Ngày Môi trường Thế giới, điểm danh 5 thứ thân thiện với môi trường, vừa tiện dụng vừa tiết kiệm lại còn tốt cho sức khỏe

HÀ ANH - Ngày 05/06/2023 14:30 PM (GMT+7)

Trong xu thế của lối sống xanh, những vật dụng trong đời sống thường ngày luôn được ưu tiên về tính thân thiện với môi trường tự nhiên, tiện dụng và đặc biệt phải tiết kiệm.

Hôm nay (5/6) là Ngày Môi trường thế giới. Chủ đề năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn là "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa".

Mỗi người trong chúng ta chỉ cần thải ra môi trường vài chiếc túi nilon hay ống hút là có thể khiến rác thải nhựa tăng lên số lượng "khổng lồ". Hưởng ứng chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa", những năm gần đây, nhiều gia đình hướng đến việc sử dụng những sản phẩm bền vững, bảo vệ môi trường. Việc “xanh hóa" đời sống từ những vật dụng nhỏ nhất mang đến những ảnh hưởng to lớn tới chính gia đình về sức khoẻ, chi phí và góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên, môi trường sạch đẹp.

Hạn chế sử dụng những sản phẩm dùng một lần từ nhựa, nilon,... và tìm đến những món đồ tái chế không chỉ chung tay vào bảo vệ môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi tiêu, tác động tốt đến sức khoẻ.

Giấy vệ sinh tái chế

Giấy vệ sinh là món đồ cơ bản nhất mà hầu hết mọi gia đình đều sử dụng và dùng với số lượng nhiều. Loại giấy được tái chế từ vỏ hộp sữa có thể tan trong nước giúp bảo vệ môi trường đang được lòng những tín đồ yêu sống xanh.

Trong quá trình sản xuất, bột giấy tái chế từ vỏ hộp sữa được nghiền siêu nhỏ bằng máy nghiền công suất lớn, sau đó bóc tách lọc bỏ các tạp chất đi kèm như nhựa, nilon, kim loại, mực in…

Giấy vệ sinh tái chế tự vỏ hộp sữa giúp tận dụng lượng vỏ hộp lớn không bị vứt ra môi trường

Giấy vệ sinh tái chế tự vỏ hộp sữa giúp tận dụng lượng vỏ hộp lớn không bị vứt ra môi trường

Loại giấy này có thể tan trong nước, không gây tắc nghẽn bồn cầu, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Đồng thời còn an toàn cho sức khoẻ vì không sử dụng hóa chất tẩy trắng quang học. Việc sử dụng giấy tái chế còn góp phần vào việc hạn chế chặt cây cho sản xuất giấy thông thường.

Giá bán cho loại giấy vệ sinh tái chế từ vỏ hộp sữa trên thị trường dao động từ 70.000 đồng/túi gồm 6 cuộn, 90.000 đồng/túi 10 cuộn. Có thể mua tại các đơn vị chuyên đồ tái chế  hoặc trên những trang thương mại điện tử.

Muối tắm em bé 

Với những gia đình có trẻ nhỏ, muối tắm đem lại sự tiện dụng, giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho em bé. Muối tắm em bé là sự kết hợp của muối khoáng, tinh dầu tràm gió, các loại thảo mộc như: kim ngân, tầm bóp, tía tô…, có công dụng chăm sóc và bảo vệ làn da, sức khỏe, đặc biệt đem lại sự háo hức khi vừa tắm vừa chơi cho bé.

Chứa những thành phần hoàn toàn tự nhiên, muối tắm em bé đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường so với các loại sữa tắm khác. Hiện nay sản phẩm được bán ra dưới dạng gói tiện lợi cho mỗi lần tắm.

Muối tắm em bé được làm từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên

Muối tắm em bé được làm từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên

Sản phẩm này có mức giá khoảng 180.000 đồng/hũ và 220.000 - 250.000 đồng/hộp gồm nhiều gói.

Các sản phẩm làm từ xơ mướp

Xơ mướp từ lâu đã được ứng dụng vào việc làm ra những món đồ tiện lợi cho đời sống thường ngày như: miếng rửa chén, bông tắm,... Cùng với sự phát triển của lối sống xanh, xơ mướp phổ biến hơn và được sử dụng làm thành nhiều món đồ hữu ích.

Nhiều sản phẩm từ xơ mướp có thể kể đến như: ví, túi, giày, khăn trải bàn, tấm lót ly cốc, tranh ảnh, mô hình trang trí… và chắc chắn không thể kể đến các món đồ chăm sóc sắc đẹp gồm tấm rửa mặt, kỳ lưng cùng miếng rửa chén huyền thoại.

