Thống kê mới nhất đến trưa nay (2/10), bão số 10 đã gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh miền Trung: 9 người chết, 1 người mất tích và 199 người bị thương vì bão số 10, tổng thiệt hại tài sản gần 5 ngàn tỷ đồng.
Quảng Bình là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất, 5 người chết là do bị cột ăng ten và cây đổ gãy đè là các nạn nhân Lê Thanh Nghị (41 tuổi) quê xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Nguyễn Chí Thành 41 tuổi, quê ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch; Lê Văn Hoài 46 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội do bị tôn cắt; Nguyễn Văn Thuần 41 tuổi quê ở xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch và cháu Hồ Thị Quỳnh Nhi 1 tuổi quê ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, bị tôn đè.
Nghệ An bị thiệt hại 2 người là Nguyễn Thị Hồng 36 tuổi quê ở xã Quỳnh Thiện, Thị xã Hoàng Mai và ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An, 51 tuổi. Ông Dũng bị lũ cuốn trôi cùng xe ô tô 7 chỗ khi đang trên đường chở đồ cứu trợ, mì tôm, nước uống đến cứu trợ cho nhân dân vùng bị ngập lũ ở Thị xã Hoàng Mai vào đêm qua (1/10). Sáng nay, đã tìm thấy thi thể ông Dũng cùng chiếc ô tô cách chỗ xảy ra tai nạn 100m, ông Dũng chưa kịp thoát ra khỏi ô tô.
Tỉnh Thanh Hóa bị thiệt mạng 2 người là Nguyễn Lương Nguyên và Mai Kim Quang cùng 13 tuổi, quê ở xã Hải Hà, huyện Nông Cống. Hai em bị chết đuối khi đi qua tràn.
Hiện vẫn còn 1 nạn nhân mất tích ở tỉnh Quảng Bình là ông Phan Văn Lương, 53 tuổi, quê ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch. Ông Lương bị mất tích do bị đứt neo trôi tàu khi cho tàu vào trú bão. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nghiêm túc chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương rút kinh nghiệm về trường hợp tai nạn đáng tiếc của ông Lương. Cơ quan chức năng địa phương đang tiếp tục chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Tìm thấy thi thể ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An (Ảnh: Tri thức trực tuyến)
Bão số 10 đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung với sức tàn phá khủng khiếp còn làm 199 người bị thương ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Quảng Bình trung tâm bão là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất với 140 người bị thương.
Về tài sản, bão số 10 cũng để lại hậu quả nặng nề với tổng thiệt hại về tài sản ở các tỉnh miền Trung tính đến sáng nay ước tính đã lên tới gần 5 ngàn tỷ đồng. Cụ thể, 372 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi; 25.783 nhà bị ngập; 194.137 nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Trường học, trụ sở cơ quan, bệnh viện, công trình công cộng bị ngập, hư hại, tốc mái 795 cái.
4.258 ha lúa bị ngập, đổ; 12.751 ha ngô, sắn và hoa mầu bị ngập, đổ; 20.391 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. 2.164 ha ao cá, tôm bị ngập, hư hại. 120 tàu thuyền bị lật, chìm, gặp sự cố.
120.730 m3 đất, đá, bê tông sạt, trôi, bồi lấp. 2 hồ đập tại Thanh Hóa bị vỡ (dưới 500.000 m3); 4 hồ đập bị hư hỏng, sự cố ở Thanh Hóa; 21.940m đê, kè bị hư hỏng và cuốn trôi; 30.169m kênh, mương bị hư hỏng, cuốn trôi.
Hệ thống điện và thông tin liên lạc bị đổ1 cột ăng ten phát sóng; 710 cột điện hạ thế, 71 cột điện trung thế và 35 cột điện cao thế bị nghiêng, đổ; 48.000m đây điện bị đứt.
342.620 m3 đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp; 23.711m đường giao thông bị sạt lở, hư hại. Nhiều tuyến đường bị ngập, gây ách tắc giao thông, như tỉnh Nghệ An bị ngập Quốc lộ 1A đoạn trên địa bàn thị xã Hoàng Mai (Km388-Km391) sâu trên 0,7m; một số đoạn thuộc Quốc lộ 48, 48B, 15A bị ngập sâu từ 0,3-0,5m.
Tỉnh Thanh Hóa cũng bị ngập Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn huyện Tĩnh Gia, gây ách tắc giao thông; một số tuyến đường liên thôn, xã thuộc địa bàn huyện Tĩnh Gia bị ngập sâu trên 1m.
Đến sáng nay, Quốc lộ 1A đoạn qua Tĩnh Gia, Thanh Hóa nước đã rút, thông tuyến giao thông; đoạn qua Hoàng Mai, Nghệ An còn ngập 30cm; đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến.
Trong khi đó, ảnh hưởng mưa lũ sau cơn bão số 10 vẫn chưa dừng lại. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định tiếp tục lên. Đến tối và đêm nay (2/10), lũ thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, riêng hạ lưu sông La còn dưới mức báo động 1. Cụ thể mực nước trên một số như sau: Sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 3,7m, trên báo động 2 là 0,2m. Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,0m, trên báo động 1 là 0,6m, và có khả năng đạt đỉnh vào trưa mai (3/10) ở mức 6,3m, dưới báo động 2 là 0,6m. Cảnh báo cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh trên. Trên biển, khu vực Giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Nguyên nhân do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12 – 14 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển đông có vị trí hồi 7 giờ sáng nay (02/10) ở vào khoảng 12.5 – 13.5 độ vĩ Bắc, 110.5 – 111.5 độ kinh Đông. |