37 người chứng kiến cô gái trẻ bị đâm chết nhưng không một ai nhấc điện thoại gọi cho cảnh sát. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại vụ án này, người cảnh sát điều tra khi ấy vẫn còn bàng hoàng.
Ngày 13/3/1964, Kitty Genovese, một quản lý quán bar 28 tuổi đang trên đường đi làm về thì bị Winston Moseley đâm liên tục dẫn đến tử vong. Một ngày sau vụ án mạng, tờ New York Times đã đăng một bài báo dài 4 đoạn với dòng tựa đề: "Người phụ nữ Queens bị đâm chết trước cửa nhà". Bài báo được đăng trên một khoảng nhỏ xíu nên không gây chú ý. Tác giả của mẩu tin ấy là phóng viên trẻ Abe Rosenthal.
10 ngày sau, Abe ăn trưa với ủy viên cảnh sát thành phố và phát hiện ra một chi tiết gây xôn xao về vụ án: 38 người dường như đã nghe thấy tiếng khóc kêu cứu của Kitty nhưng chỉ có một người gọi cảnh sát sau khi nạn nhân đã chết. Ngày 27/3, tờ New York Times đã đăng một câu chuyện khác về Kitty và lần này, bài viết có tiêu đề: "37 người nhìn thấy vụ giết người đã không gọi cảnh sát". Ngay lập tức, vụ án thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ.
Ông Abe tiếp tục viết một cuốn sách tội phạm ngắn với tựa "37 nhân chứng" dựa trên những bài báo điều tra mà ông thực hiện về vụ án này. 55 năm đã trôi qua và vụ sát hại Kitty Genovese vẫn được chú ý mỗi khi nhắc lại.
Cô gái Kitty bị sát hại trên đường đi làm về.
Cho đến hơn 50 năm sau, Trợ lý thanh tra Frederick M.Lussen, người từng điều tra các vụ giết người vẫn bị sốc. Ông có thể thuật lại nhiều vụ án giết người mà không để lộ cảm xúc gì. Nhưng vụ ở Kew Gardens khiến ông không thể, không phải vì đó là một vụ án mạng mà bởi "người tốt" đã không gọi cảnh sát.
"Khi chúng tôi tái cấu trúc vụ án, hung thủ có 3 cơ hội để giết người phụ nữ này trong vòng 35 phút. Hắn trở lại 2 lần để hoàn thành công việc. Nếu chúng tôi được gọi đến trong lần tấn công đầu, người phụ nữ có lẽ đã không chết", ông Frederick nói.
Cảnh sát đã tiết lộ những gì xảy ra lúc 3h20 sáng tại khu vực phố Austin, một con phố rợp bóng cây và là nơi cư trú của tầng lớp trung lưu. Catherine Genovese, 28 tuổi, được hầu hết người dân khu phố gọi là Kitty, khi đó trở về nhà sau khi kết thúc công việc. Cô đậu chiếc Fiat màu đỏ liền kề nhà ga Kew Gardens Long Island. Giống như nhiều cư dân trong khu phố, cô đậu xe ở đó ngày này qua ngày khác.
Kitty tắt đèn xe, khóa cửa và bắt đầu đi bộ tới lối vào căn hộ của mình tại số 82-70 tòa Tudor, phố Austin. Trong tòa nhà này, các cửa hàng nằm ở tầng trệt, khu căn hộ ở tầng hai. Lối vào căn hộ nằm ở sau tòa nhà bởi phía trước đã được các cửa hàng bán lẻ thuê. Vào ban đêm, khu phố yên tĩnh bị bao trùm bởi bóng tối u ám, phủ lền hầu hết khu dân cư.
Khu phố nơi xảy ra sự việc.
Kitty nhận thấy có một người đàn ông ở cuối lô đất, gần với căn nhà 7 tầng tại số 82-40 phố Austin, Kitty đứng lại. Cô linh cảm có điều không lành nên tiến về phía đại lộ Lefferts, tại đây có trạm điện thoại gọi đến Phân khu Cảnh sát 102, ở Richmond Hill gần đó.
Cô chạy được đến ngọn đèn đường ở trước hiệu sách thì bị người đàn ông tóm được. Kitty hét lên. Đèn bật sáng trong căn hộ ở tầng 10 tại số 82-67 phố Austin, đối diện với hiệu sách. Cửa sổ trượt mở và những giọng nói phá tan sự tĩnh lặng của sáng sớm.
Kitty hét lên: "Trời ơi, hắn đâm tôi! Xin hãy giúp tôi! Xin hãy giúp tôi!". Từ cửa sổ của một căn hộ phía trên, một người đàn ông gọi với xuống: "Hãy để cô gái đó yên!". Kẻ tấn công ngước lên nhìn ông, nhún vai và bước xuống phố Austin, đi về phía chiếc sedan trắng đậu cách đó không xa. Kitty chật vật đứng dậy.
Đèn tắt. Kẻ giết người tiếp tục quay lại phía Kitty khi cô cố đi vòng sang bên tòa nhà, chỗ bãi đậu xe để đến căn hộ của mình. Kẻ tấn công lại đâm cô. "Tôi sắp chết rồi! Tôi sắp chết rồi', Kitty tiếp tục hét lên.
Cửa sổ lại được mở ra, đèn bật sáng ở nhiều căn hộ. Kẻ tấn công lần này đi vào xe và lái đi. Kitty loạng choạng bước đi. Một chiếc xe bus của thành phố, tuyến Q-10 đi từ đại lộ Lefferts đến Sân bay Quốc tế Kennedy đi qua. Lúc đó là 3h35 sáng.