Xơ mướp có độ đàn hồi cao, kết cấu tốt với các thớ xơ chạy ngang dọc. Đặc biệt không bị mốc, mối, mọt nên không lo ngại việc xơ bị phun thuốc bảo quản. Tuy nhiên, xơ mướp lại không dễ định hình theo ý muốn nên những đơn vị sản xuất cần kỳ công nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý nguyên liệu.

Xơ mướp có thể được sử dụng để làm ra rất nhiều món đồ hữu ích trong đời sống thường ngày

Xơ mướp có thể được sử dụng để làm ra rất nhiều món đồ hữu ích trong đời sống thường ngày

Các sản phẩm từ xơ mướp được bán ra thị trường với những mức giá khác nhau từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng tuỳ vào món đồ và mức độ kỳ công để làm ra. Hiện tại có nhiều thương hiệu và đơn vị chuyên phân phối các sản phẩm từ xơ mướp có thể dễ dàng tìm kiếm trên những nền tảng thương mại.

Bát đĩa làm từ lá cây

Thay vì nhựa dùng một lần, lá cây được ứng dụng vào việc tạo ra những chiếc bát đĩa với tiêu chí thân thiện với môi trường và bắt mắt. Những chiếc bát đĩa có khả năng tự phân hủy, không thấm nước và có thể thay thế những đồ đựng thức ăn bằng xốp, nhựa.

Tại một số quốc gia, bát đĩa làm từ lá cây được nghiên cứu sản xuất và ứng dụng vào đời sống thường ngày. Lá của một số loài cây được sử dụng gồm: bastard teak, teak, banyan, areca, lá chuối… với những đặc tính có thể chế tạo thành bát đĩa đựng thức ăn.

Bát đĩa làm từ lá cây giúp thân thiện với môi trường, giảm rác thải dùng 1 lần

Bát đĩa làm từ lá cây giúp thân thiện với môi trường, giảm rác thải dùng 1 lần

Những chiếc bát đĩa có khả năng chống nước và thay thế cho đĩa nhựa dùng 1 lần hiện nay. Cấu trúc thường gồm 2 lớp: một lớp lá và một lớp giấy từ lá. Bát đĩa được làm bằng nguyên liệu tự nhiên có thể phân huỷ sinh học hoàn toàn nhưng có thời hạn sử dụng nhất định.

Mức giá bán ra của loại bát đĩa làm từ lá cây khá rẻ, chỉ từ 10.000 đồng/chiếc và hoàn toàn có thể mua được trên các sàn thương mại điện tử.

Dụng cụ ăn uống làm từ bã mía

Bên cạnh xơ mướp hay lá cây, bã mía cũng là phụ phẩm chế biến được tái chế nhiều trong việc sản xuất các món đồ thường ngày. Bã mía được ứng dụng làm ra các sản phẩm như: hộp đựng thức ăn, bộ dụng cụ ăn uống, ống hút…

Những sản phẩm từ 100% bã mía đảm bảo không chứa chất phụ gia, hóa chất và có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Nhờ đó, sức khỏe người tiêu dùng trong mỗi bữa ăn sẽ được đảm bảo. Sản phẩm từ bã mía góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của những bộ đồ ăn dùng một lần làm từ nhựa, xốp, nilon…

Bã mía được tận dụng nhiều vào việc sản xuất các bộ dụng cụ ăn uống

Bã mía được tận dụng nhiều vào việc sản xuất các bộ dụng cụ ăn uống

Bã mía thường được kết hợp với sợi tre dài và mỏng, tạo nên cấu trúc dạng lưới có độ bền cơ học cao, đủ chặt chẽ để giữ được chất lỏng trong thức ăn. Vật liệu từ chất thải thực phẩm này sẽ bắt đầu phân huỷ trong điều kiện thường sau 30-45 ngày và có thể biến mất hoàn toàn sau 60 ngày nếu chôn trong đất.

Loạt sản phẩm từ bã mía được bán đa dạng trên thị trường với mức giá dao động khác nhau, từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng tùy vào nhu cầu sử dụng. 

Đón Tết theo cách của chị em sống xanh: Không túi nilon, không cần hóa chất
Với những người theo chủ nghĩa sống xanh, họ có những cách “đón Tết” rất khác biệt.

Tết nguyên đán

Theo HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva giảm nhựa