Rất nhiều địa phương trên thế giới vẫn tồn tại những phong tục tập quán vô cùng kỳ lạ nhưng cũng không kém phần rùng rợn.
1. Bó chân
Bó chân là một tục lệ đã từng xuất hiện tại Trung Quốc vào thời nhà Đường. Phong tục này chỉ áp dụng đối với các cô gái trẻ, nhất là những cô gái thuộc các gia đình quý tộc, vương giả,... Đến thế kỷ 12, tục lệ bó chân đã trở thành “mốt”, và được coi là chuẩn mực của cái đẹp khi đến thời nhà Minh. Thời nhà Minh coi trọng những cô gái nào chân càng nhỏ thì càng có cơ hội lấy được chồng giàu có và danh giá. Vậy nên những gia đình có con gái đều bắt các bé gái từ 5 tuổi thực hiện nghi lễ bó chân. Đó là bởi giai đoạn này xương của trẻ nhỏ còn mềm, dễ uốn nắn.
Bà và mẹ sẽ là người buộc các dải băng để quấn chân con gái của họ cho nhỏ lại. Các bé gái sẽ phải chịu nỗi đau thể xác khủng khiếp, không thể tự đi lại được, thậm chí phải bò để di chuyển. Đến khi cơn đau không còn nữa, các bé gái mới có thể tự di chuyển bằng gót chân. Dần dần gót chân chai cứng, bàn chân ổn định kích thước từ 7 - 10cm thì việc bó chân coi như đã hoàn thành. Ngày nay thì tục lệ này không còn hiện hữu nữa do không còn phù hợp.
2. Đeo đĩa vào môi
Bộ tộc người Mursi sinh sống trong thung lũng Omo, cách thủ đô Addis Ababa của Ethiopia khoảng 1.840 km nổi tiếng khắp thế giới với những phụ nữ đeo những chiếc đĩa ở môi dưới. Những chiếc đĩa có kích thước khoảng 10 - 15cm khiến cho họ trông thật kỳ quái và kinh dị.
Bắt đầu khoảng 15 - 16 tuổi, các cô gái trẻ bộ tộc Mursi sẽ bắt đầu quá trình khoét môi để có thể đeo được những chiếc đĩa. Quá trình này vô cùng đau đớn, khi mà các cô gái vừa phải khoét môi mà còn phải nhổ bỏ ít nhất 2 - 4 răng cửa ở hàm dưới. Quá trình căng môi để nhét đĩa sẽ kéo dài từ những chiếc đĩa nhỏ cho đến những chiếc đĩa lớn có đường kính 15cm.
Người Mursi coi rằng, các cô gái đã trải qua tục lệ đeo đĩa vào môi tức là đã trưởng thành, có thể bắt đầu kén chồng và sinh sản. Đến khi có chồng, phụ nữ Mursi mới có quyền được tháo bỏ đĩa vào những lúc ngủ hoặc khi chồng qua đời. Còn bình thường họ vẫn sẽ đeo đĩa để phục vụ bữa ăn cho chồng, hoặc khi tiếp khách.
3. Tự xiên đồ vật qua người
Đây là một nghi thức được thực hiện trong lễ hội “Cửu hoàng đế” được tổ chức bởi những người sùng đạo tại Thái Lan. Đây là lễ hội nhằm tôn vinh tín ngưỡng của đạo giáo đối với 9 vị hoàng đế. Lễ hội “Cửu hoàng đế” hay còn được biết đến là lễ hội ăn chay, được diễn ra ở cả Malaysia và Singapore chứ không riêng gì Thái Lan.
Trong lễ hội này, người tham gia không được phép ăn thịt, chỉ được ăn các món chay mà thôi. Ngoài ra họ còn phải kiêng uống rượu, kiêng quan hệ tình dục, không được nói dối và không giết người. Đặc biệt sẽ có nhiều người sùng đạo tự xiên các que nhọn qua má, môi của bản thân để thể hiện sự tôn kính. Họ cũng có thể chạy trên than nóng, leo những chiếc thang gắn dao cạo trong tiếng nhạc xập xình, chát chúa. Điều này sẽ giúp họ “nhập thần”, không còn cảm thấy đau đớn về thể xác nữa.
4. Tịnh thân
Tịnh thân là nghi thức bắt buộc nếu như một nam giới muốn vào trong hoàng cung để phục vụ các hoàng đế của Trung Quốc. Đây là nghi thức có nguồn gốc từ thời đại Tây Chu và kéo dài cho đến khi chế độ phong kiến ở Trung Quốc bị chấm dứt, thay bằng chế độ xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Các thái giám sẽ phải cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình, để tránh việc tòm tèm với cung nữ chốn hậu cung, gây nhiều hậu quả xấu đối với triều đình của hoàng đế. Vào thời nhà Minh, các thái giám có nhiều quyền lực nhất, thao túng triều đình, lũng đoạn xã hội. Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác cũng có tục lệ này nhằm tạo ra những đứa trẻ nam giới có thể hát giọng nữ cao.
5. Tự trừng phạt
Tự trừng phạt là một lễ hội của người Hồi giáo theo dòng Shia trên khắp thế giới. Họ sẽ dùng roi da, dây xích hoặc bất kể thứ gì có thể tự làm bản thân bị thương. Lễ hội này để tưởng nhớ tới cái chết của Imam Hussein, cháu trai của nhà tiên tri Muhammad. Trong đó, Imam Hussein đã thiệt mạng trong trận chiến Karbala xảy ra vào thế kỷ thứ 7 ở Iraq. Đây là sự kiện gây chia rẽ nội bộ Hồi giáo giữa những người theo dòng Shia và dòng Sunni.
6. Thiên táng
Đây là một nghi thức đã có từ rất lâu bắt nguồn từ Tây Tạng. Khi có người mất, xác của họ sẽ được cắt thành nhiều miếng nhỏ và đặt trên đỉnh núi để làm mồi cho loài kền kền ăn xác người. Người Tây Tạng cho rằng loài kền kền là loài chim của Trời, khi chết nếu được kền kền ăn xác sẽ giúp lên thiên đàng nhanh hơn, nhanh chóng được siêu thoát.
7. Nhảy từ tháp gỗ
Trên hòn đảo Vanuatu, ngoài biển Thái Bình Dương có một bộ tộc tên là Naghol. Tại đây tồn tại nghi thức nhảy từ trên tháp gỗ xuống, với đôi chân của người nhảy được buộc dây cố định. Nghi thức này gần giống với kiểu nhảy bungee đang phổ biến trên thế giới hiện nay. Nam giới của bộ tộc đều phải trải qua nghi thức này nếu muốn được công nhận là người trưởng thành. Họ không có đồ bảo hộ, chỉ được buộc dây vào chân để đảm bảo khi nhảy xuống sẽ chỉ cách mặt đất chỉ vài cm.
8. Đeo găng tay kiến độc
Bộ tộc Sateré-Mawé, Amazonas, Brazil có một nghi thức trưởng thành vô cùng đau đớn dành cho các bé trai từ 12 tuổi trở lên. Đó là các bé trai sẽ phải đeo lên tay những chiếc găng chứa đầy kiến đạn, là một loại kiến độc có khả năng gây ra vết đốt đau rát gấp hàng chục lần so với vết đốt của ong. Sau khi đeo găng, những bé trai sẽ phải nhảy một điệu nhảy kéo dài từ 10 - 20 phút, trong khi đó những con kiến không ngừng cắn vào tay.