Ấn giả đền Trần tung hoành

Ngày 26/02/2013 08:59 AM (GMT+7)

Nói cho chính xác, ngày thứ hai phát ấn phải gọi là bán ấn đền Trần.

Việc nhà đền lúc bán lúc không, nhỏ giọt ấn kiểu bố thí cho du khách khiến tâm lý người đi lễ mệt mỏi và tạo cơ hội cho ấn giả tung hoành...

Trước ngày khai ấn, Ban tổ chức Lễ hội đền Trần thông báo sẽ phát ấn liên tục trong các ngày diễn ra lễ hội. Ngoài ra còn có thông báo dự kiến năm nay khai ấn trùng với ngày nghỉ, số lượng khách về đông hơn nên ấn phát sẽ nhiều hơn, dự kiến gấp đôi năm ngoái. Vì thế, nhà tổ chức đã chuẩn bị 50 vạn ấn.

Mặc dù vậy, ngay từ sáng qua (25.2), biểu hiện bán ấn nhỏ giọt của nhà đền đã bắt đầu xuất hiện. Theo đó, mỗi người đưa 20.000 đồng được phát 1 ấn, nhưng đưa từ 50.000 trở lên đến bao nhiêu cũng chỉ được phát tối đa 3 ấn. Chỉ sau 1 tiếng rưỡi phát ấn, đến 8 giờ 30, khi đoàn người xếp hàng mua ấn vẫn đông nghịt thì cả 3 nhà Giải vũ đều đồng loạt thông báo hết ấn. Đám đông tiu nghỉu nhưng vì chưa thông báo bao giờ phát ấn tiếp nên không ai bỏ hàng.

Ấn giả đền Trần tung hoành - 1
Ăn bánh quy thay cơm chờ phát ấn.

Thủ từ đền Trần, ông Trần Huy Chiến không trả lời báo chí về việc vì sao lại sử dụng phương án phát ấn kiểu nhỏ giọt này. Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần, ông Nguyễn Xuân Hoạt khẳng định đã chuẩn bị ấn theo dự kiến từ trước đêm khai ấn, còn vì sao phát ấn ít thì là việc của nhà đền.

Ấn "độc" cổng đền


Không rõ Ban tổ chức Lễ hội đền Trần và nhà đền tính toán ra sao khi phát ấn nhỏ giọt, tuy nhiên, hậu quả lại dễ thấy. Nó tạo ra tình trạng khan hiếm ấn, kéo theo điều kiện cho ấn giả tung hoành. Bởi đương nhiên, không mua được ấn theo lối xếp hàng "chính quy", không ít người chấp nhận đi "đường tắt" mua ấn với giá cao.

Cùng lúc nhà đền thông báo hết ấn, lập tức các hàng đổi tiền lẻ, vàng mã, tiền cổ ngoài cổng đền bắt đầu tiếp thị. Họ thì thọt hỏi khách có mua ấn không. Dù nhà đền chưa thông báo trên loa nhưng các "cò mồi" này đã biết phải đến 2 giờ chiều mới tiếp tục bán ấn. Giá ấn được phát với mức 200.000 đồng/chiếc lúc 9 giờ. Một giờ sau, giá ấn giảm xuống 100.000 đồng/chiếc, không mặc cả.

Trong vai một người đi mua ấn cho cơ quan, chúng tôi được đám "cò mồi" tranh nhau mời chào ở ngay cổng chính đền Trần. Chủ một mẹt bán bánh giày, giò chả khi biết ý định cần mua ấn với số lượng 80 chiếc đã quyết định hạ giá xuống 80.000 đồng/chiếc. Sau một lúc mặc cả không thành, với lý do đắt, chúng tôi quyết định mua 1 chiếc để làm mẫu.

Với phương pháp này, phóng viên tiếp tục mua thêm 5 chiếc ấn ở các hàng bên cạnh. Tuy nhiên, toàn bộ 6 chiếc ấn mua tại cổng đền Trần đều có dấu hiệu khác lạ. Những lá ấn này có phiến giấy mỏng hơn, mặt ấn không giáp, mực dâu nhạt và nhòe. Các hoa văn trên ấn cũng đều mờ hơn. Nhân viên phát ấn nhanh chóng xác định đây là ấn giả. Như vậy, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người vì không chờ được nhà đền bán ấn đã mua phải ấn giả.

Về hiện trạng lộn xộn từ ngày khai ấn đến nay, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, cho biết lễ hội năm nay đã không đi đúng theo hướng đã định. Tạm yên ổn năm ngoái, lộn xộn đã bùng phát dữ dội vào năm nay. "Chính tôi cũng không tưởng tượng nổi người ta lại tin vào lá ấn đến thế, kéo về nhiều đến thế", ông Quang nói.

Cần giải thích về lá ấn

Theo ý kiến các nhà nghiên cứu, phải giải thiêng lá ấn đền Trần thì hội đền Trần mới lập lại được trật tự. Để giải thiêng lá ấn, cần phải nói lại cho rõ không hề có chuyện nhà Trần ban chức tước qua lá ấn. Vì thế, ấn đền Trần cùng lắm chỉ là một lá bùa cầu an. Cũng chưa có gì khẳng định ấn đền Trần là một ấn cổ.
Theo Văn Đông - Hải Đăng - Trinh Nguyễn (Thanh Niên)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot