Nguyên nhân khiến kho chứa hàng hóa trong cảng Thiên Tân phát nổ vẫn là một câu hỏi lớn mà các nhà chức trách Trung Quốc chưa đưa ra lời giải đáp.
Các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực tìm lời giải về nguyên nhân vụ cháy chấn động thành phố cảng Thiên Tân tối 12/8 vừa công qua khiến 85 người thiệt mạng trong đó có 21 lính cứu hỏa, hàng trăm người khác bị thương.
Các vụ nổ xảy ra tại một nhà kho gần cảng, nơi được cho là kho dự trữ 'hàng hóa nguy hiểm' của công ty Ruihai International Logistics. Các quan chức thành phố Thiên Tân cho biết tất cả hồ sơ chứng từ của công ty đều bị thiêu rụi sau hai vụ nổ và khó có thể kết luận những hàng hóa độc hại nào được trữ trong nhà kho.
Những nỗ lực cứu hộ hiện vẫn đang được tiếp tục tại hiện trường xảy ra vụ nổ kinh hoàng. Một đội chuyên gia hạt nhân và hóa học của quân đội Trung Quốc cũng đã được cử tới hiện trường.
SCMP đã liệt kê ra 6 câu hỏi mà chính quyền Trung Quốc hiện vẫn chưa có câu trả lời sau vụ nổ này.
1. Nguyên nhân dẫn tới thảm kịch là gì?
Hiện vẫn chưa rõ chính xác những loại hóa chất độc hại nào được lưu trữ bên trong nhà kho nơi xảy ra vụ nổ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đó có thể là các loại hóa chất dễ cháy, ở nhiệt độ 35 độ C nó đã có thể bốc cháy.
Những cột khói bốc cao tại hiện trường xảy ra vụ nổ
Beijing Times dẫn lời ông Kang Yong, chuyên gia kỹ thuật an toàn tại Viện Công nghệ Hóa dầu Bắc Kinh, cho biết nhiệt độ gia tăng trong các container chất hàng tại cảng cũng có thể là nguyên nhân gây nổ.
Theo ông Kang, hóa chất có thể đã rò rỉ từ một container hàng và khi tiếp xúc với nhiệt độ cao đã bốc cháy.
Cũng có một khả năng khác là các hóa chất không được cất trữ theo đúng quy chuẩn an toàn cần thiết đối với các loại hành hóa nguy hiểm. Một báo cáo năm 2014 của Cơ quan Quản lý An toàn Hàng Hải Thiên Tân tiết lộ rằng 4.325 container hàng của công ty Ruihai International Logistics tại cảng Thiên Tân không đạt tiêu chuẩn.
2. Những loại hóa chất độc hại nào đã phát tán ra môi trường?
Trong cuộc họp báo sáng qua 14/8, cơ quan chức năng cho biết các hóa chất độc hại như kali nitrat, natri nitrat, amoni nitrat, natri xyanua, và toluene, ảnh hưởng đến hệ thần kinh đã được tìm thấy tại hiện trường vụ nổ kinh hoàng.
Đội lính cứu hỏa đang nghiên cứu bản thảo hiện trường kho hàng Thiên Tân
Cơ quan chức năng tìm thấy dấy vết của bốn hóa chất, bao gồm một hợp chất dễ bay hơi có trong sơn và thuốc trừ sâu, toluene không màu dùng để chế thuốc nổ tại hiện trường.
Họ cho biết hiện tại vẫn chưa xác định được chính xác những hóa chất nguy hiểm nào đang được lưu trữ tại kho bởi đây là kho hàng quá cảnh, hàng chỉ được lưu trữ tạm thời khi thông quan.
Hơn nữa, tất cả hồ sơ chứng từ của công ty đều bị thiêu rụi sau hai vụ nổ và khó có thể kết luận những hàng hóa độc hại nào được trữ trong nhà kho.
Wen Wurui, Trưởng phòng bảo vệ môi trường Thiên Tân, cho biết các hóa chất độc hại phát tán ra môi trường ở mức không 'quá cao'.
