Cận Tết, giá của các loại quả này càng tăng mạnh nhưng vẫn hút khách mua về biếu Tết hoặc dâng hương với mong muốn cầu may mắn, sung túc, ấm no cho năm mới.
Phật thủ
Phật thủ là loại quả quen thuộc trong tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam với hình dáng như những ngón tay chụm lại giống bàn tay Phật. Quả phật thủ mang ý nghĩa may mắn, tài lộc, rước tâm an và thường xuất hiện trên bàn thờ cúng vào ngày lễ, Tết, đặc biệt là trong mâm ngũ quả trong những ngày Tết Nguyên đán.
Quả phật thủ mang ý nghĩa may mắn, tài lộc, rước tâm an và thường xuất hiện trên bàn thờ cúng vào ngày lễ, Tết
Chính vì vậy, vào những ngày này, tại vựa phật thủ lớn nhất miền Bắc (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), người người, nhà nhà tất bật thu hoạch cho một vụ mùa rộn ràng nhất mà họ đã trông đợi trong suốt một năm. Ai cũng nâng niu từng quả phật thủ đang được thu hoạch để đóng gói, vận chuyển đến các chợ đầu mối khi ngày Tết đang đến gần.
Trên thị trường những ngày sát Tết, giá phật thủ tăng chóng mặt, những quả VIP có giá lên tới cả triệu đồng, loại vừa giá vài trăm nghìn đồng, còn loại kích thước bé giá 70.000 - 80.000 đồng.
Cam "tiến vua" xứ Nghệ
Theo cuốn "Lịch sử xã Nghi Diên" ghi lại, cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi, được mang đến Xã Đoài vào khoảng đầu thế kỷ 19. Không lâu sau, nó tạo nên một thương hiệu cam nổi tiếng mang tên ngôi làng mà nó hợp duyên, làng Xã Đoài. Đặc biệt nhất là loại cam này chỉ sống được ở xã Đoài, không thể sống ở nơi khác nên có giá cả vô cùng đắt đỏ, còn được mệnh danh là loại cam dành cho nhà giàu. Mặt khác, loại cam này là đặc sản “tiến vua” thời xưa nên còn có tên khác là cam “tiến vua”.
Gần Tết, không chỉ khách lẻ mà thương lái khắp nơi đều đổ xô về Nghi Lộc “săn” loại cam đặc biệt này. Dịp Tết năm nay, mỗi quả cam có giá từ 80.000 - 100.000 đồng. Giá cam siêu đắt nhưng nhiều chủ vườn vẫn không còn cam để bán. Cam xã Đoài được nhiều gia đình dùng làm quà biếu hoặc để thờ cúng trong dịp Tết, màu sắc vàng cam đẹp mắt, vỏ mỏng, mịn đều, mùi hương thơm dịu, ruột cam vàng óng ánh, có vị ngọt, thanh mà không chua. Khi cắt ra, cam có màu vàng óng, bắt mắt, nước chảy ra như mật ong nên rất được ưa chuộng.
Tại cửa hàng bán đặc sản xứ Nghệ vào dịp cận Tết, một chủ hàng cho biết dù đã đặt trước 100kg nhưng đến hiện tại cam Xã Đoài không còn dư để bán cho khách vãng lai mà chỉ còn hàng giao cho khách đã hẹn trước. Mỗi năm Tết đến, ông chủ cửa hàng này đều bán ra ít nhất 70-100kg cam Xã Đoài, dù giá cả đắt gấp 15 lần so với các loại cam thông thường, thậm chí là cam ngoại nhập nhưng cam “tiến vua” chưa bao giờ ế hàng.
Chuối ngự Đại Hoàng "tiến vua" ở Hà Nam
Chuối là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả của mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán vì sự xum xuê, vàng ươm đều tăm tắp của loại quả này được cho là mang lại may mắn, sung túc cho gia chủ. Đặc biệt, chuối rất dễ tìm mua ở các cửa hàng, siêu thị với giá cả hợp lý. Thế nhưng ở Hà Nam có một loại chuối lên tới cả triệu đồng mỗi buồng - đó là chuối ngự Đại Hoàng, vốn là đặc sản “tiến vua”.
Chuối ngự Đại Hoàng vốn là đặc sản “tiến vua”, nay có giá lên tới cả triệu đồng
Chuối ngự "tiến vua" khác với những loại chuối thường, dáng quả nhỏ, chỉ bằng hai ngón tay chụm lại. Chuối chín rất ngon để hàng tuần vẫn ngọt, vẫn thơm, đặc biệt không có lõi, ruột dẻo, không bao giờ bị nẫu. Để chuối chín đạt tiêu chuẩn không chỉ cần chú ý kỹ thuật trồng, phương pháp chăm sóc mà công đoạn giấm chuối cũng rất quan trọng. Chính vì cầu kỳ như vậy nên loại chuối này có giá đắt đỏ.
