên chẳng thể lo nổi cái ăn cái mặc cho các con, thậm chí đến trường học là điều vô cùng xa xỉ. Chị bảo rằng hôm nào có tiền thì mua thịt mua gạo về nấu bữa ngon cho lũ trẻ thưởng thức, còn không sẽ chỉ có cơm trắng cùng vài con cá đồng. Riêng đứa út đang tuổi uống sữa, chị cố gắng vay mượn để mua cho con ăn.
Đông con khiến gia đình chị nghèo đói gấp nhiều lần.
"Tôi cai sữa cho thằng nhỏ từ lâu rồi! Giờ nó uống sữa bột, loại rẻ tiền thôi. Thi thoảng chị chồng tôi qua thăm lại cho chút ít tiền để mua sữa. Nó nhỏ nhưng chịu thiệt thòi nhất nhà, ngày nào cũng phải rong ruổi khắp nơi bán bé số cùng tôi.
Người ta bảo tại sao tôi không để nó ở nhà cho đỡ cực. Nhưng nó nhỏ như thế, mấy đứa trẻ không trông nom được", chị H bộc bạch.
Nhắc đến chuyện vì sao đã nghèo lại sinh nhiều như thế, chị H thành thật cho biết vì bản thân thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản nên liên tục có thai, thậm chí 2 năm 3 đứa. Đến bé thứ 7, chị quyết định dừng lại và lên trạm xá xin thuốc tránh thai về uống.
Chị H uống một thời gian bỗng dưng thấy bụng to, cứ ngỡ do tác dụng phụ của thuốc. "Tôi cứ thấy to như mang thai nên đi khám thì phát hiện mang bầu 5 tháng rồi! Tôi định đi đình chỉ nhưng bố chồng không đồng ý. Ông bảo dù sao cũng là một sinh linh bé nhỏ, có số mệnh nên không được bỏ. Ông khuyên vợ chồng tôi cứ đẻ ra vì "trời sinh voi ắt sinh cỏ", thêm một miệng ăn cũng không sao. Vì thế tôi quyết định để lại.
Tôi sinh đứa thứ 8 được vài tháng lại có thai thằng út do nhỡ. Tôi bị mọi người trong nhà mắng quá trời đất. Sắp tới có lẽ tôi sẽ đi triệt sản chứ đẻ con ra không cho được cuộc sống đủ đầy thấy có lỗi lắm", chị H thành thật.
Cũng chỉ vì đẻ lắm - nghèo đói mà các con của chị H không được đến trường. Chị bảo bé lớn học đến lớp 3 đã phải nghỉ để ở nhà phụ giúp cha mẹ trông em. Còn 7 đứa còn lại dù đã có đứa đến tuổi đến trường nhưng không được đi học vì vấn đề hộ khẩu và không có tiền.