Trong rất nhiều những nỗ lực để phòng chống đại dịch COVID-19, cũng có rất nhiều tình huống "tréo ngoe", không thể tin nổi.
Chile: Tính cả số ca tử vong do COVID-19 vào số người phục hồi
Không giống các nước trên thế giới, tính số ca tử vong và số ca khỏi bệnh COVID-19 thành 2 mục riêng, giới chức y tế tại Chile lại gộp hai mục tưởng như trái ngược nhau này vào một. Theo Bộ trưởng Y tế Chile cho biết, lý do là bởi những người đã tử vong vì COVID-19 không còn khả năng lây bệnh cho người khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 13/4, Bộ trưởng Y tế Chile, ông Jaime Manalich cho biết: "Chúng tôi có 898 bệnh nhân COVID-19 không còn lây nhiễm và không phải nguồn lây nhiễm cho người khác, nên chúng tôi tính họ vào các ca đã phục hồi. Đây là những người đã qua 14 ngày chẩn đoán hoặc đã không may qua đời".
Chile tính cả số người tử vong vào số người đã khỏi bệnh vì cho rằng người chết không có khả năng lây bệnh (Ảnh minh họa)
Theo hãng tin La Vanguardia, giới chức Chile nói rằng, cách tính này được áp dụng dựa vào khuyến nghị của "các chuyên gia quốc tế". Hiện chưa rõ Chile bắt đầu áp dụng cách tính người chết vào số người phục hồi từ khi nào. Tuy nhiên, cách tính này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận trong nước và quốc tế, cho rằng việc này quá vô lý, đồng thời hành động này có thể gây cản trở quá trình phòng chống và chữa bệnh.
Tính đến 16h ngày 18/4, Chile đã ghi nhận tổng cộng 8.804 ca nhiễm COVID-19, 105 người tử vong và 156 người khỏi bệnh. Để ngăn dịch bệnh lây lan, chính quyền nước này đã ban hành lệnh giới nghiêm sau 10h đêm, đóng cửa toàn bộ trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu.
Nhật Bản: Họp phòng chống dịch, kết quả trở thành ổ dịch mới
Theo truyền thông địa phương đưa tin, vào ngày 31/3 vừa qua, Liên đoàn Judo Nhật Bản đã tổ chức một cuộc bất thường để đưa ra những biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Có tất cả 38 thành viên tham dự cuộc họp này. Họ không thể ngờ rằng chính cuộc họp đã khiến nguy cơ lây nhiễm virus tăng cao và cuối cùng trở thành một ổ dịch mới tại Nhật Bản.
Trong số 38 người tham dự, tổng cộng đã có 16 người được xác nhận dương tính với COVID-19, trong đó bao gồm cả cả giám đốc điều hành Soya Nakazato.
16 người thuộc Liên đoàn Judo Nhật Bản đã nhiễm bệnh sau một cuộc họp để phòng chống dịch bệnh.
Trong một tuyên bố mới đây, Liên đoàn Judo Nhật Bản cho biết: "Giám đốc điều hành của Liên đoàn, ông Soya Nakazato đã bị nhiễm virus corona chủng mới. Ông Soya Nakazato bắt đầu có triệu chứng sốt vào ngày 5/4 và đã trải qua xét nghiệm PCR vào ngày 8/4. Liên đoàn sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây lan của virus này. Chúng tôi xin lỗi vì mọi sự bất tiện mà chúng tôi đã gây ra".
Một quan chức của Liên đoàn cho biết thêm rằng, do thời gian ủ bệnh là 2 tuần nên rất khó có thể xác định danh tính của những người bị nhiễm bệnh ban đầu vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện, Liên đoàn đã thực hiện những biện pháp để ngăn chặn virus lây lan, cố gắng không để ảnh hưởng tới cộng đồng.
Nhật Bản hiện ghi nhận 8.626 ca nhiễm bệnh, 178 người tử vong và 514 người khỏi bệnh, tính đến 16h ngày 18/4.
Hàn Quốc: Dùng chung một chai nước muối để xịt khử trùng miệng, 46 người nhiễm bệnh
Một nhà thờ tại tỉnh Gyeonggi ,Hàn Quốc, đã xịt nước muối vào miệng những người đi lễ vì tin rằng biện pháp này sẽ tiêu diệt được virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, họ đã dùng một chai nước muối để xịt vào miệng nhiều người mà không khử trùng sau mỗi lần xịt, do đó đã khiến nguy cơ lây nhiễm virus tăng cao.
Nhà thờ ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, dùng chai nước muối xịt vào miệng những người đến dự.
