Trong thời gian vừa qua, một trong những vấn đề liên quan đến vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn được dư luận hết sức quan tâm và nhận được nhiều ý kiến phân tích, lý giải của các luật sư, thẩm phán đương chức là việc ông Chấn sẽ được bồi thường bao nhiêu nếu được minh oan?
Việc minh oan cho ông Chấn có lẽ chỉ còn là việc làm sớm hay muộn của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, có một điều ít người để ý và đề cập đến là tại Khoản 2, Điều 27 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quy định: Một trong các trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự đó là “Cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm”.
Ngày được trả tự do, ông Chấn lúc nào cũng chực khóc. Ảnh: Q.Đ
Cho đến nay, các điều tra viên trong vụ án đã đồng loạt phủ nhận việc sử dụng nhục hình, bức cung đối với ông Chấn. Việc tìm ra được các bằng chứng để chứng minh ông Chấn có bị bức cung, mớm cung hay không? theo ý kiến của nhiều luật sư, thẩm phán xem ra cũng rất khó khăn. Vậy, trong trường hợp dù ông Chấn có được minh oan nhưng lời khai của ông Chấn về việc mình bị bức cung, nhục hình không được làm sáng tỏ thì việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông liệu có mâu thuẩn gì với điều 27 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước?
Trường hợp oan sai như ông Chấn thì việc được giải quyết bồi thường thiệt hại là điều hiển nhiên, nhưng việc giải quyết như thế nào cho thấu tình, đạt lý xem ra vẫn còn nhiều gian nan. Bởi vậy, “nút thắt” khép lại vụ án này không chỉ là việc hung thủ thực sự của vụ án - Lý Nguyễn Chung ra đầu thú mà còn là việc làm sáng tỏ lời khai nhận tội của ông Chấn cách đây 10 năm xuất phát từ lý do gì và ai là người phải chịu trách nhiệm cho lời khai nhận tội đó?