Kẻ thủ ác vẫn trở lại. Đến lúc ấy, Catherine đã bò ra phía sau tòa nhà, nơi những cánh cửa được sơn màu nâu dẫn vào căn hộ mang đến hy vọng an toàn. Kẻ giết người đã thử mở cánh cửa đầu tiên, Kitty không ở đó. Ở cánh cửa thứ hai, số 82-62 phố Austin, hắn thấy cô nằm gục dưới chân cầu thang. Hắn đã đâm cô lần thứ ba, lần này, Kitty không thoát được cái chết.
Chân dung kẻ thủ ác đã giết hại Kitty.
Đến 3h50, cảnh sát nhận được cuộc gọi đầu tiên từ một người đàn ông xưng là hàng xóm của Kitty. Trong vòng 2 phút, họ đã tới hiện trường. Người đàn ông lớn tuổi giải thích ông đã gọi cảnh sát sau nhiều lần cân nhắc. Ông gọi cho một người bạn để xin lời khuyên, sau đó băng qua nóc tòa nhà đi đến căn hộ của người phụ nữ lớn tuổi để nhờ bà gọi điện. "Tôi không muốn liên quan", ông nói với cảnh sát một cách ngượng ngùng.
6 ngày sau, cảnh sát đã bắt giữ Winston Moseley, một nhân viên vận hành máy tính 29 tuổi và cáo buộc hắn ta tội giết người. Winston không có tiền án. Hắn đã kết hôn, có 2 đứa con và sở hữu một căn nhà tại số 133-19 Đại lộ Sutter, South Ozone Park, Queens. Sau khi bị bắt, hắn được tòa án đưa đến bệnh viện Kings County để theo dõi tâm thần. Khi bị cảnh sát thẩm vấn, Winston khai hắn đã giết cô Annie May Johnson, 24 tuổi, ở 146-12 Đại lộ 133, Jamaica, vào ngày 29/2 và Barbara Kralik, 15 tuổi, tại 174-17 Đại lộ 140, Springfield Gardens vào tháng 7/1963.
Cảnh sát nhấn mạnh cách liên lạc với họ cực kỳ đơn giản, chỉ cần một cuộc điện thoại nhưng không hiểu vì lý do gì mà không một ai gọi dù rất nhiều người chứng kiến vụ giết người?
Các nhân chứng đã nói cho nhà báo biết lý do tại sao. Một bà nội trợ nói: "Chúng tôi nghi đó là cuộc cãi vã của người yêu nhau". Một cặp vợ chồng cùng nói: "Thật sự mà nói chúng tôi đã sợ hãi". Một phụ nữ vẫn còn hoang mang, lau tay vào tạp dề nói: "Tôi không muốn chồng tôi can dự".
Một cặp vợ chồng sau đó sẵn sàng nói về đêm ác mộng ấy cho biết họ nghe thấy tiếng hét đầu tiên. Người chồng trầm ngâm nhìn về phía hiệu sách, nơi kẻ giết người tóm lấy Kitty. "Chúng tôi đi đến cửa sổ để nhìn những gì đang diễn ra nhưng ánh sáng từ phòng ngủ của chúng tôi khiến rất khó để nhìn thấy đường", anh nói. Sau đó, người vợ e ngại nói thêm: "Tôi đã tắt đèn và chúng tôi có thể nhìn rõ hơn". Khi được hỏi tại sao họ không gọi cảnh sát, cô nhún vai đáp: "Tôi không biết".
Một người đàn ông lén nhìn ra từ khe hở nhỏ của lối vào căn hộ, nhớ lại về cuộc tấn công thứ hai. Tại sao ông ta lại không gọi cảnh sát lúc đó? "Tôi mệt mỏi. Tôi đã quay lại giường", ông nói một cách không cảm xúc.
Nếu một trong số 37 nhân chứng gọi cảnh sát sớm hơn, Kitty có lẽ đã không bỏ mạng.
Vào lúc 4h25 sáng, khi xe cứu thương tới đưa thi thể Kitty đi. Đến lúc chiếc xe rời đi, người dân mới bước ra ngoài. Có tới 37 người chứng kiến vụ tấn công liên hoàn một cô gái tội nghiệp nhưng không một ai ra tay giúp đỡ hay gọi cảnh sát, chỉ tới khi Kitty tử vong thì mới có một người báo án.
Sau vụ án rúng động nước Mỹ này, các nhà khoa học đã đưa ra định nghĩa về "Hiệu ứng người ngoài cuộc". Nó mô tả hiện tượng khi gặp một tình huống khẩn cấp, càng nhiều người có mặt thì lại càng có ít người giúp đỡ nạn nhân. Nguyên nhân dẫn đến hiệu ứng này có thể do 3 yếu tố. Thứ nhất là sự mơ hồ, mọi người không biết có nên giúp đỡ hay không. Thứ hai là sự gắn kết đám đông, tức là bạn thấy người khác không hành động nên bản thân cũng không làm gì. Thứ ba là sự khuếch tán trách nhiệm, nghĩa là khi có quá nhiều người chứng kiến thì trách nhiệm của mỗi người dần nhỏ đi, họ sẽ thấy bản thân không cần giúp đỡ nạn nhân nữa vì cứ nghĩ rằng sẽ có người khác giúp.
55 năm đã trôi qua, vụ án Catherine “Kitty” Genovese đã trở thành một ví dụ kinh điển cho "hiệu ứng người ngoài cuộc" và cho thấy được mặt tối của con người khi chứng kiến khó khăn của đồng loại.