Tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng khi biết tin về 5 học sinh chết vùi trong hố cát đã hết sức đau xót.
Cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn từ phía phụ huynh và nhà trường
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội.
Như tin đã đưa, sáng 13/3, một người đánh cá đã phát hiện phát hiện 5 thi thể học sinh bị chôn vùi dưới lớp cát bên bờ sông ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắk. Các nạn nhân bao gồm 3 học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, 2 học sinh Trường THCS Cư Đrăm thuộc xã Cư Đrăm. Cả 5 học sinh đều là dân tộc Mông, do nhà xa, cùng trọ học tại trung tâm xã Cư Đrăm.
Trưa cùng ngày, cơ quan chức năng tiến hành đã khám nghiệm hiện trường, mổ tử thi để điều tra nguyên nhân tử vong của 5 học sinh xấu số. Ngày 14/3, cơ quan công an nhận định nguyên nhân dẫn đến cái chết của các em là do bị sập hầm cát.
Hiện trường phát hiện thi thể 5 học sinh bị chôn vùi dưới lớp cát.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thực tế cho thấy, các em học sinh miền núi gặp rất nhiều khó khăn: nhà xa trường, có nhiều nguy hiểm rình rập như lở đất, thú dữ…, nên cần phải có sự kết hợp chặt chẽ hơn từ phía phụ huynh và nhà trường để trang bị kỹ năng sống cho các em học sinh. Điều đó sẽ giúp các em chuẩn bị cho mình những kỹ năng ứng phó thiết yếu, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Giáo dục kỹ năng sống dường như là mảng vẫn còn đang trống
Bàn về sự cần thiết của việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh, Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM) phân tích sâu về nhiều khía cạnh:
“Về góc độ giáo dục: Tôi rất ủng hộ việc Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường. Nhưng thực tế, giáo dục kỹ năng sống tại các nhà trường hiện nay chưa thực sự mang lại hiệu quả tốt. Giáo dục kỹ năng sống luôn là vấn đề cần quan tâm và phải đẩy mạnh hơn nữa. Nó không phải là những gì to tát mà đó là những kỹ năng, kiến thức bình thường trong cuộc sống. Đôi khi là những vấn đề rất nhỏ thôi nhưng nếu học sinh không được học, không được trang bị thì có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Thạc sĩ Bùi Hồng Quân: Việc phụ huynh gửi con đến trường là chưa đủ và chưa tròn trách nhiệm.
Học sinh chưa thực sự coi trọng môn giáo dục kỹ năng sống bởi tâm lý cho rằng đó là môn ngoại khóa. Thực ra, học sinh nên nhận thức lại vì nó rất quan trọng, giúp cho các bạn biết ứng xử với mọi tình huống xảy ra hàng ngày. Bên cạnh việc học kiến thức từ sách vở, từ nhà trường thì việc trang bị những kỹ năng ứng phó thiết yếu là vô cùng quan trọng.
Nhà trường cũng cần có những biện pháp mạnh và cụ thể hơn nữa để làm sao môn kỹ năng ứng xử trở nên gần gũi hơn, dễ hiểu và thực sự mang lại hiệu quả cần thiết cho học sinh. Không chỉ là những tiết học trên lớp, nhà trường cũng nên đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là nhà trường nên có một đội ngũ vững về kiến thức và thực hành (có thể thông qua tuyển dụng hoặc là tự đào tạo) để hướng dẫn học sinh của mình theo đúng kỹ năng sống mà giáo trình đã đề ra.
Về phía gia đình, giáo dục kỹ năng sống dường như là mảng vẫn còn đang trống bởi vì các bậc phụ huynh đều rất bận rộn. Tuy nhiên, xét cho cùng, cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt nhất cho con cái của mình. Việc đáp ứng cho con đầy đủ về mặt vật chất, gửi con đến trường là chưa đủ và chưa tròn trách nhiệm. Bởi vì giáo dục kỹ năng sống không phải là bắt đầu từ khi con cái đến trường mà nó phải bắt đầu từ gia đình, ngay khi đứa trẻ đã biết nhận thức. Từ việc dạy trẻ (7 – 8 tuổi) biết tham gia công việc nhà, bỏ rác vào thùng… trẻ sẽ có được những kỹ năng sinh tồn và biết tự phục vụ mình. Đến khi trẻ lớn hơn, gia đình cần song hành với nhà trường để trang bị kỹ năng cần thiết cho con mình. Phụ huynh phải làm bạn, chia sẻ về mặt tình cảm với con. Thực tế là có rất nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc này, lúc đó chính các bậc phụ huynh phải nhìn nhận lại là mình đã sẵn sàng tâm thế làm bạn hay chưa.
Một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa là sự kết nối giữa gia đình và nhà trường: Các bậc phu huynh đừng phó thác việc giáo dục con em mình cho nhà trường. Hãy cùng với nhà trường trang bị tốt nhất những kỹ năng, thường xuyên trao đổi trực tiếp với giáo viên để nắm được tình hình và giúp con mình trưởng thành hơn về mọi mặt".
Mời độc giả theo dõi thông tin vụ việc 5 học sinh chết bất thường ở Đăk Lăk trên tin tức EVA: '5 HS chết bất thường': Thông tin ban đầu từ công an Phát hiện thi thể 5 học sinh nằm gần nhau |