Hạnh phúc lớn nhất của những ai còn cha còn mẹ, sẽ được cài lên ngực áo mình một đóa hồng đượm sắc dịu dàng, thiêng liêng cao cả, tượng trưng cho niềm hạnh phúc vô biên: "Vì còn cha mẹ thì hơn/ Mất cha mất mẹ như đàn đứt dây".
Tối qua (22.8), tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình), Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức lễ “Vu Lan báo hiếu - siêu độ vong linh”. Buổi lễ đã thu hút hàng trăm tăng ni, phật tử trong vùng cũng như đông đảo phật tử Hà Nội có mặt.
Cứ đến mùa Vu Lan báo hiếu, hầu hết người Việt Nam là phật tử, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều đến chùa tham dự lễ “bông hồng cài áo”, để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của đấng song thân, dù còn sống hay không còn trên cõi đời này.
Về ý nghĩa của việc cài bông hoa hồng, theo Đại đức Thích Minh Trị (trụ trì chùa Kim Sơn, Hòa Bình): “Cầm đóa hoa trên tay cài lên ngực áo, xin quý vị hãy tưởng tượng rằng trong mỗi bông hoa đều có hình ảnh dịu hiền của mẹ, trong mỗi bông hoa đều có hình ảnh nghiêm nghị của cha. Cha mẹ dù còn hay đã mất, nhưng vẫn hiện hữu trong chúng ta qua từng hơi thở, qua nhịp đập con tim, qua dòng máu đỏ tươi đang lưu thông trong huyết quản. Xin hãy cài và hãy hướng nguyện về cha mẹ bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất”.
Vũ Minh Phương - sinh viên năm thứ 3 Học viện Báo chí & Tuyên truyền - cho biết: "Năm nào em cũng tham gia nghi lễ "bông hồng cài áo" và mỗi lần như thế, em không thể kìm nén được cảm xúc cũng như niềm vinh hạnh khi cha mẹ mình vẫn luôn song hành bên cuộc đời".
Cụ Nguyễn Thị Hảo (90 tuổi, ở Bãi Nai, Kỳ Sơn, Hòa Bình) cũng vượt hàng chục cây số về chùa Kim Sơn Lạc Hồng để cầu phúc, cầu an cho 14 người con, cả dâu lẫn rể, cùng 12 cháu chắt trong mỗi mùa báo hiếu Vu Lan.
Những hình ảnh nghi lễ "Mùa báo hiếu Vu Lan":
Các tiết mục văn nghệ với chủ đề "Ơn nghĩa sinh thành" được các phật tử biểu diễn.
Hàng trăm tăng ni, phật tử đã xúc động, trang nghiêm thành kính nhớ về tiền nhân của mình, cùng tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc.
Mỗi màu của bông hồng lại mang một ý nghĩa riêng.
Các phật tử xúc động, trang nghiêm nghe lời phật dạy.
Rưng rưng nước mắt nhớ tới công ơn của cha mẹ.
Vũ Minh Phương (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) chia sẻ: “Em hạnh phúc vì còn cha còn mẹ. Đó là điều quý giá nhất trong cuộc đời một con người”.
Trong nghi lễ "bông hồng cài áo", dường như ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng mà gần gũi khi được đón nhận bông hồng, nâng niu, cẩn trọng cài lên ngực.
Nghi lễ "bông hồng cài áo" được thực hiện trang nghiêm. Những ai còn cha còn mẹ sẽ được cài lên ngực một bông hoa hồng đỏ thắm với niềm hạnh phúc vô biên, vì còn cha mẹ là còn tất cả.
Những bậc làm cha làm mẹ cũng cảm nhận được hình bóng của cha mẹ mình trong từng bông hoa được cài lên áo.
Hoa đăng được thắp sáng nhằm tôn vinh những giá trị tinh thần, tâm linh để cầu nguyện quốc thái dân an, siêu độ vong linh...
...cầu cho gia đình bình an, phước lộc an khang.
Mỗi một ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và mọi người.
Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.
Lễ thả hoa đăng mang ý nghĩa cầu siêu cho người đã khuất, đây là một nghi thức truyền thống có nguồn cội từ Phật giáo.
Các phật tử nhẹ nhàng thả từng chiếc đèn hoa đăng xuống và cùng cầu cho vong linh, linh hồn những người đã khuất siêu thoát, phù hộ cho con cháu, gia đình luôn mạnh khỏe và bình an.
Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh dưới mặt nước mang theo ước nguyện, cầu bình an, an lành và lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất.