Phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình sáng 21/11 nóng ngay từ đầu bởi hàng loạt câu hỏi của các ĐB Quốc hội về án oan sai. Trong đó có vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm.
Đề nghị làm rõ thông tin ông Chấn bị bức cung, nhục hình
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: “Vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử tù chung thân sau 10 năm mới được minh oan gây bức xúc trong dư luận. Người ta cho rằng “nhất nhật tại tù bằng ngàn thu tại ngoại”.
“Vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu? Chánh án có biện pháp gì minh oan, bồi thường cho người bị oan? Liệu có bao nhiêu “con thỏ” mà chúng ta mà tuyên là “con gấu”?”.
Sau ĐB Thuyền, tiếp tục câu hỏi từ ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) gửi đến Chánh án Trương Hòa Bình: “Qua vụ Nguyễn Thanh Chấn và một số vụ kết luận oan sai vừa qua cho thấy có lỗi của cả điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án”.
“Với tư cách là người đứng đầu đề nghị Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng bộ Công an cho biết: Trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra một số vụ truy tố, xét xử oan?”.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Người lao động)
Tái chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình sau đó, ĐB Lê Thi Nga đề nghị: Hiện nay theo quyết định của Hội đồng tái thẩm hồ sơ vụ án ông Chấn được giao lại cho công an tỉnh Bắc Giang điều tra lại.
“Tuy nhiên, để khách quan, đề nghị không cho Công an tỉnh Bắc Giang điều tra nữa”. ĐB Lê Thị Nga đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an trực tiếp điều tra, Viện Kiểm sát Tối cao trực tiếp kiểm sát điều tra.
Nữ Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị cơ quan điều tra viện kiểm sát tối cao khẩn trương xác minh điều tra làm rõ những thông tin ông Chấn bị bức cung, nhục hình và những hành vi có dấu hiệu của tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Bà Nga cũng đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao rà soát lại các vụ hình sự kêu oan, đặc biệt là bị án tử hình, tránh tình trạng khi phát hiện ra oan nhưng đã thi hành án.
“Để oan sai với mức án cao nhất là không chấp nhận được”
Trả lời câu hỏi của hai ĐB, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, Vụ án ông Chấn xảy ra đã có một bản phúc thẩm ngày 27/7/2004. Sau khi xét xử, gia đình ông Chấn cũng có đơn kêu oan. Những năm trước và gần đây có xuất hiện việc ngày 4/11/2013 Viện trưởng VKSND Tối cao có quyết định tái thẩm số 01 đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên.
Hiện nay các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để Viện Kiểm sát thực hiện việc điều tra lại. Tất nhiên sẽ chuyển lại cơ quan điều tra để điều tra vụ án.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (Ảnh: Tiền Phong)
Chánh án Trương Hòa Bình tạm dừng nói lại về vụ án, ông cho rằng, liên quan đến câu hỏi này, các vị ĐB Quốc hội và đồng bào cử tri cũng quan tâm.
Ông nói: “Vấn đề đặt ra là có oan sai hay không, có ép cung, nhục hình hay không, trách nhiệm của các ngành như thế nào?”.
Chánh án tiếp tục nói về vụ án, trên thực tế, do những nguyên nhân khác nhau cũng có xảy ra oan sai. Gần đây có dư luận cho rằng, vụ án ông Chấn là sai, có ép cung, nhục hình.
“Chúng tôi nghĩ rằng, về bình diện chung thực tế bất cứ nền tư pháp của nước nào, kể cả nước tiên tiến cũng không tránh khỏi oan sai. Việt Nam cũng không tránh khỏi”.
“Nhưng để xảy ra oan sai, nhất là oan đối với người bị buộc tội ở mức án cao như 20 năm, chung thân, tử hình là không chấp nhận được”.
Tuy nhiên, Chánh án cho rằng xác định có oan sai không phải theo quy định chặt chẽ, còn dư luận là dư luận. Những người có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Vì xảy ra oan sai là nỗi thống khổ, “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”.
Quyền tự do của con người, ảnh hưởng cả gia đình dòng tộc phải được xem xét kịp thời, thấu đáo, khẩn trương nhưng đúng pháp luật. Có oan hay không oan nó là theo quy định của pháp luật.
Chánh án Trương Hòa Bình nói: “Mong các vị đại biểu QH xem xét thấu đáo, chờ các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết đúng đắn vụ án. Những người đứng đầu cơ quan này có trách nhiệm trước Quốc hội trước nhân dân”.
Chuyển sang vấn đề vấn đề có ép cung, nhục hình hay không? Chánh án cho rằng: “Không thể chấp nhận nếu có ép cung, nhục hình. Nhưng có thì phải chứng minh”.
Theo Chánh án, việc hội đồng xét xử phát hiện có ép cung hay không là điều rất khó, phải được bị can yêu cầu xem xét, luật sư, Viện Kiểm sát yêu cầu thì tòa án mới có quyền.
“Với trách nhiệm của hội đồng xét xử, dù có đề xuất hay không, xét xử xảy ra oan sai thì TAND phải liên đới trách nhiệm, không thể phủ nhận được trách nhiệm này” - ông Trương Hòa Bình thừa nhận.
“Còn trong trường hợp này có hay không có thì phải chứng minh một cách chặt chẽ, chính xác khách quan. Nếu cán bộ nào vi phạm, công an tòa án kiểm soát đều phải xử lý vi phạm”.
Ông cũng cho biết, hiện nay đã chỉ đạo rà soát lại tất cả các bản án hình sự có đơn kêu oan, có ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, đoàn thể, báo chí, ĐB Quốc hội. Đồng thời, tự kiểm tra kiến nghị của các tòa án và rà soát các bản án mức án cáo nhất, đặc biệt là tử hình.
“Nếu phát hiện có sai xót nghiêm trọng thì thực hiện quyền kháng nghị của Chánh án. Hoặc vụ việc có tình tiết tái thẩm báo với Viện trưởng Viện Kiểm sát để phối hợp cùng nhau giải quyết lại đúng đắn”, ông Bình hứa.
Chánh án Trương Hòa Bình cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Viện Kiểm sát tham gia xem xét kiến nghị của ĐB Lê Thị Nga đã nêu trên.
ĐB Lê Thị Nga đề nghị: Trong quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra viện kiểm sát phải hoàn toàn dựa trên những bằng chứng, sự thật khách quan, nếu không không đủ căn cứ ông Chấn phạm tội phải dừng điều tra ngay. Không phụ thuộc vào kết quả điều tra Lý Nguyễn Chung (người ra đầu thú và khai nhận hành vi giết người chứ không phải ông Chấn), tuyệt đối không được dùng nguyên tắc suy đoán có tội theo hướng: Nếu không chứng minh được Lý Nguyễn Chung phạm tội thì chính là ông Chấn phạm tội. |