Trước sự hoành hành vượt mức kiểm soát của virus Ebola, Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh nguy hiểm này.
Đại dịch Ebola đang gây ra bầu không khí hoang mang, lo sợ trên khắp thế giới. Không chỉ các nước ở Châu Phi mà các quốc gia ở Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ đều đã khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng ngừa sự xâm nhập của dịch bệnh gây chết chóc, nguy hiểm này. Nhiều hãng hàng không lớn đã tạm ngưng các chuyến bay tới các nước Tây Phi trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Dưới đây là những thông tin cần biết về virus Ebola:
Tên gọi Ebola bắt nguồn từ đâu?
Gần 40 năm trước, một nhà khoa học trẻ người Bỉ bắt đầu hành trình nghiên cứu ở khu vực hẻo lánh của Congo, với nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân khiến nhiều người dân tử vong vì một căn bệnh nguy hiểm nhưng chưa từng được biết đến. Vì nó được phát hiện tại một khu làng ven sông Ebola, vậy nên người ta lấy tên con sống này để đặt cho nó. Tại châu Phi, dơi ăn quả được xem là các vật chủ tự nhiên của vi rút này.
Biểu hiện kinh khủng của bệnh Ebola: Mọc mụn nước dưới da
Bệnh virus Ebola (trước đây gọi là sốt xuất huyết Ebola) lần đầu tiên xuất hiện ở Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) vào năm 1976.
Đây là căn bệnh gây tử vong khá nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên tới 90%, đồng thời là một trong những căn bệnh do virus nguy hiểm nhất thế giới.
Các dấu hiệu của bệnh do virus Ebola là gì?
Các triệu chứng có thể bột phát bất cứ thời điểm nào trong vòng 2-21 ngày nhiễm virus nhưng chủ yếu là giữa ngày 8 và 10 với các triệu chứng tương tự như cúm, tả, thương hàn và sốt rét.
Triệu chứng cụ thể bao gồm: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau khớp, suy nhược, tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày và biếng ăn.
Tiếp theo là ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, thậm chí trong một số trường hợp còn gây xuất huyết trong và ngoài. Xuất huyết có thể từ mắt, tai, mũi, miệng và hậu môn.
Một người nhiễm Ebola thì máu và chất bài tiết cũng có chứa virus.
Các nhân viên y tế đưa các bệnh nhân Ebola vào vùng cách ly.
Cơ thể người đã mắc bệnh làm thế nào để phục hồi khi chưa có cách chữa?
Khi cơ thể bị nhiễm virus, nó bắt đầu tạo ra các kháng thể để tấn công vi rút. Những người sống sót là người có đủ kháng thể Ebola, hoặc bất kỳ kháng thể nào có thể vô hiệu hóa loại vi rút này.
Con đường lây truyền của virut Ebola sang người
Nhiễm Ebola là một tình trạng cấp tính, do đó không có tình trạng người lành mang virus.
Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, virus lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gollzia, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới.
Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).
Cán bộ y tế rất có nguy cơ nhiễm virus Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp. Cán bộ y tế cần được trang bị kiến thức cơ bản về điểm của bệnh, đường lây truyền và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
Ebola lây lan qua tiếp xúc gần
Không thể xác định ai có thể mắc Ebola từ cách đơn giản như đi chung máy bay hay ở một không gian công cộng với người mắc bệnh. Bởi vì Ebola không lưu thông trong không khí như virus cúm hay các bệnh đường hô hấp khác.
Khu vực bùng phát dịch Ebola.
Để mắc Ebola, bạn phải tiếp xúc với dịch cơ thể (như mồ hôi, chất nôn, máu, nước tiểu, tinh dịch) của người bệnh, cả còn sống và đã chết. Ebola có thể sống trên một bề mặt ít nhất 7 ngày, bạn có thể tiếp xúc với mầm bệnh nếu chạm vào giường hay các đồ dùng có chứa dịch từ cơ thể người bệnh. Sau đó, bạn có thể đưa virus vào cơ thể khi chạm tay vào đồ ăn và ăn.
Ai có nguy cơ cao mắc phải Ebola
Những người có nguy cơ mắc phải Ebola là những người phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Đó có thể là: Người nhà bệnh nhân, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người dự tang lễ bệnh nhân và có tiếp xúc trực tiếp với thi thể người nhiễm bệnh, người đi săn tiếp xúc với xác động vật chết do nhiễm Ebola và các cán bộ y tế chăm sóc người bệnh Ebola.
Virus Ebola có lây lan qua đường tình dục không?
Tuy số người nhiễm bệnh tăng nhanh chóng trong thời gian qua nhưng các chuyên gia y tế cho rằng bệnh này không dễ lây truyền nếu không có sự tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm.
Điều tra cho thấy loài virus Zaire Ebola nguy hiểm nhất mang tỉ lệ tử vong cao đến 89%
Theo TS William Schaffner - GS y tế dự phòng và bệnh nhiễm tại Trường ĐH Y khoa Vanderbilt ở Mỹ - Ebola lan truyền do tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh như máu, dịch nôn, phân, mồ hôi, nước bọt, nước mắt và tinh dịch. Vì vậy trên lý thuyết, có thể bị nhiễm bệnh do quan hệ tình dục nhưng đó không phải là con đường lây truyền phổ biến.
TS Schaffner giải thích rằng không giống như virus cúm hay HIV, bệnh nhân nhiễm Ebola không lây truyền bệnh cho đến khi họ có triệu chứng bệnh và khi đã có những biểu hiện như vậy, ít người nghĩ đến chuyện quan hệ tình dục.
Tại sao dịch bệnh này lại lây lan quá nhanh ở châu Phi?
Giám đốc CDC, Tiến sĩ Tom Frieden cho biết cơ sở y tế ở các quốc gia đang bị dịch bệnh hoành hành như Guinea, Sierra Leone và Liberia vô cùng thiếu thốn. Nhân viên y tế không được trang bị quần báo bảo hộ và có nhiều trường hợp bệnh nhân chống lại các y bác sĩ khi không chịu tới cơ sở cách ly. Bên cạnh đó, ba nước kể trên có chung biên giới nên người dân thường xuyên vượt biên qua nước bạn làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Việc chôn cất thi thể người bị bệnh theo kiểu truyền thống cũng dễ khiến dịch bệnh lây lan