Các chuyên gia an toàn hóa chất cho biết, Canxi cacbua phản ứng với nước sẽ tạo ra Acetylen (C2H2), một loại khí dễ cháy nổ. Một vụ nổ có thể xảy ra nếu như những người lính cứu hỏa phun nước vào nơi chứa Canxi cacbua.
3. Những nguy hại mà các vụ nổ có thể đã gây ra là gì?
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, chính quyền địa phương đã nỗ lực chuyển 700 tấn sodium cyanide, loại chất cực độc có thể gây tử vong từ hiện trường chiều ngày 13/8.
Hiện trường tan hoang như một vụ 'nổ bom nguyên tử'
Mặc dù các chuyên gia đánh giá mức độ độc hại của các hóa chất phát tán ra môi trường không 'quá cao' nhưng việc tìm thấy natri xyanua thực sự đáng lo ngại vì đây là chất cực độc, có thể hòa tan trong nước nhưng vẫn có thể gây cháy nổ.
Khi tiếp xúc với axit, nước, hoặc carbon dioxide, nó có thể sản sinh ra khí hydrogen cyanide dễ gây cháy. Loại này không có mùi đặc trưng nên con người khó nhận ra ngay.
Tổ chức môi trường Greenpeace cũng cảnh báo bất kỳ cơn mưa nào ở Thiên Tân cũng có thể làm cho không khí ô nhiễm và thẩm thấu vào nguồn nước gây ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
4. Tại sao có quá nhiều lính cứu hỏa thiệt mạng?
Theo ông Kang, các nhân viên cứu hỏa nhận được thông báo về đám cháy đầu tiên ở cảng Thiên Tân vào khoảng 10h30 tối 12/8. Một vụ nổ tiếp theo tương đương với hơn 20 tấn TNT đã xảy ra vào lúc 11h30, là thời điểm lính cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa.
Lính cứu hỏa có thể đã nhiễm khí độc sau thảm kịch ngay cả khi họ mặc đồ bảo hộ, các thiết bị bảo vệ an toàn.
5. Khi công nghiệp tại cảng Thiên Tân liệu có thật sự an toàn?
Theo báo cáo của Viện Khoa học Môi trường Thiên Tân năm 2014, bất kỳ vụ nổ hay cháy nào tại khu vực xảy ra thảm kịch đều không tác động đến môi trường và dân cư xung quanh. Tuy nhiên, 2 vụ nổ liên tiếp xảy ra tối 12/8 đã đặt ra nhiều nghi vấn về tính chính xác của báo cáo.
Báo cáo kết luận: "Nhân viên cứu hỏa có thể đến hiện trường kịp thời trong trường hợp xảy ra cháy nổ, đồng thời thực hiện các biện pháp chữa cháy để khống chế chất độc hại thoát ra ngoài môi trường".
Theo quy định của Trung Quốc năm 2013, các doanh nghiệp liên quan đến hóa chất độc hại sẽ phải để nhà kho cách xa khu dân cư ít nhất 1.000m. Tuy nhiên, khu dân cư Harbour City chỉ cách nhà kho phát nổ 700m. Hầu hết các cửa sổ tòa nhà này đều bị vỡ tan.
Cửa kính của các tòa nhà trong khu chưng cư bị phá hủy
Nhiều người dân trong khu dân cư này phản ánh họ không biết thông tin về kho chứa hàng nguy hiểm ở gần đó.
6. Liệu sẽ có các vụ nổ tiếp theo không?
China Youth Daily dẫn lời ông Wu Chunping, kỹ sư cấp cao thuộc Viện Tổng hợp Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim cho hay việc dập tắt hoàn toàn ngọn lửa trở nên khó khăn hơn khi họ phát hiện ra các chất cháy nổ ở hiện trường.
Một đội chuyên gia hạt nhân và hóa học của quân đội Trung Quốc cũng đã được cử tới hiện trường. Còn rất nhiều container vẫn nằm ở khu trung tâm vừa xảy ra cháy nổ. Các chuyên gia cần phải đảm bảo rằng chúng không chứa các hàng hóa nguy hiểm có thể gây ra các vụ nổ mới.