Theo hình ảnh quay lại tại nhà thờ này cho thấy, một thành viên của nhà thờ đã dùng bình xịt nước muối đưa sâu vào miệng để khử trùng cho khoảng 100 thành viên đến lễ từ ngày 1/3 - 8/3. Trong số những thành viên, có người đã nhiễm COVID-19. Do đó, hành động trên vô tình khiến nguy cơ lây nhiễm tăng lên. Tổng cộng 46 người đã được xác nhận dương tính với COVID-19 sau khi tới lễ nhà thờ này.
Ngay sau đó, nhà thờ trên đã bị đóng cửa. Toàn bộ thành viên, những người đã đến lễ nhà thờ, cũng như những người có tiếp xúc gần với nhóm người này, đã được đưa đi xét nghiệm và cách ly.
Sự việc trên đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ bởi trước đó, Hàn Quốc từng lao đao trước một ổ dịch đến từ thành phố Daegu, cũng lây lan từ một nhà thờ. Hơn thế nữa, việc dùng nước muối xịt vào miệng rõ ràng không thể giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 được.
Vũ Hán (Trung Quốc): Vừa gỡ phong tỏa, số ca tử vong tăng gấp rưỡi
Vũ Hán được coi là ổ dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới và cũng là ổ dịch lớn nhất Trung Quốc. Từ ngày 23/1, chính quyền thành phố Vũ Hán đã ban hành lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sau 2 tháng rưỡi chiến đấu, đến ngày 8/4, thành phố này đã gỡ lệnh phong tỏa và tuyên bố khoảng 98% khu dân cư sạch bóng virus.
Trước đó, giới chức y tế Vũ Hán ghi nhận 50.008 ca nhiễm COVID-19 và 2.579 ca tử vong. Tuy nhiên đến ngày 16/4 vừa qua, số liệu này đã thay đổi đáng kinh ngạc. Cụ thể, số ca nhiễm tăng lên 50.333 người (tăng thêm 325 người), còn số ca tử vong tăng lên 3.869 người (tăng thêm 1.290 người). Điều này có nghĩa là sau khi điều chỉnh, số ca tử vong tại Vũ Hán đã tăng thêm 50%.
Số ca tử vong tại Vũ Hán tăng thêm 50% sau khi xem xét lại số liệu.
Theo thông báo, việc điều chỉnh này diễn ra sau một cuộc xem xét và xác minh các số liệu từ nhiều bộ phận như nhà tang lễ, bệnh viện... ở Vũ Hán.
Trước đó, do dịch bệnh lây lan quá nhanh, số ca nhiễm và tử vong tăng chóng mặt nên đã gây khó khăn cho quá trình thu thập dữ liệu. Tuy nhiên sau khi dịch bệnh giảm dần, chính quyền Vũ Hán đã xem xét và so sánh chặt chẽ số liệu để đưa ra con số chính xác hơn. Việc này được tiến hành theo nguyên tắc "có trách nhiệm với lịch sử, người dân và những người đã mất".
Tuy nhiên, việc điều chỉnh số liệu tăng lên gấp rưỡi đã khiến nhiều người lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc đang cố tình che giấu sự thật, rằng con số người tử vong do COVID-19 có thể còn cao hơn nhiều so với con số được công bố.
Ấn Độ: Chính quyền yêu cầu cách ly, hàng trăm người vẫn đổ xuống đường đưa tang một con bò tót
Từ ngày 25/3, Ấn Độ đã ban hành lệnh phong tỏa và cách ly toàn quốc đối với hơn 1,3 tỷ dân. Mọi người dân đều được yêu cầu ở trong nhà, tránh tụ tập đông người, chỉ được phép ra ngoài trong trường hợp cần thiết và luôn giữ khoảng cách ít nhất 2 m. Mới đây, Thủ tướng Ấn Độ thông báo tiếp tục kéo dài lệnh cách ly tới ngày 3/5 trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tuy nhiên, không phải người dân Ấn Độ nào cũng tuân theo quy định.
Hàng trăm người dân Ấn Độ đổ xuống đường để đưa tang một con bò tót.
Mới đây, một đoạn clip cho thấy hàng trăm người dân Ấn Độ đã đổ xuống đường để diễn hành, đưa tang một con bò tót - loài vật được coi là linh thiêng tại nước này. Những người dân này không hề giữ khoảng cách với nhau, ngược lại còn chen chúc và không hề đeo khẩu trang. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus. Nếu một trong số những người dân bị bệnh, hậu quả sẽ rất khó lường.
Được biết, Ấn Độ là một quốc gia trọng tôn giáo và các nghi lễ tín ngưỡng. Do đó, họ đã bất chấp quy định của chính quyền và tính mạng của bản thân để tham gia những buổi lễ như thế này. Không lâu sau đó, chính quyền đã tới để giải tán đám đông, đồng thời trừng phạt nghiêm khắc những cá nhân cố tình phớt lờ quy định.