Quản trị kinh doanh luôn là ngành học được nhiều sinh viên lựa chọn, thuộc top ngành có điểm chuẩn cao qua các năm. Mức lương ở những vị trí có kinh nghiệm làm việc nhiều năm có thể lên đến 100 triệu đồng/tháng hoặc hơn.
Đến sát mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều sĩ tử lại dành thời gian nghiên cứu về ngành học để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất. Giữa rất nhiều ngành học và định hướng nghề nghiệp, quản trị kinh doanh luôn được quan tâm, cũng như ưu tiên lựa chọn.
Trên thực tế, quản trị kinh doanh không phải là ngành học mới nhưng luôn thuộc top đầu ở khối kinh tế. Với mức điểm chuẩn đầu vào luôn ở mức khá cao, sinh viên tốt nghiệp ngành này thường có cơ hội làm việc và mức lương khá hấp dẫn.
Quản trị kinh doanh luôn là ngành học "top đầu" tại nhiều trường Đại học danh tiếng
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm chuẩn xét tuyển Đại học năm 2023 của ngành quản trị kinh doanh dao động từ 20,55 - 28,5 điểm.
Nhiều Hoa hậu, Á hậu theo học ngành quản trị kinh doanh
Một trong những điều thể hiện sức hút của ngành quản trị kinh doanh là có khá nhiều người nổi tiếp, đặc biệt trong giới Hoa hậu, Á hậu theo học ngành này. Đa phần đều có thành tích học tập ấn tượng. Một số cái tên có thể kể đến như: Mai Phương Thuý, Trần Tiểu Vy, Đỗ Mỹ Linh, Huỳnh Trần Ý Nhi, Lê Nguyễn Bảo Ngọc, Lê Hoàng Phương…
Hoa hậu Mai Phương Thuý từng thi đỗ Đại học Ngoại thương chuyên ngành Quản trị kinh doanh với số điểm 24,5 (Tiếng Anh: 9,0, Ngữ Văn: 7,5, Toán: 8,0). Tuy nhiên sau đó người đẹp Hà Thành chuyển sang học tại trường Đại học RMIT.
Hoa hậu Việt Nam 2016 - Đỗ Mỹ Linh cũng từng theo học ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Người đẹp thi đỗ vào ngôi trường nổi tiếng này với số điểm 21,75.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh từng theo học ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội
Tại thời điểm đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2018, Trần Tiểu Vy đang là sinh viên năm nhất ngành quản trị kinh doanh, thuộc chương trình liên kết quốc tế của trường Đại học Sunderland và trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 - Huỳnh Trần Ý Nhi hiện đang theo học chương trình liên kết 2+2 ngành quản trị kinh doanh giữa trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) và trường Đại học Sydney. Người đẹp sang Úc từ cuối năm 2023 để thực hiện học phần quốc tế.
Lê Nguyễn Bảo Ngọc là sinh viên quản trị kinh doanh tại trường Đại học Quốc tế TP.HCM. Cô là Á hậu 1 tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022.
Á hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc cũng chọn học quản trị kinh doanh
Hoa hậu Lê Hoàng Phương nhận học bổng toàn phần chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH). Trước đó cô từng tốt nghiệp ngành Kiến trúc tại đây.
Ngành quản trị kinh doanh có gì mà “hot" đến vậy?
Tính đến năm 2023, cả nước có khoảng hơn 150 trường Đại học đào tạo ngành quản trị kinh doanh. Trong đó một số cơ sở giáo dục đào tạo top đầu về ngành này như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thương mại, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM…
Quản trị kinh doanh bao gồm các chuyên ngành: quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị kinh doanh quốc tế, quản trị thương mại, quản trị marketing, quản trị kinh doanh tổng hợp… và quản trị logistics.
Ngành học này phù hợp với các bạn năng động, thích thử thách, thích mở rộng mối quan hệ xã hội. Mặc dù số lượng người học quản trị kinh doanh nhiều, cạnh tranh cao nhưng quản trị kinh doanh vẫn là một tấm bằng mang lại không ít lợi ích, nhất là khi bạn đã học một ngành khác và ổn định công việc rồi. Tư duy quản trị có thể ứng dụng mọi lúc, mọi nơi, không chỉ trong công việc mà cả ngay trong việc bạn quản lý bản thân cũng như quản lý gia đình nhỏ của mình. Quản trị là khoa học về sử dụng, điều phối nguồn lực một cách hiệu quả nhất thông qua các chiến lược đúng đắn để đạt mục tiêu một cách nhanh nhất, cao nhất, tối ưu nhất.
Ngành quản trị kinh doanh mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp và mức lương hấp dẫn
Cơ hội nghề nghiệp của ngành quản trị kinh doanh luôn rộng mở với sinh viên khi mới ra trường. Đồng thời mức lương cũng tuỳ thuộc vào từng vị trí, kinh nghiệm làm việc.
Đối với những người chưa có kinh nghiệm, mức lương khởi điểm ban đầu từ 6 - 7 triệu đồng, có thể đến 8 - 16 triệu đồng đối với các vị trí yêu cầu 1-3 kinh nghiệm, chưa bao gồm tiền thưởng hoa hồng.
Chuyên viên kinh doanh: Lương 15 – 20 triệu đồng, chưa bao gồm tiền thưởng hoa hồng. Trưởng phòng kinh doanh: 30 - 50 triệu đồng.
Giám đốc kinh doanh: Lương phụ thuộc vào lợi nhuận của doanh nghiệp, mức trung bình có thể lên tới 100 triệu đồng, hoặc cao hơn.
Sinh viên học quản trị kinh doanh ra trường có thể làm các công việc đa dạng như: Chuyên viên, quản lý kinh doanh; chuyên viên, quản lý marketing; phát triển kinh doanh; quản lý truyền thông - quan hệ công chúng; quản trị nhân sự; phát triển văn hóa - nhân sự; phân tích, quản lý tài chính - kế toán; chuyên gia pháp lý; quản lý quan hệ đối tác; giám đốc, quản lý điều hành bộ phận….
Chọn ngành học “hot” nhưng cần đúng với năng lực và mong muốn của bản thân
Tuy nhiên những ngành học “hot” luôn đi kèm với việc nhiều người nộp hồ sơ, dẫn đến tỷ lệ “chọi” cao vào mỗi kỳ tuyển sinh. Cùng với đó là sự cạnh tranh sau khi ra trường. Chính vì vậy khi cân nhắc lựa chọn ngành học, các bạn học sinh cần lưu ý kĩ nhiều khía cạnh, khả năng của bản thân, niềm yêu thích ngành nghề… để đưa ra lựa chọn đúng đắn và phù hợp nhất.