Ngày 2.3, GS Lê Đình Lương - Tổng thư ký Hội Di truyền học Việt Nam, Cố vấn khoa học của Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) nhận định, việc một cặp sinh đôi nhưng mỗi trẻ lại mang gen một ông bố khác nhau là chuyện vô cùng hy hữu.
GS Lương cho biết, theo thống kê mà GS từng tìm hiểu, trên thế giới mới ghi nhận khoảng 10 ca “sinh đôi khác cùng bố”.
“Quá trình này rất hy hữu nhưng cũng rất đơn giản. Một người phụ nữ quan hệ tình dục với 2 người đàn ông khác nhau trong thời gian họ rụng trứng. Người phụ nữ cũng “rụng” hai quả trứng và “con giống” của mỗi người đàn ông lại “tấn công” một quả trứng khác nhau. Hai quả trứng này đều thụ thai khiến người mẹ mang thai đôi trong khi mỗi con lại mang gen của một ông bố khác nhau” – GS Lương phân tích.
Ảnh minh họa
Theo GS Lương, khoảng cách “tốt nhất” cho hai lần quan hệ với hai người đàn ông khác nhau khiến người phụ nữ “sinh con không cùng bố” là khoảng 2-3 ngày, tối đa là 5 ngày. Tuy nhiên, càng lâu thì tinh trùng càng yếu, khả năng thụ thai cũng lúc là rất khó. “Chuyện về ADN vô cùng phong phú, bí hiểm, ly kỳ, nhưng không gì không thể xảy ra. Chỉ có gen ADN là không biết “nói dối” – GS Lương nhấn mạnh.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) đã chia sẻ về trường hợp “sinh đôi không cùng bố”. Bà Nga cho biết, anh Mạnh (34 tuổi, Hoà Bình) thấy hai con gái sinh đôi của mình không có nét gì giống nhau, một bé tóc rậm, xoăn, bé kia tóc thẳng, lưa thưa, nét mặt cũng khác nhau, nên đã đi xét nghiệm gen.
Kết quả xét nghiệm ADN không chỉ khiến ông bố sốc mà chính bà Nga cũng ngỡ ngàng. Một em bé có 99,99% gen giống bố (anh Mạnh), còn một bé lại mang gen hoàn toàn xa lạ. Thậm chí, anh Mạnh còn cho rằng mình đã “bế nhầm con” nên đưa vợ đến xét nghiệm. Càng bất ngờ hơn khi người mẹ thực sự là mẹ ruột của hai bé sinh đôi.
Câu chuyện “hy hữu” này chỉ xảy ra khi người vợ đã phản bội chồng trong cùng thời gian thụ thai và mang thai sinh đôi, mỗi con một bố.