Đặc biệt, dù có giá cả đắt đỏ nhưng chuối ngự Đại Hoàng lại không hề “ế khách”, mà lại rất hiếm trên thị trường. Muốn mua được loại đặc sản đất Hải Nam này phải chịu khó săn lùng, đặt hàng từ trước Tết cả tháng thì mới có thể có được một nải chuối ngự Đại Hoàng để trưng vào 30 Tết.
Quýt chum chĩnh vàng
Quýt "chum vàng" hay còn gọi là quýt Hallabong là một loại trái cây đặc sản của Hàn Quốc, hiện tại chỉ được trồng ở Jeju. Tại Việt Nam, loại quả này là “ngoại nhập” 100%. Người dân Hàn Quốc gọi là cây hoàng kim, nghĩa là "cây vàng", vì hình dáng độc đáo của loại quả này trông giống như một chiếc chum đựng vàng bạc, châu báu. Quả phình to, đầu nhỏ và nhọn, màu vàng óng ánh.
Quýt chum chĩnh vàng mới xuất hiện trên thị trường và rất được ưa chuộng trong dịp Tết năm nay
Cũng vì hình dáng đặc biệt này mà quả quýt chum chĩnh vàng có ý nghĩa rất lớn trong mỗi dịp lễ, Tết của người Hàn và người Việt như mang lại may mắn, cầu tài lộc… Năm nay, loại quả nhập khẩu này được nhiều người tiêu dùng yêu thích và mua về trong dịp Tết để bày trong mâm ngũ quả.
Trên thị trường, một hộp quýt chum chĩnh vàng thường có khoảng 3 quả, trông giống như 3 chĩnh vàng được bán với giá khoảng 1 triệu, tương đương khoảng 330.000 đồng/quả. Một số cửa hàng cho biết gần Tết loại quả này càng khó nhập hơn nên giá cả tăng cao.
Táo ngôi sao
Táo hình ngôi sao lạ mắt là loại hoa quả đang hot trong dịp Tết Nguyên đán năm nay vì hình dáng độc lạ với ngôi sao 5 cánh. Được biết, táo hình ngôi sao được nhập khẩu từ Hàn Quốc, hiện tại chưa có nhà vườn nào ở Việt Nam có thể tạo hình loại táo này.
Táo ngôi sao có hình 5 ngôi sao lạ mắt, giá đắt đỏ
Là hàng ngoại nhập, một thùng táo hình ngôi sao để làm quà Tết với giá gần 2 triệu đồng trọng lượng 1,5kg, được khoảng 15 quả. Dù giá cả khá đắt đỏ so với các loại táo thông thường, thế nhưng do có hình dáng độc lạ, đẹp mắt đồng thời quả táo mang ý nghĩa cho sự phú quý, giàu sang, còn hình ngôi sao thì tượng trưng cho ngũ hành, nên được nhiều người quan niệm là một món quà mang đến may mắn trong dịp năm mới.
Bưởi đỏ Luận Văn
Bưởi Luận Văn là loại quả đặc sản tiến vua nổi tiếng của vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hóa từ lâu đời nay. Đúng như cái tên, loại bưởi quý này có vỏ màu đỏ gấc, rất đặc biệt so với hàng chục giống bưởi khắp cả nước. Tép bưởi có màu đỏ và đỉnh quả thì lồi, trông giống như một trái “hồ lô”. Vỏ bưởi mỏng, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, trông rất đẹp.
Vừa ngon vừa đẹp, màu sắc lại tượng trưng cho may mắn nên bưởi đỏ Luận Văn rất có giá. Vào đợt Tết, giống bưởi này rất được săn lùng để bày bàn thờ với mong muốn lấy hên đầu năm cũng như các dịp lễ Tết. Thường một quả bưởi đỏ lấy tại vườn trong khoảng 80.000 đến 200.000 đồng. Thậm chí cặp quả tròn đẹp có thể lên tới 800 đến hơn 1 triệu/cặp.
Bưởi đỏ Luận Văn khắc chữ Tài Lộc có giá lên tới vài trăm nghìn đồng/cặp
Theo ông Nguyễn Hải Đăng (thôn 7), hiện nay mọi người tìm đến bưởi Luận Văn không phải mong muốn được thưởng thức của ngon vật lạ đã từng tiến vua, mà hơn hết là thứ quả để trưng và dâng lên thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền. Theo nhiều hộ dân trồng bưởi, năm nay thời tiết thuận lợi nên bưởi Luận Văn vừa sai quả và to đều đẹp. Chính nhờ cây bưởi, giờ đây về Thọ Xương (Thọ Xuân) ai ai cũng thấy cuộc sống của bà con ấm no và phát triển hơn nhiều nhờ loại quả này.